Trong thời gian tới, nhà đầu tư tham gia giao dịch các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 sẽ phải bỏ ra 13% giá trị hợp đồng để ký quỹ, thay vì 10% như trước. Ví dụ giá trị hợp đồng là 100 triệu đồng thì nhà đầu tư phải bỏ ra số tiền ban đầu là 13 triệu đồng thay vì 10 triệu đồng.
Tăng khó cản
Tuần giao dịch vừa qua (16-20/8), khối lượng giao dịch trung bình trên thị trường phái sinh đạt 115.348 hợp đồng/ phiên, tương ứng với giá trị 10.600 tỷ đồng/phiên, giảm lần lượt 23% và 21% so với khối lượng và giá trị giao dịch hai tuần đầu tháng 7.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán cơ sở đã có một tuần giao dịch tích cực, chỉ số Vn-Index tăng 23,67 điểm, tương đương 2,6% lên 933,39 điểm, giá trị giao dịch tăng 50,5% so với tuần trước, đạt 4.700 tỷ đồng mỗi phiên.
Nhiều nhà đầu tư tin rằng sự sụt giảm của thị trường phái sinh là do sự dịch chuyển của dòng tiền từ thị trường phái sinh sang thị trường cơ sở. Lý do, thị trường cơ sở đang hồi phục tốt, ngoài ra còn có nguyên nhân bởi VSD đã chính thức nâng tỷ lệ ký quỹ phái sinh từ 10% lên 13%, áp dụng từ ngày 18/7.
Theo tính toán của SSI Research, với tỷ lệ ký quỹ mới áp dụng 13%, tỷ lệ đòn bẩy 1:6; trong khi với tỷ lệ 10% trước đó, tỷ lệ đòn bẩy lên tới 1:8. Điều này khiến nhiều người lo ngại việc các nhà đầu tư sẽ không còn “mặn mà” với phái sinh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giao dịch T+0 và việc cho phép bán khống trong xu thế giá xuống vẫn là lợi thế quan trọng của các hợp đồng tương lai.
Việc tăng tỷ lệ ký quỹ có thể khiến một số nhà đầu tư bị gọi bổ sung ký quỹ, nhưng nhà đầu tư vẫn có thể lựa chọn nộp thêm tiền để duy trì danh mục hoặc đóng bớt vị thế hợp đồng.
Do đó, SSI Reserch cho rằng quyết định nâng tỷ lệ ký quỹ có thể không tác động nhiều tới dòng tiền trên thị trường phái sinh cũng như thị trường cơ sở.
Theo các chuyên gia chứng khoán, thị trường chứng khoán phái sinh biến động theo từng ngày, các nhà đầu tư vẫn đang ở trạng thái thăm dò. Do đó, sự sụt giảm là điều tất yếu và không đáng lo ngại.
Tỷ lệ ký quỹ càng tăng lên thì có thể hiệu ứng hấp dẫn của phái sinh còn tăng cao hơn thời điểm trước đó bởi khi có một mức ký quỹ đủ lớn, nhà đầu tư sẽ kiểm soát được “cảm xúc” đầu tư của mình.
Thực tế, trong 6 tháng đầu năm, thị trường phái sinh đã có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, với khối lượng hợp đồng bình quân đạt 48% với khối lượng giao dịch bình quân đạt trên 45.000 hợp đồng/ phiên. Tính đến nay đã có hơn 35.000 tài khoản giao dịch phái sinh được mở, gấp 2 lần so với thời điểm cuối năm 2017.
Với tỷ lệ ký quỹ mới áp dụng 13%, tỷ lệ đòn bẩy 1:6; trong khi với tỷ lệ 10% trước đó, tỷ lệ đòn bẩy lên tới 1:8 |
Chờ thị trường cơ sở
Đặc điểm khiến thị trường phái sinh thu hút các nhà đầu tư là do phát huy lợi thế giúp nhà đầu tư tận dụng được xu hướng giá xuống và giao dịch trong ngày T+0.
Kể từ quý II/2018 tới đầu tháng 7, hàng loạt cổ phiếu liên tiếp giảm giá, thị trường ảm đạm, khiến nhà đầu tư chán nản với thị trường chứng khoán cơ sở và có xu hướng quay sang giao dịch hợp đồng tương lai trên thị trường phái sinh.
Nhiều ý kiến cho rằng thị trường phái sinh là “tội đồ” gây nên sự ảm đạm trên thị trường chứng khoán cơ sở, thậm chí đã xuất hiện “đội lái” trên thị trường này.
Điều này có vẻ đúng khi về bản chất, sự ra đời của thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam được định hướng là một kênh phòng ngừa rủi ro, nhưng thời gian qua, thị trường này trở thành “mảnh đất màu mỡ” của các nhà đầu cơ, tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường cơ sở.
Hơn nữa, trong một phát ngôn của nhà đầu tư “huyền thoại” Warren Buffett, ông này cho rằng chứng khoán phái sinh là loại vũ khí tài chính có sức hủy diệt hàng loạt trên thị trường, hay nói cách khác là thị trường này tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.
Việc VSD quyết định tăng tỷ lệ ký quỹ là do nhận thấy rủi ro liên quan đến biến động giá đang có xu hướng tăng. Ngay cả khi thị trường tăng, nhưng mức biến động giá lớn, việc tăng tỷ lệ ký quỹ cũng có thể thực hiện để giảm thiểu việc chạm ngưỡng cảnh báo hoặc thua lỗ lớn cho nhà đầu tư.
Ngược lại, khi biến động thị trường giảm bớt, việc tỷ lệ ký quỹ có thể giảm để tăng tỷ lệ đòn bẩy chắc chắn xảy ra, nhằm tăng khả năng sinh lời và hấp dẫn với nhà đầu tư.
Tuy nhiên, việc các hợp đồng tương lai lấy chỉ số VN30 làm chỉ số cơ sở mà chỉ số này bị tác động bởi một số cổ phiếu cấu thành trong rổ VN30.
Do đó, phái sinh vẫn phụ thuộc vào thị trường cơ sở, không có chuyện chỉ số VN30 giảm mà các hợp đồng tương lai lại tăng giá. Thị trường cơ sở hồi phục sẽ kéo theo dòng tiền rút bớt khỏi phái sinh, từ đó sự cân bằng sẽ quay trở lại với cả hai thị trường.
Theo dự kiến, bên cạnh hợp đồng tương lai chỉ số VN30, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ đưa hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ vào giao dịch từ cuối năm nay để đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường phái sinh.
Linh Đan