Đây là sự kiện được đánh giá có tác động rất lớn đến giới đầu tư bất động sản nói chung và đầu tư cổ phiếu bất động sản nói riêng. Đồng thời, thương vụ đấu giá kỷ lục này cũng là động lực chính của đà tăng nóng nhóm cổ phiếu địa ốc trong thời gian vừa qua.
Hiệu ứng “domino”
Trước những lùm xùm xung quanh sự kiện Tân Hoàng Minh bỏ cọc đất Thủ Thiêm, cùng với đó là vụ việc bán chui cổ phiếu của đại gia bất động sản Trịnh Văn Quyết xảy ra cùng thời điểm, dư luận cũng đặt ra câu hỏi: Cổ phiếu bất động sản sẽ ra sao?
Cổ phiếu bất động sản đồng loạt giảm sàn ngay sau khi có tin Tân Hoàng Minh bỏ cọc khu đất vàng Thủ Thiêm. (Ảnh: Int) |
Ngay khi mở cửa phiên sáng, hiệu ứng domino với nhóm cổ phiếu chiếm hơn 20% vốn hóa thị thường đã xảy ra và kéo dài đến kết phiên. Cụ thể, nhiều cổ phiếu bất động sản đã nhanh chóng rơi về mức giá sàn như CEO, CII, DRH, LDG, QCG, NBB, HQC, NHA, DRH,... KHG, SAM, OGC với lượng dư bán hàng triệu cổ phiếu và nhiều mã khác cũng giảm sâu.
Bên cạnh đó, sự kiện ông Trịnh Văn Quyết bị phong tỏa tài khoản chứng khoán và hủy kết quả giao dịch phiên 10/1 cũng khiến bộ đôi FLC – ROS giảm kịch sàn.
Tuy nhiên, vẫn có một số mã ngược dòng, giữ được sắc xanh và đặc biệt L14 tiếp tục tăng trần lên 456.100 đồng/cp để trở thành mã chứng khoán có thị giá “đắt ” nhất sàn chứng khoán.
Dạo quanh một số diễn đàn đầu tư, nhiều nhà đầu tư cho rằng, trong vòng 1 tháng qua, giá bất động sản đã được “thổi phồng” từ phiên đấu giá đất Thủ Thiêm. Nhưng nay Tân Hoàng Minh đã trả cọc, giá đất sẽ phải về với giá trị thật.
Song không phải nhà đầu tư nào cũng có chung suy nghĩ. Anh Ngọc Giang, một nhà đầu tư “lão làng” nói: “Kể cả không có Tân Hoàng Minh thì giá đất Thủ Thiêm cũng phải 1 tỷ đồng/m2. Mọi người nên hiểu rằng, trong phiên đấu giá đó, bên trả giá cao thứ 2 sau Tân Hoàng Minh cũng đã trả đến 1 tỷ USD cho 1 ha”.
Đánh giá về nhiều sự kiện diễn ra liên tục trong 2 ngày qua gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, một số chuyên gia nêu quan điểm, trong một chu kỳ kích cầu kinh tế với gói 350.000 tỷ đã được Quốc hội thông qua ngày 10/1 vừa qua, chứng khoán sẽ là một kênh nhạy bén, được hưởng lợi đầu tiên với một chu kỳ “uptrend không thấy đỉnh”.
Do đó, giá cổ phiếu bất động sản cũng như xây dựng ,… liên quan hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế này sẽ khó có thể giảm giá. Có hay chăng đây chỉ là những phiên điều chỉnh giá do thời gian qua cổ phiếu bất động sản đã tăng quá “nóng”. Và, đây cũng chính là cơ sở để kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ xác lập những kỷ lục mới.
“Chiêu cũ” lặp lại?
Một số chuyên gia tỏ ra vô cùng “bức xúc” trước những việc làm được cho là “chộp giật” của một số “ông lớn” các doanh nghiệp đang gây xôn xao dư luận, ảnh hưởng đến uy tín của thị trường trong nước với cộng đồng quốc tế trong thời gian gần đây.
Thực tế, trước khi xảy ra vụ “lùm xùm” liên quan đến đấu giá đất “vàng” ở Thủ Thiêm, thời điểm năm 2015, doanh nghiệp của ông Đỗ Anh Dũng cũng đã từng trúng đấu giá lô đất 23 Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM) với diện tích 3.000 m2, cùng mức trả 1.430 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó “đòi” hủy kết quả, không nộp số tiền đã trúng đấu giá và nhượng lại quyền đó cho Techcombank tiếp tục mua làm trụ sở.
Đến tháng 6/2016, Tân Hoàng Minh lại có văn bản gửi UBND TP.HCM, đề nghị được tiếp tục mua khu đất 23 Lê Duẩn. Do quá thời gian quy định, ngoài số tiền trúng đấu giá, Tân Hoàng Minh phải nộp thêm hơn 260 tỷ đồng tiền phạt.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, Tân Hoàng Minh vẫn “gặt hái” được thông qua việc mua bán này, chính là để nâng giá trị thương hiệu nhằm kiếm lời ở lĩnh vực kinh doanh khác.
Có thể thấy, việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc khu đất vàng Thủ Thiêm là việc được báo trước. Bởi lẽ, Tân Hoàng Minh chỉ là một đơn vị trúng thầu có tài sản quá nhỏ bé so với số tiền bỏ ra để mua lô đất này. Hay chăng có thể nói thực lực không có nhưng Tân Hoàng Minh đã mang giấc mơ “hão huyền”.
Được biết, Cục thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu báo cáo về hoạt động tín dụng liên quan đến các công ty trúng đấu giá các lô đất ở Thủ Thiêm và khẳng định những thao túng trục lợi sẽ bị xử lý.
Liên quan đến việc đấu giá/trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở khu đô thị Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã rà soát và khẳng định không cấp tín dụng (cho vay, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu…) cho các khách hàng để tham gia đấu giá/trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở Thủ Thiêm.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, dù pháp luật quy định chủ thể trúng đấu giá không mua nữa thì mất tiền cọc, nhưng hành vi nhiễu loạn giá cả thị trường bất động sản làm giảm giá trị lô đất, thiệt hại cho nhà nước khi tổ chức đấu giá lại thì đề nghị xử lý hình sự.
Hải Giang