Nệm Kymdan là thương hiệu có uy tín trên thị trường được thành lập cách đây hơn 60 năm tại Sài Gòn. Kymdan có công thức sản xuất ra rất bí mật mà ít người biết tới được áp dụng chiến lược tự bảo hộ công nghệ gần như tuyệt đối. Công ty này không cho phép nhân viên dùng điện thoại di động trong khu sản xuất, hạn chế tham quan nhà máy và không được tham quan dây chuyền công nghệ.
Giá cao, nhờ công thức bí mật?
Người nghiên cứu ra công thức này chính là ông Nguyễn Văn Đan đã được cấp bằng sáng chế cho đệm cao su thông hơi Kymdan vào năm 1962. Cho đến nay, thương hiệu này đã được truyền đến đời thứ 3 mà vẫn giữ được bí mật mà chưa đối thủ nào vượt qua được.
Nệm cao su thiên nhiên mang thương hiệu Kymdan đã có những ưu việt tuyệt đối là khắc phục được mùi, đưa các hương vị tư nhiên, tạo độ bền cho sản phẩm lên tới vài chục năm.
Năm 1999, Công ty Sài Gòn – Kymdan bắt đầu hoạt động theo phương thức cổ phần hóa. Theo đó, Tổng Công ty Công nghiệp Liksin nắm phần vốn góp của Nhà nước trong Kymdan chiếm 5,84% tổng vốn điều lệ.
Do có dưới 100 cổ đông, nên Kymdan không thuộc loại công ty cổ phần đại chúng và không tham gia giao dịch trên bất kỳ sàn chứng khoán nào, kể cả OTC. Đây vẫn là công ty tổ chức theo mô hình gia đình, nên rất kín tiếng với bên ngoài.
Tổng Công ty Liksin vừa bán đấu giá 61.290 cổ phần của CTCP Cao su Sài Gòn – Kymdan (nệm Kymdan) với giá khởi điểm 1.071.985 đồng/cổ phần
Theo báo cáo tài chính năm 2014, Kymdan trả tiền nhãn hiệu, bí quyết công nghệ đối với ông Nguyễn Hữu Trí – Chủ tịch HĐQT công ty – là 124,5 tỷ đồng (năm 2013 là 123 tỷ). Đến cuối năm, số dư khoản phải trả nhãn hiệu bí quyết công nghệ cho ông Trí là 19,3 tỷ. Khoản chi phí này được tính vào chi phí quản lý doanh nghiệp, nhưng khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, chi phí công thức và nhãn hiệu lại được cộng trở lại vào lợi nhuận kế toán trước thuế để tính thuế.
Một điểm đáng chú ý trong BCTC của công ty là đến cuối năm 2014, số dư khoản phải thu hỗ trợ vốn đối với công ty Kymdan tại Úc (công ty con) là 167,5 tỷ đồng, phải thu bán hàng là 79,6 tỷ.
Khoản phải thu này đang phải trích lập dự phòng hoàn toàn với số dư 247 tỷ.
Kymdan hiện có hệ thống phân phối hơn 550 cửa hàng đại lý trên toàn quốc. Ngoài nhà máy chính ở Củ Chi rộng 11ha, Kymdan có 3 công ty con ở Pháp, Đức và Australia; năng lực xuất khẩu chiếm từ 30-40% so với sản lượng tiêu thụ hàng năm.
Từ khi cổ phần hóa, doanh số (chưa trừ VAT) của Kymdan tăng liên tục từ 30 – 60%/năm. Ngoài nệm, Kymdan còn có thêm các sản phẩm gối, giường, salon. Năm 2014, doanh thu từ nệm là 815 tỷ – chiếm 93% doanh thu của Kymdan. Cuối năm 2014, Kymdan có vốn điều lệ là 106,6 tỷ đồng.
Nguồn vốn từ quỹ đầu tư phát triển với giá trị 947 tỷ – bằng 84,4% vốn chủ sở hữu và bằng 75,5% tổng nguồn vốn. Công ty không có nợ ngắn hạn, số dư vay nợ dài hạn cũng chỉ có hơn 8 tỷ đồng và toàn bộ hoạt động đầu tư của Kymdan đều được tài trợ bằng tiền từ hoạt động kinh doanh chính.
Năm 2014, doanh thu thuần của công ty đạt 868,3 tỷ đồng – tăng 10,4% so với năm 2013 và tăng 6,7% so với năm 2012. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp biên rất cao, trên 70% và mức cao nhất đạt được là vào năm 2014 với 75,2%.
Với số lượng cổ phiếu lưu hành là 1.066.492 cổ phiếu (mệnh giá cổ phiếu 100.000 đồng), EPS năm 2014 là 161.883 đồng. Và tại mức giá mà Liksin đã bán (1.072.000 đồng), Kymdan được định giá ở mức P/E hơn 6,6x, vốn hóa hơn 1.143 tỷ đồng.
Chưa có đối thủ xứng tầm!
Theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam, trên thị trường chăn ga, gối, nệm, Kymdan là một trong những đơn vị hàng đầu thị trường có doanh thu và lợi nhuận lớn.
Trong lĩnh vực này, mới chỉ có một vài thương hiệu khác như nệm Vạn Thành, nệm Đồng Phú và nhãn hiệu Everon của CTCP Everpia Việt Nam (EVE) đang niêm yết trên thị trường chứng khoán. Hiện tại, chỉ có Kymdan và nệm Đồng Phú là chuyên sản xuất từ cao su thiên nhiên, còn các đơn vị khác thì sản xuất nệm bông ép, đệm lò xo… Trong những năm qua, giá cao su thiên nhiên giảm mạnh đã đem lại lợi nhuận lớn cho những đơn vị sản xuất mặt hàng này.
Trong cơ cấu doanh thu của Everpia, mảng kinh doanh chăn, ga, gối, đệm vẫn là cốt lõi, tuy nhiên, mảng này chỉ chiếm 56% cơ cấu doanh thu. Bên cạnh đó, mảng kinh doanh sản phẩm từ bông và chần bông cũng đem lại nguồn thu đáng kể cho Everpia khi chiếm tới 40% cơ cấu doanh thu.
Còn với Kymdan, dù kinh doanh khá nhiều sản phẩm như Salon, giường… nhưng đệm, gối, ga là những sản phẩm đem lại nguồn thu chính khi chiếm tới 98% tổng doanh thu công ty.
Theo tính toán, tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu của Everpia trong những năm qua luôn ở mức rất cao, trên 60% chi phí sản xuất của công ty. Trong khi đó, tỷ lệ này của Kymdan chỉ ở mức 30%, bằng một nửa so với Everpia. Yếu tố chi phí đầu vào thấp đã khiến lợi nhuận của Kymdan tích cực hơn đáng kể so với Everpia, mặc dù doanh thu không chênh lệch quá lớn.
Lê Thuận