Một quý ảm đạm
Mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán VnDirect đã công bố thống kê trong quý II/2023 có tổng cộng 12 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước thành công. Tổng giá trị phát hành đạt khoảng 8.736 tỷ đồng, giảm 92,4% so với cùng kỳ. Trong 12 đợt phát hành thành công trong cả quý II thì có 11 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 6.736 tỷ đồng, chiếm 77,1% tổng giá trị phát hành.
Xét theo nhóm ngành về tỷ trọng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong quý II, bất động sản là lĩnh vực dẫn đầu khi chiếm 33,4%. Trong khi đó, nhóm các tập đoàn đa ngành chiếm 22,9%, nhóm vận tải - logistics chiếm 10,3%, còn lại là các nhóm ngành khác.
Nhìn lại quý I, có thể thấy tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt hơn 28.335 tỷ đồng, gấp tới hơn 4 lần so với quý trước. Ngoài ra, nhóm ngành có tỷ trọng phát hành dẫn đầu trong quý I là bất động sản cũng chiếm tới hơn 85% tổng giá trị phát hành trong quý I.
![]() |
Theo chuyên gia, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phục hồi và sôi động trở lại, quan trọng nhất là cần hành động chính sách một cách mạnh mẽ. |
Như vậy, sau một số đợt phát hành có giá trị cao bất ngờ trong quý I với đỉnh điểm là tháng 3 khi Nghị định 08 được ban hành, trong quý II, hoạt động phát hành riêng lẻ đã rơi vào tình cảnh ảm đạm.
Các chuyên gia VnDirect đánh giá bối cảnh hiện nay cho thấy vẫn còn nhiều tổ chức phát hành gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, dòng tiền bị “đóng băng” và việc thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn bị chậm trễ. Hệ quả kéo theo là khiến nhà đầu tư nghi ngại, chưa có niềm tin trở lại với thị trường.
“Đây cũng là nguyên nhân chính khiến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn rơi vào tình cảnh ảm đạm trong quý II/2023”, VnDirect nhận định.
Một tháng kỳ vọng
Trong bối cảnh hoạt động phát hành “nhỏ giọt”, thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết “núi nợ” trái phiếu vẫn tiếp tục chất đống khi danh sách các đơn vị chậm thanh toán lại tiếp tục tăng lên.
Theo đó, hết quý II/2023 có khoảng 59 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp của HNX. VnDirect ước tính tổng dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp này vào khoảng 159,5 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 14,6% dư nợ toàn thị trường.
Sang quý III/2023, danh sách này đã kéo dài thêm. Đơn cử như ngày 3/7, Công ty Cổ phần Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đã có văn bản gửi về HNX để công bố thông tin bất thường về việc chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Theo đó, đối với lô trái phiếu HQNCH2124002 trị giá 500 tỷ đồng được phát hành ngày 2/4/2021 với kỳ hạn 3 năm, đơn vị này không thể thanh toán kịp số tiền lãi hơn 14,3 tỷ đồng cho các trái chủ vào đầu tháng 7.
Lý do Công ty Cổ phần Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn đưa ra là do thị trường tài chính, thị trường giao dịch bất động sản diễn biến không thuận lợi, dẫn đến tổ chức phát hành chưa thu xếp kịp nguồn tiền để thanh toán lãi trái phiếu đúng hạn so với kế hoạch.
Đến ngày 5/7, thông tin từ HNX cho thấy danh sách chậm thanh toán lại tiếp tục bổ sung thêm một cái tên là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (TP.HCM). Tổ chức hành này đưa ra lý do chưa thể thu xếp đủ nguồn thanh toán đối với mã trái phiếu NVLH2123006. Được biết số tiền lãi công ty phải thanh toán là hơn 15,7 tỷ đồng, trong khi số tiền gốc là 300 tỷ đồng (mới thanh toán hơn 3,1 tỷ đồng).
Trước bối cảnh thách thức “bủa vây tứ phía” thị trường trái phiếu, trong buổi họp báo thường kỳ quý II của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đã khẳng định khó khăn của tổ chức phát hành trái phiếu đến từ nội tại của chính doanh nghiệp. Đồng thời, khó khăn cũng xuất phát từ cả thực trạng kinh tế lẫn tình hình sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nói chung.
“Để khắc phục được những khó khăn này, cần có giải pháp đồng bộ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế - tài chính cũng nêu lên giải pháp: “Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ phục hồi và sôi động trở lại, quan trọng nhất là cần hành động chính sách một cách mạnh mẽ. Từ đó, khi qua một khoảng thời gian nhất định sẽ có thể khôi phục niềm tin từ nhà đầu tư”.
Bộ Tài chính cho biết trong tháng 7 sẽ khai trương và vận hành chính thức sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đánh giá việc đưa vào vận hành thị trường thứ cấp cho trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tạo cơ sở để trái chủ thực hiện thanh khoản trên thị trường thuận lợi nhất. Qua đó, dần lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư.
Đây được kỳ vọng sẽ là lực đẩy giúp thị trường trái phiếu gia tăng thanh khoản trong 2 quý cuối năm. Đồng thời giúp minh bạch thông tin, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, tạo kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Hà Trang