Như vậy, với tỷ lệ mua thành công 95,9% tổng lượng đăng ký chào mua công khai với giá 71.000 đồng/cp, ước tính số tiền mà PAN phải chi trả cho thương vụ này khoảng 524,2 tỷ đồng.
Ngày kết thúc đợt chào mua là 16/5. Sau giao dịch, Tập đoàn PAN đã nâng sở hữu lên 98,3% vốn điều lệ tại Bibica. Được biết, tính tới ngày 19/1/2022, PAN cùng cổ đông liên quan đang sở hữu 58,94% vốn điều lệ tại Bibica.
Chốt phiên ngày 18/5, sau một phiên tăng kịch trần, cổ phiếu PAN đang giao dịch ở giá tham chiếu là 21.000 đồng/cp. Trong khi đó, cổ phiếu BBC mất 0,7% giá trị, lùi về 72.500 đồng/cp.
PAN đã mua thành công 7.382.512 cổ phiếu BBC trong tổng 7.700.537 cổ phiếu đăng ký chào mua công khai từ 17 nhà đầu tư. (Ảnh: Int) |
Theo đại diện của Tập đoàn PAN, nhằm mở rộng quy mô hoạt động, Tập đoàn đã tập trung với chiến lược phát triển hữu cơ, mua lại và hợp nhất các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, minh bạch và quản trị tốt trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm. Trong đó, Bibica là mảng ghép quan trọng trong chiến lược 3F (Feed – Farm – Food: từ nông trại đến bàn ăn) khi tham gia vào ngành thực phẩm. Với cơ cấu tập trung, Bibica sẽ dễ dàng hơn trong việc thống nhất các đường lối chính sách, định hướng phát triển và phê duyệt đầu tư dự án.
Trước đó, Lotte Confectionery nắm giữ gần 6,8 triệu cổ phiếu BBC, tương đương 44,03% vốn điều lệ tính tới ngày 27/6/2020 và thoái hết vốn vào đầu năm 2021.
Trong diễn biến liên quan, cuối tháng 1 vừa qua, HĐQT PAN đã thông qua việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua.
Theo đó, doanh nghiệp sẽ phát hành 86,5 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ thực hiện quyền là 5:2. Tại ngày chốt danh sách, cổ đông sở hữu 5 cổ phần được hưởng 2 quyền, mỗi quyền được nhận thêm 1 cổ phần mới.
Bên cạnh đó, PAN cũng triển khai chào bán hơn 108 triệu cổ phiếu với giá 15.000 đồng/cp. Tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1, tại ngày chốt danh sách, cổ đông sở hữu 2 cổ phần được hưởng 1 quyền, mỗi quyền được mua 1 cổ phần mới.
Số lượng cổ phiếu phát hành thêm qua 2 đợt phát hành đều không bị hạn chế chuyển nhượng. Sau các đợt phát hành trên, vốn điều lệ của PAN sẽ tăng từ hơn 2.163 tỷ đồng lên gần 4.522 tỷ đồng.
Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán cho cổ đông là gần 1.623 tỷ đồng. Trong đó, PAN sẽ dùng 825 tỷ đồng để đầu tư tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty thành viên như Bibiba, Khử trùng Việt Nam...
Đồng thời, 400 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư M&A các công ty mới trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm có hệ thống quản trị nội bộ minh bạch.
Ngoài ra, PAN sẽ dùng 100 tỷ đồng để đầu tư ngắn và trung hạn vào các sản phẩm đầu tư an toàn, có lãi suất ổn định trên thị trường vốn và thị trường tiền tệ; dùng 76 tỷ đồng góp thêm vốn vào Công ty Cổ phần Chế biến Thực phầm xuất khẩu Long An và dùng hơn 221 tỷ đồng để trả nợ ngân hàng.
Về kết quả kinh doanh, trong quý I/2022, Tập đoàn PAN ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt 2.949 tỷ đồng và 168 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 75% và 234% so với cùng kỳ năm 2021, với đóng góp lớn từ các mảng giống cây trồng và gạo, tôm xuất khẩu, khử trùng và nông dược...
Được biết, năm 2022, PAN đặt kế hoạch doanh thu 14.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 755 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 54,6% và 47,8% so với năm 2021. Tập đoàn quyết định tạm thời không chia cổ tức năm 2021 và 2022 để dành nguồn lực thực hiện chiến lược M&A, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong giai đoạn tới. Kết thúc 3 tháng đầu năm, PAN hoàn thành 20,6% kế hoạch doanh thu và 22,3% kế hoạch lợi nhuận năm.
Về Bibica, BCTC quý I/2022 ghi nhận với mức lợi nhuận cao kỷ lục trong lịch sử niêm yết của Bibica với mức lợi nhuận tăng cao so gấp hơn 17 lần so với cùng kỳ.
Năm 2022, Bibica dự kiến đặt mục tiêu kinh doanh đạt 1.900 tỷ đồng doanh thu thuần và 100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng trưởng tới 74% và 355% so với thực hiện của năm 2021. Như vậy, kết thúc quý I, mặc dù mới chỉ hoàn thành được 16% mục tiêu về doanh thu nhưng đã vượt 31% kế hoạch lợi nhuận.
Châu Giang