Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/10, cổ phiếu VCW của CTCP Đầu tư Nước sạch Sông Đà (Viwasupco) ghi nhận mức giảm gần 5% về mức 33.000 đồng/cp, khớp lệnh 2.800 đơn vị sau khoảng thời gian dài không có giao dịch và giữ nguyên mức giá 36.000 đồng/cp.
Nguyên nhân của mức giảm phiên 16/10 có thể đến từ việc các cổ đông phản ứng trước bê bối nước sạch mà công ty cung cấp cho người dân nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội bị nhiễm bẩn suốt một tuần qua.
Lãi lớn nhờ độc quyền
Tiền thân của CTCP Đầu tư Nước sạch Sông Đà là công ty TNHH MTV Nước sạch Vinaconex. Năm 2017, Vinaconex đã thoái toàn bộ vốn cho 2 tổ chức là CTCP Cơ điện lạnh (REE) nắm giữ 34,68% và CTCP Đầu tư và Phát triển Sinh Thái là 50,42%.
Tuy nhiên, chỉ đúng 1 tuần sau khi nắm tỷ lệ chi phối tại Viwasupco, công ty Sinh Thái đã đăng ký thoái toàn bộ 25,21 triệu cổ phần đang sở hữu vào ngày 29/12/2017 và bán thành công vào ngày 4/1/2018.
Cùng ngày, công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex (Gelex Energy – công ty do Gelex sở hữu 100%) mua vào 10 triệu cổ phần VCW để nâng tỷ lệ sở hữu tại Viwasupco từ 4,68% lên 24,68%.
Sau đó, công ty Năng lượng Gelex đăng ký mua thêm 12 triệu cổ phần từ ngày 9/2 – 9/3/2018 và mua thành công 11,21 triệu cổ phần, nâng tỷ lệ sở hữu lên 47,1%.
Hiện, 2 cổ đông chính nắm phần lớn cổ phần của Viwasupco là Gelex Energy với 60,46% và Cơ điện lạnh là 35,95%.
Viwasupco là đơn vị vận hành Nhà máy nước mặt sông Đà, độc quyền cung cấp nước nguồn (bán buôn) cho các đối tác kinh doanh khác tại khu vực Tây Nam Hà Nội. Công suất thiết kế của Nhà máy nước mặt Sông Đà là 300.000 m3/ ngày và đang đầu tư giai đoạn II để nâng công suất lên gấp đôi.
Được biết, 90% lượng nước của Viwasupco được bán cho 3 khách hàng chính là Viwaco, Hawaco và Nước sạch Hà Đông. Chính nhờ vị thế độc quyền này, Viwasupco được đánh giá là “ăn nên làm ra”.
Trong nửa đầu năm 2019, công ty ghi nhận 263,7 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 22,4% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 126 tỷ đồng, tăng 31% so với nửa đầu năm 2018.
Tỷ suất sinh lời của doanh thu (ROS) của Viwasupco lên tới gần 48% – một con số mơ ước với bất cứ doanh nghiệp nào. Điều này có nghĩa là công ty cứ có 2 đồng doanh thu thì lãi 1 đồng.
Từ năm 2016 đến nay, Viwasupco vẫn liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng. Cụ thể, năm 2016, công ty đạt lợi nhuận 161 tỷ đồng. Đến năm 2018, con số này đã tăng lên hơn 218 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ tăng trưởng 35,5%.
Lợi nhuận tốt, công ty cũng khá tích cực chia cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt. Tháng 9 vừa qua, Viwasupco đã chi khoảng 60 tỷ đồng để tạm ứng nốt 8% cổ tức cho cổ đông. Tính chung, tổng cổ tức mà cổ đông Viwasupco nhận được năm 2019 là 10% bằng tiền mặt.
Sau khi để một bộ phận người dân Thủ đô phải sống chung với nước “không sạch” trong nhiều ngày, Viwasupco đã thông báo tạm ngừng cấp nước để xúc xả tuyến ống truyền tải từ ngày 15/10.
Cổ phiếu VCW của Nước sạch Sông Đà có khả năng bị các cổ đông nhỏ lẻ quay lưng vì bê bối nguồn nước |
Cổ đông sẽ quay lưng?
Đáng chú ý, trong những ngày bê bối vừa qua, cổ phiếu VCW của Viwasupco lại có phản ứng “lạ”. Sau nhiều phiên giao dịch không có thanh khoản hoặc giảm giá, đến phiên giao dịch ngày 15/10, cổ phiếu VCW lại tăng mạnh 9,1% lên 36.000 đồng/cp.
Tại mức giá này, cổ phiếu VCW ghi nhận tăng gần 20% trong vòng 3 tháng và đang tiến về vùng đỉnh của 1 năm trở lại đây là 37.000 đồng/ cp được thiết lập ngày 17/9/2019. Chỉ đến khi thông báo cắt nước, cổ phiếu VCW mới quay đầu giảm trong phiên 16/10.
Không chỉ cổ phiếu của Nước sạch Sông Đà mà cổ phiếu GEX của “đại cổ đông” Gelex cũng giảm 1,8% xuống 21.600 đồng/cp. Tuy nhiên, mã cổ phiếu này vẫn đang trong vùng giá cao khi mức đỉnh thiết lập hồi tháng 10 năm ngoái cũng chỉ là 23.700 đồng/cp; cổ phiếu REE cũng giảm 1,7% xuống 37.050 đồng/cp.
Chưa thể khẳng định hoạt động điều chỉnh giá tại GEX và REE có liên quan đến diễn biến tại Viwasupco hay không, nhưng có một điều khó hiểu là trong cuộc trả lời báo chí gần đây, Tổng giám đốc Viwasupco Nguyễn Văn Tốn cho biết mình chỉ là người làm thuê.
Câu hỏi đặt ra: những ông chủ của công ty này là ai và tại sao đến giờ này chưa lên tiếng về những hệ lụy mà công ty này gây ra cho hàng vạn người dân Hà Nội?
Đặc biệt, tại Văn bản số 446/2019/TB-VIWASUPCO được ban hành ngày 16/10 về việc tạm dừng cấp nước để súc xả tuyến ống truyền tải Nước sạch Sông Đà, bên cạnh những “cơ quan chức năng và các quý khách hàng”, công ty Năng lượng Gelex cũng là một trong những nơi nhận kèm bổ sung “để báo cáo”.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Viwasupco không bảo đảm chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Trước đó, với 21 lần vỡ ống nước, ảnh hưởng tới 177.000 hộ dân ở Thủ đô, ban lãnh đạo Viwasupco và một số lãnh đạo thuộc Vinaconex đã bị truy tố. Trong đó, ông Hoàng Thế Trung, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà, cựu Chủ tịch Viwasupco bị tuyên án 24 tháng tù.
Linh Đan