Mới nhất, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM ngày 5/1 có báo cáo liên quan đến giao dịch cổ phiếu của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank, mã: VBB).
Cụ thể, ông Dương Nhất Nguyên, Chủ tịch HĐQT Vietbank đã đăng ký mua 7 triệu cổ phiếu VBB nhằm gia tăng sở hữu cổ phiếu. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Thời gian giao dịch dự kiến diễn ra từ 9/1/2024 - 7/2/2024.
Trước khi thực hiện giao dịch, ông Nguyên nắm giữ 16,051 triệu cổ phiếu VBB, tương ứng tỷ lệ 3,36%. Nếu giao dịch thành công, Chủ tịch Vietbank sẽ nâng tỷ lệ nắm giữ lên 23,051 triệu cổ phiếu ngân hàng này.
Tạm tính theo giá kết phiên ngày 5/1, cổ phiếu VBB đóng cửa ở mức 10.800 đồng/cp, ông Nguyên sẽ phải chi khoảng hơn 73 tỷ đồng để mua vào số cổ phiếu trên.
Thị trường chứng khoán ghi nhận hàng loạt giao dịch mua cổ phiếu ngân hàng được thực hiện bởi các lãnh đạo nhà băng và người thân. (Hình minh họa) |
Trước đó, HDBank (HDB) có thông báo về giao dịch cổ phiếu của người nội bộ ngân hàng là ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT.
Cụ thể, ông Thanh đã mua vào thành công 1,98 triệu cổ phiếu HDB với mục đích đầu tư. Giao dịch được thực hiện từ ngày 23/11 đến 22/12/2023 theo hình thức khớp lệnh. Xét theo thị giá cổ phiếu HDB giai đoạn này là hơn 18.000 đồng/cp, ước tính ông Thanh đã chi gần 36 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch.
Sau giao dịch, số cổ phiếu HDB ông Thanh nắm giữ tại HDBank là hơn 4,62 triệu đơn vị, tương ứng 0,16% vốn ngân hàng.
Trong khi đó, SeABank (SSB) cũng có thông báo về việc bà Nguyễn Thị Nga, Phó chủ tịch thường trực HĐQT đã đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu SSB nhằm gia tăng tỷ lệ sở hữu. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 29/12/2023 đến 26/1/2024, theo phương thức thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh trên sàn.
Tạm tính theo thị giá cổ phiếu SSB đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/12, bà Nga cần chi khoảng 120 tỷ đồng để thực hiện giao dịch nêu trên. Nếu mua vào đủ lượng cổ phiếu đăng ký, bà Nga sẽ nâng sở hữu tại SeABank từ hơn 92,2 triệu cổ phiếu (chiếm 3,69% vốn) lên gần 97,23 triệu cổ phiếu (chiếm 3,896% vốn).
Tại Techcombank, 3 người con của Chủ tịch Hồ Hùng Anh đăng ký mua vào hơn 174,1 triệu cổ phiếu TCB. Trong đó, bà Hồ Minh Anh, mua vào 72,1 triệu cổ phiếu TCB, tương ứng gần 2,05% vốn ngân hàng; ông Hồ Anh Minh mua 34,4 triệu cổ phiếu TCB, nâng tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng từ 3,92% (137,9 triệu cổ phiếu) lên 4,9% (172,3 triệu cổ phiếu); bà Hồ Thủy Anh mua 67,7 triệu cổ phiếu.
Ngân hàng MB mới đây cũng thông báo về giao dịch mua cổ phiếu của Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC), tổ chức có liên quan người nội bộ nhà băng là bà Vũ Thái Huyền, Thành viên HĐQT MB. Trong đó, bà Huyền cũng là người đại diện vốn sở hữu của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) - chủ sở hữu SIC - tại MB.
MB cho biết SIC đã đăng ký mua gần 1,4 triệu cổ phiếu MBB dưới hình thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận từ ngày 27/12/2023 đến ngày 25/1/2024. Mục đích là để đầu tư tài chính.
Nếu hoàn tất giao dịch, SIC sẽ nâng lượng cổ phiếu MBB nắm giữ từ 3 triệu cổ phiếu (chiếm 0,058% vốn) lên 4,38 triệu cổ phiếu (chiếm 0,084% vốn).
Tính tới ngày 14/7, công ty mẹ của SIC đang là cổ đông lớn thứ 2 tại MB khi sở hữu 491,42 triệu cổ phiếu MBB, tương ứng tỷ lệ 9,42% vốn ngân hàng. Cổ đông lớn nhất tại nhà băng này vẫn là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) hiện sở hữu 737,13 triệu cổ phiếu MBB (chiếm 14,14% vốn).
Thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu ngân hàng bắt đầu có tín hiệu tích cực, trở thành động lực chính dẫn dắt thị trường, đỉnh điểm là sau khi nhận thông tin quan trọng liên quan đến tăng trưởng tín dụng. Theo đó, việc tăng trưởng tín dụng tăng mạnh vào cuối năm 2023, kéo mức tăng cả năm lên 13,5%, không thấp hơn mục tiêu 14% quá nhiều cũng tác động tích cực tới tâm lý của các nhà đầu tư.
Châu Anh