Sau phiên điều chỉnh khá mạnh mất hơn 21 điểm trong ngày đầu tuần (1/2), thị trường chứng khoán đã hồi phục mạnh mẽ trở lại trong 2 phiên 2-3/2 với mức tăng tới gần 80 điểm, lấy lại phần lớn những gì đã mất trước đó.
Thanh khoản thị trường cũng được cải thiện hơn khi trong phiên 1-2/2 chỉ duy trì ở mức trung bình hơn 10.000 tỷ đồng/phiên, nhưng đến phiên ngày 3/2 thị trường thăng hoa với hàng trăm cổ phiếu tăng trần thì thanh khoản ghi nhận hơn 18.200 tỷ đồng được giao dịch. Diễn biến này đã "đánh bay" những lo ngại, chán nản kể từ cuối tháng 1 đến nay.
Từ chán nản, mất niềm tin...
Thị trường chứng khoán Việt Nam bước sang tuổi thứ 21 nhưng đến năm 2020, khái niệm nhà đầu tư F0 mới xuất hiện để chỉ những nhà đầu tư mới. Nhóm nhà đầu tư này đã mang một luồng gió mới đến cho thị trường chứng khoán với một lượng tiền "khổng lồ" trong bối cảnh lãi suất chỉ còn dưới 6%/năm.
Giả sử với 500 triệu đồng gửi tiết kiệm 1 năm tiền lãi chỉ khoảng 30 triệu đồng, trong khi trên sàn chứng khoán năm 2020, nếu may mắn, 500 triệu đồng đầu tư có thể mang về khoản tiền lãi hàng trăm triệu đồng, thậm chí là hơn.
Câu nói "chứng khoán là sân chơi cho những người hay quên" không sai khi vừa mới bán sàn trong sợ hãi các nhà đầu tư đã rất nhanh chóng xuống tiền mua giá cao với sự hưng phấn tột độ. |
Thực tế, thị trường chứng khoán đang trở thành một kênh đầu tư chân chính của những người dư tiền nhưng không biết kinh doanh. Chính vì lẽ này mà một lượng lớn dòng tiền được đầu tư vào các tập đoàn lớn như Vingroup, Masan, Hoà phát, Vinamilk, FPT, Hoa Sen,... để các tỷ phú có đầu óc kinh doanh sinh lời tạo ra giá trị thặng dư từ đó hưởng lợi từ cổ tức tiền mặt và chênh lệch giá cổ phiếu tăng lên.
Tuy nhiên, dù hấp dẫn đến đâu thì thị trường chứng khoán vẫn là nơi luôn mang đến nhiều bất ngờ tác động trực tiếp đến tâm lý của những người tham gia nó khi trải nghiệm đủ cung bậc cảm xúc chỉ trong vài tiếng đồng hồ.
Thực tế này đã được chứng minh bằng diễn biến của thị trường trong khoảng 2 tuần vừa qua với những phiên giảm kỷ lục lịch sử, toàn bộ thị trường "lau sàn" (phiên 26,27, 28/1) sau đó lại có phiên hồi phục "vỗ về" (phiên 29/1) nhưng "niềm vui ngắn chẳng tày gang" bởi thị trường lại tiếp tục bị "đạp sâu" ngay trong phiên kế tiếp (1/2).
Đã có nhiều lời lý giải rằng sau một sóng tăng việc điều chỉnh là bình thường và đã tham gia thì phải chấp nhận cuộc chơi nhưng cuộc chơi này trong mắt các nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm lại nhuốm màu lũng đoạn.
Tiếp đó là sự "già nua" của hệ thống khi vào các giây phút quan trọng luôn xảy ra tình trạng nghẽn lệnh, không thể giao dịch. "Phí thuế cao ngất nhưng dịch vụ thì tệ nhất", đã có nhà đầu tư phải thốt lên như vậy.
Ngoài ra, việc các công ty chứng khoán đột ngột cắt margin hàng loạt tài khoản VIP không dựa trên quy tắc nào (phiên 19/1), lập lờ thông tin khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ bị call margin đã khiến niềm tin vào một kênh đầu tư minh bạch, hiệu quả phai nhạt.
Bằng chứng là thanh khoản thị trường trong giai đoạn này đi xuống từng ngày, từ 17.000-18.000 tỷ đồng mỗi phiên xuống còn 15.000 -16.000 tỷ đồng và gần đây nhất là 10.000 tỷ đồng/phiên.
Đến "như chưa hề có cuộc chia ly"
Thực tế, tâm lý chán nản, mất niềm tin kể trên của các nhà đầu tư nói trên phần lớn đến từ việc có quá nhiều người "thủng túi" chỉ trong thời gian ngắn ngủi. Không chỉ đánh mất thành quả cày kéo từ tháng 10 đến tháng 12/2020, có người còn âm vốn, thậm chí "trầm cảm" muốn từ bỏ thị trường.
Thế nhưng, đây chỉ là câu chuyện của những ngày trước. Câu nói "chứng khoán là sân chơi của những người nhanh quên" không sai khi chỉ cách đây vài phiên giao dịch họ còn bán sàn trong hoảng sợ thì nay lại "đu xanh, đu tím" (mua giá tăng, giá trần) trong sự hưng phấn tột cùng, quên hẳn "nỗi đau ngày hôm qua".
Đây không phải là lần đầu tiên sự nhanh quên của các nhà đầu tư chứng khoán được thể hiện. Còn nhớ, hơn nửa năm trước, ai nấy đều "xanh mặt" khi Vn-Index lao dốc từ 996 điểm xuống 650 điểm, nhiều nhà đầu tư mất 50% danh mục.
Tuy nhiên, giai đoạn tháng 10-12/2020, nhóm cổ phiếu chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng thay nhau dẫn dắt thị trường kéo Vn-Index chạm ngưỡng 1.200 điểm. Tiền cứ thế ùn ùn đổ về các tài khoản chứng khoán, không ai còn nhớ đến những khủng hoảng trước đó.
Có nhiều ý kiến cho rằng, không hẳn là các nhà đầu tư đã quên mà thị trường chứng khoán hiện nay đang nhận được quá nhiều những nhận định màu hồng cho trung và dài hạn, cũng là kênh đầu tư hiệu quả nhất hiện nay.
Theo nhận định của ông Dương Kỳ Hiệp, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Quốc Tế Việt Nam, khi nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do Covid-19 thì thị trường chứng khoán trở thành một kênh quan trọng để thúc đẩy dòng vốn mới cho doanh nghiệp, là nơi nhà đầu tư tìm mơi trú ẩn tài chính, là một kênh hàng đầu cho các tổ chức tài chính tìm kiếm cơ hội.
Đặc biệt mới đây, Vietcombank đã gây bất ngờ cho giới tài chính khi quyết định giảm lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng về 2,9%/năm, 6-9 tháng còn 3,8%/năm, kỳ hạn dài 24-60 tháng giảm về 5,3%/năm… giảm 0,1 điểm % so với biểu lãi suất trước.
Theo các chuyên gia, đợt bùng phát của dịch Covid-19 tại Việt Nam những ngày gần đây có thể khiến cầu tín dụng yếu đi, lãi suất sẽ vẫn duy trì ở vùng thấp hiện tại và có thể còn giảm thêm nếu dịch bệnh phức tạp hơn.
Trong khi thị trường bất động sản vẫn đang khá "nguội lạnh" thì thị trường chứng khoán sẽ trở thành sự lựa chọn hàng đầu của dòng tiền nhàn rỗi.
Minh Khuê