Phiên 10/1, quy mô khớp lệnh trên HoSE và HNX tăng 9% so với phiên trước đó nhưng vẫn chỉ ở mặt bằng rất thấp, đạt gần 7.800 tỷ đồng.
Cơ hội vẫn xuất hiện
Giới phân tích đánh giá, hiện tại nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi kết quả kinh doanh quý IV/2022 và cả năm 2022 của các doanh nghiệp, cũng như định hướng chính sách tiền tệ năm 2023 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trong khi đó, dòng tiền chảy vào thị trường chủ yếu đến từ khối ngoại. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài thường mua ròng rồi “cất đi” chứ không giao dịch quá nhiều, điều này cũng khiến thanh khoản èo uột.
Điểm sáng là các cơ hội tốt bắt đầu xuất hiện dần, dù có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. |
Bàn về câu chuyện dòng tiền trên thị trường, ông Nguyễn Trung Du, chuyên gia Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản phân tích, thanh khoản chưa thể cải thiện ít nhất từ thời điểm hiện tại cho đến tháng 6, bởi lãi suất sẽ chưa thể sớm đảo chiều giảm. Yếu tố kỳ vọng duy nhất trong thời điểm hiện tại là việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công bù đắp cho tín dụng ngân hàng.
Vị chuyên gia này đánh giá, dòng tiền trên thị trường chỉ có thể sôi động trở lại khi có sự nhập cuộc của nhà đầu tư cá nhân. “Thị trường chỉ bắt đầu chu kỳ tăng mới khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, nhà đầu tư cá nhân mua ròng”, ông Du nhận xét.
Dù điều này khó xảy ra trong nửa đầu năm, song vị chuyên gia này cho rằng sau quý II/2023 bối cảnh có thể sẽ đảo ngược. Kinh nghiệm nhiều năm trên thị trường của ông Du cho thấy, sau các cú sập thị trường đều đi lên mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, thanh khoản năm 2023 sẽ khó vượt năm 2022 với giá trị giao dịch trung bình dưới 14.000-15.000 tỷ đồng. Cho nên, thị trường khó có thể bùng nổ, mà chỉ là những con sóng phục hồi.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán ACB cho biết, câu chuyện dòng tiền bị thiếu hụt không chỉ xảy ra trên thị trường chứng khoán, mà còn ở hầu hết các thị trường đầu tư phổ biến khác như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Ở thời điểm này, việc cải thiện niềm tin của nhà đầu tư đóng vai trò quan trọng. Sự thay đổi về mặt chính sách theo hướng tích cực, không siết chặt của Chính phủ sẽ giúp thị trường vận hành một cách trơn tru, hiệu quả hơn, khai thông dòng vốn…
Hiện tại, điểm sáng là các cơ hội tốt bắt đầu xuất hiện dần, dù có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Vấn đề là phải lựa chọn đúng ngành và đúng cổ phiếu là yếu tố quan trọng khi đầu tư.
“Thị trường vẫn có các cơ hội đầu tư, vấn đề là nhà đầu tư phải tự tin và sẵn sàng vào cuộc tìm kiếm”, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS nhấn mạnh.
Tập trung cổ phiếu doanh nghiệp chất lượng
Nhìn chung, sau khi thị trường giảm sâu trong năm 2022, mặt bằng giá cổ phiếu đã được chiết khấu nhiều so với mức định giá trung bình các năm trước. Thậm chí có những cổ phiếu giảm giá từ 50 - 70%, lùi xuống dưới giá trị sổ sách, trong khi doanh nghiệp vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.
Điều này được đánh giá là hấp dẫn các nhà đầu tư dài hạn. Song các chuyên gia cho rằng, với các cổ phiếu không có câu chuyện hỗ trợ thì vẫn khó thu hút được dòng tiền.
Về cơ hội, nhóm đầu tư công, ngân hàng có thể là chủ điểm đầu tư trong năm 2023. Tuy vậy, các doanh nghiệp sẽ có sự phân hóa nên nhà đầu tư cần tìm hiểu sâu hoạt động doanh nghiệp để có thể lựa chọn được cổ phiếu tốt nhất, an toàn nhất, với triển vọng tăng trưởng cao.
Bên cạnh đó, một số nhóm ngành được dự báo có kết quả kinh doanh quý IV/2022 khả quan như hàng không, du lịch, thực phẩm, đồ uống, điện… có thể là lựa chọn phù hợp để giải ngân trong tháng 1/2023. Ngoài ra, các nhóm ngành có cơ hội hưởng lợi từ việc Trung Quốc từng bước mở cửa nền kinh tế như thuỷ sản, dệt may, khu công nghiệp và thép cũng đáng quan tâm.
“Thị trường sẽ có sự phân hoá mạnh. Thay vì chọn nhóm ngành, nhà đầu tư cần tập trung vào cổ phiếu của doanh nghiệp chất lượng, có nền tảng cơ bản tốt, tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao trong tương lai”, chuyên gia Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản lưu ý.
Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam, dòng tiền đang tập trung ở các nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí, và một vài mã vốn hóa lớn.
"Nhà đầu tư chứng khoán nên ưu tiên mua, nắm giữ ở một vài mã cổ phiếu hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại như hàng không, thủy sản, nhóm ngân hàng, ngành hàng thực phẩm… Tuy nhiên, cần lưu ý không dành tỷ trọng cổ phiếu quá 50% và không dùng tỷ lệ đòn bẩy nợ vay margin cao”, ông Minh nói.
Tương tự, chuyên gia đến từ Chứng khoán VPS cũng cho rằng, dòng tiền sẽ có sự cơ cấu mạnh và hướng vào những nhóm ngành có triển vọng phục hồi trong dài hạn. Một số nhóm ngành trong ngắn hạn chưa có nhiều dấu hiệu sáng, nhưng về dài hạn là điểm đến đầu tư tốt như ngân hàng, chứng khoán, thép, dệt may.
Dù vậy, nhóm phân tích của Chứng khoán DSC đưa ra một lưu ý. Đó là hiện tại mức định giá thị trường đã ngang bằng đáy chỉ số năm 2008 và 2012 mang tới kỳ vọng dòng tiền đầu tư dài hạn sẽ giải ngân quyết liệt hơn trong năm 2023, tạo động lực phục hồi cho thị trường. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần chú ý mức định giá thấp này được kéo chủ yếu bởi nhóm cổ phiếu ngân Hàng (P/E hiện tại là 8). Nếu không tính ngành ngân hàng và bất động sản, P/E của VN-Index đạt 12,3 lần – mức tương đối thấp so với lịch sử nhưng không phải quá hấp dẫn. Thậm chí, nếu kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp suy yếu trong 2023 thì DSC đánh giá mức P/E sẽ có thể tăng vọt, biến định giá từ rẻ thành đắt.
Từ đó có thể thấy P/E “rẻ” có thể chỉ là cái bẫy, đánh lừa các nhà đầu tư giá trị. Vì vậy, nếu tham gia mua dài hạn, nhà đầu tư cần xem xét kỹ về mặt cơ bản để tìm những doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt, tránh mua vào những cổ phiếu “rẻ, nhưng xứng đáng rẻ”.
Hải Giang