Phiên 22/5 đánh dấu phiên khối ngoại bán ròng mạnh nhất từ cuối tháng 3 đến nay, giá trị lên tới 1.756 tỷ đồng. Trong đó, giá trị bán ròng dồn vào ABB đột biến, lên tới hơn 880 tỷ đồng.
Cụ thể, khối ngoại đã bán ra gần 85 triệu cổ phiếu theo phương thức thỏa thuận. Con số trên tương đương gần 8,2% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của nhà băng này. Bên bán là Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Sau khi hoàn thành giao dịch, ABBank chỉ còn cổ đông lớn nước ngoài là Maybank - ngân hàng lớn nhất Malaysia với tỷ lệ sở hữu là 16,4%.
Gần 169,3 triệu cổ phiếu ABB được sang tay giữa các nhà đầu tư chỉ trong 2 phiên giao dịch. |
Cùng với giao dịch của khối ngoại, ABBank tiếp tục ghi nhận thanh khoản giao dịch khớp lệnh đột biến khi có gần 15,8 triệu cổ phiếu được trao tay. Tính chung, có tới gần 100,6 triệu cổ phiếu ABB được giao dịch trong phiên 22/5, tương đương 9,7% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.
Kết phiên 22/5, cổ phiếu ABB giảm về 8.500 đồng/cp, đồng nghĩa mức giá thỏa thuận mà khối ngoại vừa giao dịch trong phiên cao hơn 22% thị giá cổ phiếu này.
Trước đó, cổ phiếu ABB cũng gây chú ý lớn trong phiên giao dịch ngày 21/5, khi giá đóng cửa ở mức 9.100 đồng/cp, tăng tới 12,35%; có thời điểm tăng kịch trần lên 9.300 đồng/cp. Đáng chú ý, hơn 68,7 triệu cổ phiếu ABB được khớp lệnh trong phiên 21/5, giá trị giao dịch là hơn 620 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ trong 2 phiên giao dịch liên tiếp, tổng cộng gần 169,3 triệu cổ phiếu ABB được sang tay giữa các nhà đầu tư, tương đương 16,36% vốn điều lệ ABBank.
Xét về kết quả kinh doanh, quý I/2024, các mảng kinh doanh chính của ABBank đều sụt giảm trong khi chi phí dự phòng rủi ro tăng đã khiến lợi nhuận tại nhà băng này giảm mạnh.
Cụ thể, thu nhập lãi thuần 3 tháng đầu năm giảm 16% so với cùng kỳ 2023, chỉ mang về gần 661 tỷ đồng. Các nguồn thu ngoài lãi cũng sụt giảm như lãi từ dịch vụ giảm 22% xuống còn 104 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm tới 50% chỉ còn hơn 116 tỷ đồng, mua bán chứng khoán đầu tư lỗ hơn 45 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2023 lãi gần 91 tỷ.
Chỉ có hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh tăng đến 85% đạt hơn 4 tỷ đồng và hoạt động kinh doanh khác tăng hơn 340% mang về hơn 36 tỷ đồng.
ABBank cũng tiết giảm chi phí hoạt động 6%, xuống còn 509 tỷ đồng, nhưng tăng cường trích lập chi phí dự phòng rủi ro gần 52% so với cùng kỳ 2023, ghi nhận 177 tỷ đồng.
Các mảng kinh doanh chính tại ABBank đều sụt giảm khiến tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm gần 50% so với cùng kỳ 2023. Trong khi chi phí rủi ro tín dụng tăng mạnh đã kéo lợi nhuận trước thuế quý I/2024 của ngân hàng giảm 69% so với cùng kỳ, xuống còn 192 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cũng giảm 69% chỉ còn hơn 153 tỷ đồng.
Châu Anh