Giữa tháng 11, Tổng công ty Thương mại Hà Nội – CTCP (Hapro) – một thành viên trong hệ sinh thái của Tập đoàn BGR, đã bán toàn bộ hơn 7,2 triệu cổ phiếu T12, tương đương với tỷ lệ sở hữu 53,33% vốn của Thương mại Tràng Thi.
Theo dữ liệu trên HNX, đây là giao dịch bán thỏa thuận với giá thỏa thuận bình quân 12.000 đồng/cổ phiếu, thu về hơn 86,4 tỷ đồng.
Nghi vấn gương mặt mới
Bên nhận chuyển nhượng là 3 nhà đầu tư cá nhân: Trần Trung Tuân nhận chuyển nhượng 2,8 triệu cổ phiếu, tương đương 20,47%; Nguyễn Thị Phương Lan mua 1,9 triệu cổ phiếu, tương đương 14,08%; Hoàng Thị Minh Phượng mua 2,5 triệu cổ phiếu, tương đương 18,52%.
Được biết, 3 cá nhân này trước đó không hoặc chỉ sở hữu một lượng cổ phần T12 không đáng kể, đã thay thế Hapro nắm quyền chi phối Thương mại Tràng Thi, với tỷ lệ sở hữu hơn 53% từ ngày 6/11.
Khi sau khi phát đi thông báo thoái vốn, nhiều người đặt câu hỏi về việc tại sao đang nắm quyền chi phối tại Thương mại Tràng Thi, Tập đoàn BRG lại chấp nhận rời khỏi “cuộc chơi”?
Đã có nhiều đồn đoán cho rằng nhóm cổ đông lớn thứ 2 của Hapro là Tập đoàn T&T của “bầu Hiển” sẽ là bên nhận chuyển nhượng, bởi nhóm cổ đông này đang nắm giữ khoảng 46% cổ phần tại Thương mại Tràng Thi.
Cụ thể, CTCP Tập đoàn T&T đang nắm giữ 20% và 2 cá nhân: Nguyễn Phú Quân nắm giữ 8,23%, Lê Anh Dũng nắm giữ 18,22%.
Tập đoàn T&T đã sở hữu cổ phần tại Thương mại Tràng Thi trước thời điểm cổ phiếu T12 được niêm yết trên sàn chứng khoán. Ở chiều ngược lại, Tập đoàn BRG lại đi đường vòng sở hữu cổ phần tại Thương mại Tràng Thi thông qua Hapro sau thương vụ thoái vốn nhà nước.
Tuy nhiên, 3 cái tên thay Hapro nắm quyền chi phối tại Thương mại Tràng Thi lại chưa có đủ thông tin để định vị thuộc nhóm cổ đông nào hay chỉ là các cá nhân đơn thuần.
Đáng chú ý, sau khi Hapro hoàn tất thoái vốn, ông Vũ Trọng Tuấn – Giám đốc của Thương mại Tràng Thi, đã thông báo đăng ký mua 3,3 triệu cổ phiếu T12. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 3 – 31/12/2019 theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh. Hiện tại, ông Tuấn không sở hữu cổ phiếu T12 nào.
Giả sử với giao dịch mua 3,3 triệu cổ phiếu T12 lần này, bên bán ra là các cổ đông lớn mới mua cổ phần từ Hapro thì họ đã có khoản lãi lớn nếu bán theo giá thị trường hiện nay.
Cổ phiếu T12 vừa trải qua 4 phiên tăng trần liên tiếp, từ mức 12.100 đồng/cp lên 18.200 đồng/cp. Tạm tính theo giá này, các cổ đông mua cổ phần từ Hapro đã lãi gấp rưỡi sau gần 1 tháng đầu tư.
Thông tin Tập đoàn BRG – thông qua Hapro có “buông” Thương mại Tràng Thi hay không chỉ dừng lại ở mức đồn đoán. Giả sử những cái tên vừa mua thoả thuận hơn 7,2 triệu cổ phiếu T12 là những thành viên trong hệ sinh thái của BRG thì câu chuyện thoái vốn của Hapro chỉ là hình thức nhằm tái cấu trúc sở hữu.
![]() |
Dịch vụ Thương mại Tràng Thi sở hữu khá nhiều đất vàng tại Hà Nội |
Hay chỉ là cơ cấu lại?
Thực tế, dù chỉ sở hữu mức vốn điều lệ 135 tỷ đồng nhưng khi nhắc tới Thương mại Tràng Thi, các nhà đầu tư không thể bỏ qua những mảnh đất mặt tiền thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp này.
Hiện tại, công ty đang đặt trụ sở chính tại số 12-14 phố Tràng Thi, Hà Nội, đang quản lý 2 siêu thị kinh doanh hàng điện máy, điện gia dụng, thiết bị văn phòng tại Siêu thị Tràng Thi (số 10B Tràng Thi) và Siêu thị Chợ Tó (huyện Đông Anh).
Đồng thời, công ty đang quản lý 3 tòa nhà văn phòng cho thuê và trưng bày sản phẩm tại 47 Cát Linh (dự án đang được triển khai thực hiện), 11C Cát Linh và số 2 Tôn Đức Thắng. Ngoài ra, công ty còn có 22 hệ thống các cửa hàng chuyên doanh về nội thất, kim khí, điện gia dụng, điện nước, thời trang phụ kiện, hàng tiện ích….
Về hoạt động đầu tư bất động sản, công ty đang triển khai 3 dự án: Tổ hợp trung tâm thương mại dịch vụ Cát Linh – Tràng Thi; tòa nhà thương mại dịch vụ và khách sạn Đô Thành. Tổng mức đầu tư theo kế hoạch hơn 806,4 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, kết thúc quý III/2019, công ty báo lợi nhuận giảm 77,64% từ hơn 1,8 tỷ đồng xuống còn hơn 413 triệu đồng. Lũy kế 9 tháng chỉ đạt 656 triệu đồng lợi nhuận, giảm mạnh so với mức 3,6 tỷ đồng của cùng kỳ.
Theo giải trình từ phía công ty, lợi nhuận giảm là do doanh thu thu giảm 11,45% so với cùng kỳ. Mặt khác, một số địa điểm kinh doanh chưa hiệu quả hoặc chưa đưa vào khai thác sử dụng theo đúng kế hoạch.
Liên quan đến hoạt động thoái vốn của Hapro, Tổng công ty cũng vừa ra quyết định bán toàn bộ cổ phần tại CTCP Siêu thị VHSC, đơn vị vận hành hệ thống siêu thị Seika Mart với giá không thấp hơn mệnh giá.
Được biết, tỷ lệ sở hữu của Hapro tại VHSC là 35%, một cổ đông khác là Tổng công ty Phát triển thị trường Thương mại Năm ngôi sao Việt Nam V-Stars, sở hữu 37,7%.
Đáng chú ý, Seika Mart hiện có 5 siêu thị trên địa bàn Tp Hà Nội, trong đó trụ sở tại số 8 Phạm Ngọc Thạch.
Linh Đan