Thị trường chứng khoán trong vài tháng qua đang rơi vào trạng thái đi ngang do thiếu các thông tin hỗ trợ, nhưng đang có dấu hiệu nhích lên nhờ sự hỗ trợ của một số thông tin tích cực về kết quả kinh doanh quý III. Dù vậy, thị trường cũng chứng kiến không ít doanh nghiệp rơi vào khó khăn và những khoản lỗ ngày càng lớn, đặc biệt là trong các ngành nghề như du lịch, hàng không, bán lẻ, dầu khí…
Tình trạng báo động
Trong tổng thể bức tranh kinh doanh thời gian qua, hàng không đang là ngành chịu áp lực lớn nhất từ những ảnh hưởng của đại dịch khi số lượng chuyến bay và hành khách từ đầu năm đến nay đã giảm 60-70% so với trước dịch. Hiện, toàn bộ chuyến bay thương mại quốc tế đều bị dừng lại và trong nước vẫn đang bị hạn chế.
Đơn cử như Vietnam Airlines (mã: HVN), tính đến cuối quý II/2020 đã lỗ luỹ kế 17.771 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ là 14.183 tỷ đồng. Số lỗ này dự kiến sẽ còn tăng mạnh trong quý III.
Theo quy định của Luật Chứng khoán, nếu doanh nghiệp có tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc. Do đó, cổ phiếu HVN có thể đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc, mã này cũng đang bị HoSE đưa vào diện cảnh báo từ ngày 15/4.
![]() |
Chuyên gia cảnh báo, nhiều khả năng đến năm 2022, thị trường chứng khoán sẽ chứng kiến một làn sóng huỷ niêm yết trên diện rộng. |
Dòng tiền kinh doanh của nhiều hãng hàng không đang "thoi thóp" và rơi vào "vùng nguy hiểm". Chỉ tính đến giữa năm 2021, khoản nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng bay lớn nhất đã lên tới 36.000 tỷ đồng, riêng Vietnam Airlines chiếm hơn 66%.
Đối với ngành bán lẻ, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã: PNJ) cũng cho biết, trong tháng 7 và tháng 8 đã phải tạm đóng hơn 270 cửa hàng trên toàn hệ thống để thực hiện giãn cách xã hội. Điều này đã tác động rất xấu đến kết quả kinh doanh của công ty bán lẻ trang sức này.
Theo đó, PNJ ghi nhận 162 tỷ đồng doanh thu thuần trong tháng 8, giảm tới 87% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, công ty báo lỗ 78 tỷ đồng, gấp đôi số lỗ của tháng 7 liền trước và đây là tháng thứ 6 liên tiếp ghi nhận lợi nhuận đi xuống.
Dịch bệnh kéo dài cũng tác động nặng nề đến ngành vận tải. Đại diện nhóm doanh nghiệp này, CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã: VNS) cho biết, lợi nhuận quý III sẽ tiếp tục là con số âm, sau khi ghi nhận lỗ 66 tỷ đồng trong quý II. Việc tạm ngưng hoạt động lĩnh vực taxi là nguyên nhân gây lỗ cho doanh nghiệp.
Nói đến những doanh nghiệp thua lỗ triền miên không thể không nhắc tới bộ đôi luôn rơi vào "vòng nguy hiểm" là CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG) và CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã: HNG).
Dù chưa công bố BCTC quý III nhưng với khoản lỗ lũy kế nhiều nghìn tỷ đồng cùng với các ý kiến kiểm toán chưa được khắc phục thì không khó để đoán được bức tranh lợi nhuận của hai doanh nghiệp này trong giai đoạn tới. Hiện, cổ phiếu HNG đang trong diện cảnh báo và HAG là diện kiểm soát.
Cổ phiếu của các công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau: kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ 3 năm liên tục, hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong BCTC kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến đối với BCTC năm gần nhất của tổ chức niêm yết hoặc có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với BCTC trong 3 năm liên tiếp.
Không chắc chắn khả năng phục hồi
Theo một khảo sát của Cục Thống kê TP.HCM thực hiện với 432 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo, trong quý III/2021 đã ghi nhận tới 90,2% doanh nghiệp cho rằng họ gặp nhiều khó khăn và sẽ tiếp tục khó khăn trong quý IV (tỷ lệ tán thành là 51,1%).
Với trường hợp của Vietnam Airlines, hãng đã tiến hành tăng vốn lên 22.182 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng nhằm cải thiện bảng cân đối kế toán, giải quyết vấn đề âm vốn chủ sở hữu, không cần phải trông mong vào việc được "đặc cách" duy trì niêm yết cổ phiếu trên HoSE trong giai đoạn ngắn khó khăn.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, hàng không Việt Nam vẫn đang hoạt động rất cầm chừng do ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 thứ tư hết sức nặng nề. Điều này có thể khiến các tính toán tháo gỡ khó khăn của ban điều hành Vietnam Airlines đi lệch hướng.
Dù vậy, ít nhất Vietnam Airlines còn có mục tiêu để chờ đợi là khi vắc xin được triển khai trên diện rộng, đại dịch được đẩy lùi thì bầu trời lại là của ngành hàng không.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh khác còn chưa thể tìm được mũi nhọn, hướng đi nào giúp lật ngược được thế cờ thua lỗ, âm vốn trước đó.
Như trường hợp cổ phiếu TTF của CTCP Gỗ Trường Thành vẫn bị duy trì diện kiểm soát dù kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm đã có lãi nhờ vào tay "vua giải cứu" Mai Hữu Tín. Nguyên nhân là bởi, lỗ lũy kế quá lớn, tương đương 97,8% vốn điều lệ và chưa khắc phục được tình trạng vốn chủ sở hữu âm.
Từ đầu năm 2021 đến nay, đã có tổng cộng 13 mã cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE và HNX. Nhìn chung, lý do buộc các cổ phiếu này phải rời khỏi sàn hầu hết là vì doanh nghiệp làm ăn thua lỗ triền miên.
Có thể kể đến cổ phiếu S74 của CTCP Sông Đà 7.04 bị hủy niêm yết bắt buộc do lợi nhuận 3 năm liên tiếp (2018-2020) là con số âm, cùng với đó là ý kiến kiểm toán về khả năng hoạt động liên tục.
Dù BCTC năm 2020 vẫn được trình bày trên cơ sở giả định về khả năng hoạt động liên tục nhưng với những thủ tục đã thực hiện, bên kiểm toán không thể đánh giá được ảnh hưởng của vấn đề này trên BCTC kèm theo của công ty.
Hiện, bối cảnh thị trường chứng khoán hiện nay đã không còn thăng hoa như thời điểm năm 2020 và nửa đầu năm 2021. Hiện, định giá thị trường đã không còn rẻ, dòng tiền trở nên thận trọng hơn khiến các đợt phát hành cổ phiếu mới nhằm khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn.
Không ít doanh nghiệp đang rơi vào "vòng nguy hiểm", cổ phiếu không còn hút dòng tiền, không thể có bù đắp từ nguồn thu mới, cũng không có tài sản để thanh lý để có nguồn thu khắc phục những quy định của sàn niêm yết. Do đó, một số chuyên gia cảnh báo, nhiều khả năng đến năm 2022, thị trường chứng khoán sẽ chứng kiến một làn sóng hủy niêm yết trên diện rộng.
Minh Khuê