Thông tin mới nhất tại tài liệu ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Thực phẩm Lâm Đồng – Ladofoods (HNX: VDL) cho thấy, cổ đông lớn Elmich trình Đại hội tăng sở hữu thông qua việc mua cổ phần của các cổ đông hiện hữu mà không phải chào mua công khai.
Số cổ phần Elmich muốn mua thêm khoảng 3,33 triệu cổ phần, nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%. Tuy nhiên, không chỉ Elmich, GTN – cổ đông lớn nhất hiện tại của VDL cũng bảy tỏ ý định rót thêm vốn. Tính đến ngày 20/03/2015, sau khi đã chào mua công khai gần 1,1 triệu CP VDL, GTN đã sở hữu lên 35%.
Cuộc chạy đua thâu tóm VDL
Mới đây, ông Nguyễn Trí Thiện, Chủ tịch HĐQT GTN, cho biết, trong thời gian tới, GTN dự định sẽ nâng tỷ lệ nắm giữ tại VDL lên trên 40%.
Hiện tại, GTN đang tiếp xúc với một số cổ đông của VDL để đàm phán về việc chuyển nhượng cổ phần tại VDL. Như vậy, nếu cả 2 "thương vụ" cùng thành công thì cơ cấu cổ đông của VDL rất "cô đặc" với trên dưới 90% vốn thuộc về 2 cổ đông!
Bên cạnh đó, GTN dự kiến phát hành thêm 75,2 triệu cổ phần. Trong đó, phát hành chào bán cho cổ đông hiện hữu là 74,8 triệu cổ phần, với tỷ lệ thực hiện là 1:1 và phát hành 0,4 triệu cổ phần ESOP.
Dự kiến mức giá phát hành cổ phần ESOP là 10.000 đồng/cp trong khi giá phát hành theo phương án chào bán cho cổ đông hiện hữu vẫn chưa được đề cập tới. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ sẽ tăng từ mức 748 tỷ đồng (mức vốn điều lệ sau khi đã phát hành trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2014) lên 1.500 tỷ đồng tăng 136% so với thực hiện năm 2014. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 150 tỷ – tăng 60%.
(ảnh minh họa)
Động thái liên tục gom cổ phiếu VDL của GTN cùng với tờ trình có phần táo bạo của Elmich khi quyết định nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% sẽ là "cuộc chạy đua" nhằm tranh giành quyền lực tại VDL của 2 trong số 3 cổ đông lớn nhất.
Tuy nhiên, với thanh khoản cổ phiếu VDL tương đối thấp, việc gom mua trên sàn không phải câu chuyện ngày một ngày hai. Cả Elmich và GTN phải hướng đến thương thảo trực tiếp cùng những cổ đông lớn khác. Cũng theo đó, mặc dù hiện tại Elmich đang xếp vị trí sau về tỷ lệ sở hữu nhưng ưu thế thành công trong thương vụ tại VDL dường như đang trội hơn.
GTN, ông chủ lớn của VDL
Trước đây, hoạt động phân phối của VDL chủ yếu dựa trên việc sản xuất đối với các hợp đồng có sẵn, kênh phân phối nghèo nàn nên người tiêu dùng dù biết thương hiệu Vang Đà Lạt nhưng rất ít người sử dụng sản phẩm này.
Trong năm 2014, VDL đã tiến hành mở rộng kênh phân phối thông qua việc xây dựng các đại lý bán hàng, chuyển định hướng bán hàng theo hướng chủ động hơn. Đây cũng là nguyên nhân khiến doanh thu 2014 tăng hơn 20% cùng kỳ nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 3,6 tỷ đồng so với cùng kỳ 2013.
Trong năm 2015, GTN dự định sẽ mua thêm 2 nhà máy sản xuất nước để mở rộng danh mục sản phẩm và tận dụng được hệ thống phân phối mới được triển khai. Bên cạnh đó, GTN đang xúc tiến và lựa chọn 4 doanh nghiệp Nhà nước về các lĩnh vực nông nghiệp và tiêu dùng.
Đây đều là những doanh nghiệp có lịch sử truyền thống và doanh thu cao. Như trường hợp Vang Đà Lạt (CTCP Thực phẩm Lâm Đồng, HNX: VDL), GTN sẽ tham gia quản lý, tái cơ cấu và cung cấp vốn để cải thiện hoạt động kinh doanh của công ty.
Kết quả kinh doanh năm 2014, doanh thu của GTN đạt 635,5 tỷ đồng, tăng mạnh 5,17 lần so với năm 2013 nhưng chỉ bằng gần 60% kế hoạch. Lợi nhuận gộp đạt gần 53,6 tỷ đồng, tăng 2,17 lần.
Bên cạnh hoạt động chính tăng trưởng mạnh, hoạt động tài chính của GTN cũng đột biến với doanh thu tài chính đạt 78 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lãi hoạt động chuyển nhượng vốn 57,6 tỷ đồng, lãi đầu tư cổ phiếu 16 tỷ đồng.
Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 87,45 tỷ đồng, tăng 3,7 lần. Được biết, kế hoạch kinh doanh cho năm 2015, GTN dự kiến sẽ đạt doanh thu 1.500 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần thực hiện 2014. Lãi trước thuế hợp nhất 140 tỷ đồng, tăng 23%. Mức cổ tức dự kiến chi trả năm 2015 tỷ lệ 10% (bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu).
Trong khi đó, kế hoạch kinh doanh cho năm 2015 được HĐQT trình cổ đông chỉ có duy nhất 3 chỉ tiêu là doanh thu, lãi trước thuế và cổ tức. Những thông tin quan trọng khác như phương hướng hoạt động, định hướng, kế hoạch cụ thể đều không được đề cập tới.
Về phương án sử dụng vốn, công ty dự kiến sẽ dành 76% trên tổng số 752 tỷ đồng thu được để đầu tư vào các công ty con. Phần còn lại sẽ dành cho việc bổ sung vốn lưu động để hoạt động kinh doanh.
Cùng với đó, theo kế hoạch phân phối lợi nhuận cho năm 2014, HĐQT sẽ trình cổ đông thông qua phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% (tỷ lệ thực hiện 10:1). Theo đó, vốn điều lệ của GTN sẽ tăng tương ứng lên 68 tỷ đồng.
Với phương thức này vốn điều lệ sau trả cổ tức sẽ tăng từ 680 tỷ đồng lên 748 tỷ đồng. Đồng thời, GNT đang dần khẳng định mình là "ông chủ lớn" của VDL.
Lê Thuận – Đăng Trung