Đáng nói, trong thời điểm này, ông Nguyễn Quốc Việt đã chính thức rời ghế cổ đông Fideco, HOSE: FDC) sau khi thoái toàn bộ 1.78 triệu FDC (tỷ lệ 4.61%) vào ngày 07/10, chính thức rời ghế cổ đông. Ông Nguyễn Quốc Việt hiện là Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Thành Công (TCSC, mã: TCI). Trong đó, TCSC cũng đang là cổ đông lớn nhất của Fideco với tỷ lệ sở hữu 7,79% vốn, tương ứng hơn 3 triệu cổ phiếu.
Phiên 07/10, thị trường ghi nhận 600 cổ phiếu FDC được giao dịch khớp lệnh với giá trị khoảng 9 triệu đồng và 5,55 triệu cp FDC được giao dịch thỏa thuận với tổng giá trị hơn 83 tỷ đồng - tương đương bình quân 15.000 đồng/cp. Như vậy, khả năng cao ông Việt đã thực hiện giao dịch theo phương thức thỏa thuận. Tạm tính theo giá trị giao dịch thỏa thuận, ông Việt có thể thu về khoảng 27 tỷ đồng từ thương vụ này.
Lãnh đạo TCSC rời ghế cổ đông tại Fideco. |
Được biết, ông Nguyễn Quốc Việt có hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư tài chính, chứng khoán. Ông Việt từng đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc Fideco và nhiều vị trí quản lý cấp cao tại Công ty Bamboo Capital, Công ty Chứng khoán Sacombank. Hiện, ông Việt là Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP May Sài Gòn 3 và CTCP Đầu tư phát triển Sài Gòn 3 Group.
Về tình hình kinh doanh, Fideco làm ăn khá bất ổn từ năm 2016 đến nay khi năm lời lỗ đan xen, mà số lỗ nhiều hơn năm có lãi, năng nhất là mức lỗ 198 tỷ đồng của năm 2022. Mặc dù năm 2023 đã có lãi nhưng chỉ vỏn vẹn 725 triệu đồng, còn 6 tháng đầu năm 2024 lại thua lỗ gần 1,2 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, tổng tài sản của Fideco tăng nhẹ lên 795 tỷ đồng. Trong đó, Fideco đang phải trích dự phòng khó đòi 199 tỷ đồng từ CTCP Dệt may Liên Phương (khoản phải thu phát sinh từ việc chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Công ty TNHH Phúc Thịnh Đức năm 2019).
Ngoài ra, Fideco cũng còn tới 280 tỷ đồng phải thu CTCP Hưng Vượng Bến Lức, đây là khoản góp vốn hợp tác nhằm phát triển dự án tại xã Thanh Phú (Bến Lức, Long An).
Trong chi phí kinh doanh dở dang 266 tỷ đồng, Fideco đang ghi nhận 159 tỷ tại dự án Khu dân cư Cần Giờ và 107 tỷ dự án Khu dân cư Bình Trưng Đông, và 155 tỷ dự án Tòa nhà văn phòng Fideco.
Cũng chính vì kết quả kinh doanh bết bát, cổ phiếu FDC đã bị HoSE đưa vào diện chứng khoán bị cảnh báo từ ngày 5/4/2023 vì báo cáo tài chính kiểm toán 2022 có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm gần 193 tỷ đồng. Nguyên nhân chính do công ty lỗ sau thuế tới gần 198 tỷ đồng trong năm 2022 vì các khoản trích lập dự phòng phải thu khó đòi, khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến (hơn 200 tỷ đồng).
Tính đến hiện tại, cổ phiếu FDC vẫn bị giữ nguyên diện cảnh báo, nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30/6/2024 âm 193,42 tỷ đồng căn cứ báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024.
Châu Anh