Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với bà Hoàng Thị Hoài – nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP PIV (mã: PIV).
Căn cứ vào kết quả giám sát, kiểm tra của UBCKNN và kết quả xác minh của Cơ quan Công an cho thấy bà Hoàng Thị Hoài đã sử dụng 42 tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu PIV.
Căn cứ kết quả xác minh, hậu quả do hành vi thao túng giá cổ phiếu PIV của bà Hoài gây ra chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vẫn câu chuyện cũ
Căn cứ hồ sơ và các tài liệu, xem xét tính toán số lợi bất hợp pháp từ việc thực hiện hành vi thao túng giá cổ phiếu cho thấy không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của bà Hoàng Thị Hoài.
Do vậy, UBCKNN đã ra quyết định phạt bà Hoàng Thị Hoài số tiền 600 triệu đồng. Quyết định có hiệu lực từ ngày 31/5/2019.
Được biết, bà Hoàng Thị Hoài bị miễn nhiệm chức danh HĐQT của PIV vào ngày 29/6/2018. Theo dữ liệu giao dịch gần nhất vào ngày 6/7/2018, bà Hoài sở hữu hơn 1,6 triệu cp PIV, tương ứng với tỷ lệ 9,46%.
Trên thị trường, cổ phiếu PIV cũng biến động rất đặc biệt với ba trạng thái, trần, sàn, tham chiếu đan xen, thanh khoản rất thấp và thị giá đang ở mức dưới 1.000 đồng/cp. Phiên giao dịch có thanh khoản gần đây nhất là phiên 31/5, PVI đã tăng trần từ mức giá 700 đồng/cp lên 800 đồng/ cp, khớp lệnh hơn 6.000 đơn vị.
Một trường hợp thao túng giá cổ phiếu khác cũng mới được UBCKNN ban hành quyết định xử phạt là ông Nguyễn Thanh Lâm, có địa chỉ tại 33/23 Nguyễn Đình Chính, phường 15, quận Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh. Ông Lâm đã dùng 57 tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu DL1 của CTCP Dịch vụ công cộng Đức Long Gia Lai.
Căn cứ hồ sơ và các tài liệu, xem xét tính toán số lợi bất hợp pháp từ việc thực hiện hành vi thao túng giá cổ phiếu cho thấy không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của ông Nguyễn Thanh Lâm. Do vậy, ông Nguyễn Thanh Lâm bị phạt 550 triệu đồng. Quyết định có hiệu lực từ 28/5/2019.
Cùng ngày 28/5, UBCKNN cũng ra quyết định phạt bà Trần Thủy Tiên (Tp.HCM) số tiền 100 triệu đồng do không đăng ký chào mua công khai theo quy định 440.993 cổ phiếu SSF của CTCP Giày Sài Gòn.
Ngoài ra, bà Hoàng Anh Minh, người có liên quan đến ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, bị phạt 27,5 triệu đồng do mua vượt số cổ phiếu đã đăng ký mua.
Về phía doanh nghiệp, UBCKNN phạt 350 triệu đồng đối với CTCP Thiết bị và CTCP Dệt may 29/3 do không đăng ký giao dịch chứng khoán.
Có một thực tế dễ nhận ra là việc áp dụng các chế tài hình sự để xử lý các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán thời gian qua ít được sử dụng.
Không ít vụ thao túng giá chứng khoán, sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán… được cơ quan quản lý phát hiện, nhưng mới chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính, với lý do nhà quản lý cho rằng chưa đủ bằng chứng cấu thành vi phạm hình sự.
Mức phạt cao nhất cũng chỉ lên tới 600 triệu đồng, con số không nhiều ý nghĩa nếu so với khoản thu lợi được từ việc làm giá cổ phiếu. Đây là một trong những lý do khiến cho việc xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán chưa đảm bảo tính răn đe.
Việc xử lý vi phạm không triệt để dẫn đến tình trạng "nhờn" luật |
Chờ chế tài
Tuy nhiên, tình trạng này có thể được cải thiện hơn khi Luật Chứng khoán (sửa đổi) có hiệu lực với nhiều thay đổi liên quan đến thẩm quyền của cơ quan chuyên môn, chế tài và mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính về chứng khoán.
Ngoài việc bổ sung một số quyền cho UBCKNN, dự thảo Luật cũng quy định mức phạt tối đa như phạt gấp 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần đối với cá nhân cho hành vi thao túng thị trường, giao dịch nội bộ…; đối với các hành vi vi phạm khác quy định mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.
Theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 6/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ trình bày Tờ trình về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) trước Quốc hội và các đại biểu sẽ tiến hành thảo luận.
Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng Thư kí Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán, nội dung của dự thảo nếu được thực thi sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Chứng khoán sau hơn 10 năm thi hành, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan, hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý, bảo đảm sự phát triển bền vững, an toàn của thị trường chứng khoán, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế.
Tuy nhiên, để Luật Chứng khoán (sửa đổi) được thực thi vẫn cần một thời gian khá dài và trong khoảng thời gian này, các cơ quan chuyên môn cần tăng cường giám sát giao dịch trên thị trường để phát hiện sớm những hành vi làm giá cũng như vi phạm trên thị trường.
Ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc Tư vấn Đầu tư – Maybank Kim Eng, cho biết theo dõi những diễn đàn chứng khoán trên Facebook, Youtube, Zalo… có thể thấy những thông tin theo kiểu "phím hàng", định hướng rất nhiều.
Do đó, để ngăn chặn hành vi thao túng, tránh gây thất thoát cho nhà đầu tư, cần phải ngăn chặn việc "phím hàng" công khai trên mạng xã hội bằng cách xử lý mạnh và phải tuyên truyền nhiều hơn.
Linh Đan