Tuần qua (4-8/7), giao dịch nhà đầu tư nước ngoài là điểm trừ khi họ quay đầu bán ròng 1.229 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Mạnh tay bán ròng
Cụ thể, xét trên kênh khớp lệnh, nhà đầu tư ngoại bán ròng gần 1.281 tỷ đồng. Lực bán tập trung mạnh nhất tại chứng chỉ quỹ FUEVFVND với giá trị vượt mức 200 tỷ đồng.
Tuần qua, khối ngoại quay đầu bán ròng 1.229 tỷ đồng trên toàn thị trường. |
Trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng tổng cộng 1.054 tỷ đồng với việc bán ròng mạnh hơn 1.500 tỷ đồng trong 4/5 phiên giao dịch, trừ phiên 7/7 mua ròng gần 500 tỷ đồng. Tâm điểm dòng vốn ngoại rút ròng là chứng chỉ quỹ FUEVFVND, giá trị bán ròng đạt 233 tỷ đồng. Bên cạnh đó, áp lực bán ròng ghi nhận tại VHM và GAS với giá trị lần lượt là 164 tỷ đồng và 143 tỷ đồng.
Ngoài ra, DXG và SSI là hai mã bị bán ròng với giá trị mỗi mã hơn trăm tỷ đồng. Các mã khác như HPG, MSN, VCB… cũng đều bị bán ròng sau 5 phiên giao dịch của tuần vừa qua.
Trên sàn HNX, khối ngoại cũng giao dịch không mấy khởi sắc khi họ bán ròng 40 tỷ đồng, bán ròng 23 tỷ trên kênh khớp lệnh và tiếp tục bán ròng 17 tỷ trên kênh giao dịch thỏa thuận. Trong đó, PMC bị bán ròng 17 tỷ đồng, NVB bị bán ròng khoảng 9 tỷ đồng, theo sau là hai cổ phiếu ngành chứng khoán là SHS và BVS với giá trị bán ròng tại mỗi mã lần lượt là 6 tỷ và 4 tỷ đồng. Những cái tên trong danh sách bán ròng nhiều nhất sàn HNX trong tuần qua còn có PLC, INN, TVD, DP3...
Tương tự, trên sàn UPCoM cũng ghi nhận bán ròng 135 tỷ đồng toàn bộ trên kênh khớp lệnh, trong khi kênh thoả thuận không phát sinh giao dịch. Cổ phiếu BSR tiếp tục dẫn đầu danh sách bán ròng tới 93 tỷ đồng. VEA theo sau khi bị bán ròng 39 tỷ đồng. Một số cổ phiếu khác có thể kể đến như QTP, ACV, SIP, BTD, OIL, VNA...
Đánh giá về xu hướng bán ròng của khối ngoại trong tuần qua, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Chứng khoán Agriseco cho rằng, diễn biến bán ròng của khối ngoại thời gian gần đây có thể là kết quả của tác động từ xung đột Nga – Ukraine và Trung Quốc duy trì chính sách “Zero-Covid”. Trong đó, xung đột Nga-Ukraine kéo dài đã làm giá dầu thô thế giới tăng cao và làm gia tăng lạm phát toàn cầu. Theo đó, nhiều NHTW đang đẩy mạnh việc tăng lãi suất điều hành nhằm giảm lạm phát. Vì vậy, dòng vốn sẽ có xu hướng chuyển dịch từ các tài sản rủi ro sang các tài sản bớt rủi ro hơn. Có lẽ đây là lý do chính giải thích cho động thái rút ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tuần qua.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nguyên nhân khiến khối ngoại mạnh tay bán ròng trong những phiên gần đây đến từ vấn đề tăng tỷ giá khi NHNN đang có động thái hút tiền về và đồng USD tăng mạnh. Bản chất vấn đề này đã được dự báo trước đó, đồng tiền Việt có thể bị phá giá thêm 1% từ đây đến cuối năm. Tuy nhiên, áp lực tỷ giá trong thời gian qua là rất lớn nên vấn đề này là điều bình thường. Do đó, động thái bán ròng đến từ tỷ giá tăng.
Tương tự, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Chứng khoán TP.HCM (HSC) nhận định, tuần qua, chỉ số Dollar Index đã vượt kháng cự nhiều năm và đang duy trì ở mức cao nhất trong khoảng 20 năm trở lại đây. Điều này gây áp lực lên các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam. Một số thị trường châu Á có dòng vốn ETFs vào Việt Nam rất mạnh như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc Thái Lan… cũng đều diễn biến rất tiêu cực.
“Diễn biến bán ròng của khối ngoại không bất ngờ”, ông Huy nói.
Điểm nhấn tích cực từ dòng vốn ETF
Trong báo cáo cập nhập dòng vốn toàn cầu tháng 6/2022, SSI Research thống kê, tại thị trường Việt Nam, dòng tiền ETF tiếp tục vào ròng tháng thứ 3 liên tiếp. Trong đó, DCVFM VNDiamond và Fubon tiếp tục là hai quỹ ETF nâng đỡ tốt nhất cho thị trường khi ghi nhận giá trị mua ròng tương ứng là 890 tỷ đồng và 1.100 tỷ đồng trong tháng 6; nâng quy mô tài sản lần lượt tăng lên gần 18,8 và 12,7 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng tài sản các quỹ ETF tại Việt Nam.
“Dòng vốn dẫn dắt khối ngoại trên TTCK trong thời gian qua chủ yếu đến từ các quỹ ETF. Thời gian tới, dòng vốn ETF vẫn có thể duy trì sức hấp dẫn nhất định, với các sản phẩm mới liên tiếp ra mắt như quỹ DCVFM VNMIDCAP hay quỹ KIM VNFINSELECT”, SSI Research đánh giá.
Thực tế, dù ghi nhận mức bán ròng khá mạnh trong tuần qua, song khối ngoại vẫn mua ròng nhẹ 52 tỷ đồng trên kênh thỏa thuận, nhờ đó thu hẹp đà bán ròng chung. Điểm sáng trong giao dịch của khối ngoại là các quỹ ETF nội vẫn tiếp tục hút ròng 18,5 triệu USD để nâng tổng ròng tiền qua các kênh ETF kể từ đầu năm đạt gần 357 triệu USD, chủ yếu tập trung ở ETF Diamond 253 triệu USD và ETF Fubon 226 triệu USD.
Nhận định về dòng tiền khối ngoại trong thời gian tới, giới phân tích cho rằng, trải qua khoảng thời gian nhiều “sóng gió”, định giá thị trường hiện tại đang rất thấp. Bên cạnh đó, thế mạnh của Việt Nam trong việc kiểm soát tỷ giá – lạm phát – lãi suất là khả năng điều hành linh hoạt và chủ động, ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Cho nên, TTCK Việt vẫn sẽ hấp dẫn dòng tiền ngoại.
“Cả 2 yếu tố định giá và nội tại của nền kinh tế Việt Nam đều đang hấp dẫn, biến số chủ yếu là rủi ro toàn cầu, khó dự báo. Các tháng còn lại của 2022 sẽ là khá thử thách cho TTCK, nhưng với định giá hấp dẫn, bất cứ thông tin tích cực nào cũng có thể hỗ trợ thị trường và tâm lý nhà đầu tư”, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc đầu tư, điều hành quỹ VASEp, Vinacapital nêu quan điểm.
Mới đây, Quỹ đầu tư Thái Lan, Krungthai Asset Management (KTAM) khuyến nghị các nhà đầu tư nên đầu tư vào TTCK Việt Nam, bởi triển vọng tăng trưởng cao của thị trường này đang được hỗ trợ từ việc giá chứng khoán còn rẻ.
Chavinda Hanratanakool, Giám đốc điều hành của KTAM cho biết, trong bối cảnh không chắc chắn do lạm phát và chính sách tiền tệ biến động liên tục, các nhà đầu tư nên tìm kiếm cơ hội ở các thị trường có mức biến động thấp, triển vọng tăng trưởng cao và giá tương đối thấp so với các thị trường khác trong khu vực.
“Giá cổ phiếu trên TTCK Việt Nam đang tụt hậu hơn đáng kể so với các thị trường ASEAN khác sau một loạt vụ bê bối và đại án tham nhũng trong khu vực tư nhân đã làm suy giảm tâm lý thị trường và gây ra tình trạng bán tháo lớn. Nhưng dựa trên các nguyên tắc cơ bản, giá thấp hơn sẽ có lợi cho thị trường về lâu dài”, người đứng đầu KTAM nói.
Tuy nhiên, SSI Research cũng lưu ý, giao dịch khối ngoại trên TTCK Việt Nam thường có độ trễ nhất định so với các quốc gia trong khu vực. Trong khi đó, dòng vốn vào thị trường châu Á đang có xu hướng thu hẹp đáng kể so với giai đoạn trước. Vì vậy, không loại trừ khả năng giao dịch khối ngoại sẽ theo xu hướng bán trong thời gian tới.
Hải Giang