Nhiều NĐT đã kỳ vọng rằng Việt Nam sẽ gia nhập TPP nhanh chóng, nhằm giúp hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước khi xuất vào các thị trường lớn sẽ được hưởng lợi mà không bị hàng rào thuế quan cản trở. Vì vậy, các nhà đầu tư đã mua mạnh những cổ phiếu dệt may, gỗ, thủy sản... chờ thời cơ để chốt lời.
Hưng phấn và bi quan
Sau sự lạc quan, hưng phấn, kỳ vọng vào TPP thì trong hai phiên vừa qua, tâm lý hưng phấn đã không còn nữa. Thay thế vào đó là sự sợ hãi, hoảng loạn và cả bán tháo bất ngờ.
Nhà đầu tư chưa được hưởng niềm vui từ TPP thì đã phải nếm mùi cay đắng, thất bại và nguy cơ đối mặt với thua lỗ. Các dòng cổ phiếu đã tăng mạnh trước đó là bảo hiểm, ngân hàng đã quay đầu sụt giảm, kéo thị trường đi xuống.
Thực tế, từ khi có tin nới room đến vòng đàm phán TPP, chứng khoán Việt Nam đã tăng mạnh hơn 20% trong thời gian ngắn. Ai cũng hồ hởi, đặt niềm tin vào cổ phiếu, đặt biệt là cổ phiếu lớn, chủ chốt, kéo thị trường đi lên nhanh chóng.
Trong lúc thị trường đang thăng hoa, bay cao thì sự thất bại từ TPP là gáo nước lạnh dập tắt mọi hưng phấn của nhà đầu tư. Chỉ hai phiên giao dịch, điểm số bốc hơi đáng kể, về mốc hỗ trợ mong manh là 600 điểm.
Có rất nhiều cổ phiếu chẳng được hưởng lợi gì từ TPP vừa mới chớm tăng cũng đã bị vạ lây, quay đầu giảm điểm theo tâm lý hoảng loạn chung của thị trường.
Việc TPP đang được nhà đầu tư kỳ vọng bằng niềm tin, nhưng rồi thất bại chóng vánh thực ra chẳng có gì đáng ngại. Hiệp định này chắc chắn sẽ được khởi động lại để đi đến thành công. Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị rằng nhà đầu tư không nên quá bi quan mà bán cổ phiếu ra bằng mọi giá.
Sắp tới, có rất nhiều cổ phiếu được hưởng lợi từ việc nới room, hay những cổ phiếu có triển vọng doanh thu, lợi nhuận tốt cần nắm giữ dài lâu, tránh lao vào cơn hoảng loạn bán tháo.
Nhà đầu phải bình tĩnh, tự tin vào những cổ phiếu đã mua và nắm giữ chứ không nên quá kỳ vọng vào những giấc mơ như là TPP. Dù sao, đây cũng chỉ là một hiệp định thương mại giúp cho kinh tế Việt Nam có thể xuất khẩu hàng hóa qua những thị trường lớn.
Trong hai phiên vừa qua, tâm lý hưng phấn đã không còn nữa
Điều này rõ ràng đem lại lợi ích lớn cho quốc gia và cả những doanh nghiệp có hưởng lợi từ hiệp định này.
Giả sử, việc đàm phán TPP thành công, cũng không có nghĩa sẽ đem lại lợi thế tuyệt đối cho toàn bộ doanh nghiệp tại Việt Nam. Rào cản thuế quan có thể giảm đi, nhưng rào cản về mặt kỹ thuật chắc chắn được dựng lên như môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm v.v.
Do đó, để doanh nghiệp Việt Nam có thể hưởng lợi được từ hiệp định này đòi hỏi doanh nghiệp phải có quá trình đầu tư theo các qui chuẩn khắt khe của hiệp định. Nếu chậm tham gia TPP có thể lại là điều tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước không bị ngỡ ngàng trước thị trường lớn. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị về mặt công nghệ, quy trình, vốn... để có thể đáp ứng những đơn hàng đủ lớn để xuất khẩu sang các nước trên.
Xu hướng điều chỉnh
Việc đàm phán TPP có thành công cũng không có nghĩa tất cả các doanh nghiệp đều được hưởng lợi mà còn phụ thuộc vào nội lực từng doanh nghiệp. Và việc này đòi hỏi phải có thời gian, chứ không phải một sớm một chiều là có thể hưởng lợi ngay. Nhà đầu tư cần thực tế với hiệp định này, tránh viển vông rằng hoàn tất TPP là cổ phiếu hưởng lợi sẽ tăng cao.
Ở thời điểm này, các chuyên gia nhận định thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh, khi dòng tiền tham gia vào thị trường suy yếu đáng kể. CTCP Chứng khoán HVS Vietnam khuyến nghị, khi tâm lý nhà đầu tư bị dao động mạnh do việc đàm phán TPP thất bại thì khả năng sụt giảm sẽ còn kéo dài.
Chỉ số VN-Index đã không thể chinh phục được ngưỡng kháng cự tâm lý cao nhất đạt được vào giai đoạn tháng 9/2014 là 640, nên "sóng" bị xem là đã hết. Các chính sách từ nới room, đến TPP, cơ cấu mạng lưới ngân hàng, giảm nợ xấu… sẽ không còn tác động mạnh vào thị trường. Khối ngoại đã ngưng mua ròng và chuyển sang bán khiến tâm lý càng bi quan hơn.
Điều này cho thấy thị trường không còn động lực tăng điểm mà sẽ đối mặt với áp lực chốt lời mạnh. Dòng tiền thông minh đã nhanh chóng rút ra khỏi thị trường chứ không còn bùng nổ vào các cổ phiếu lớn khiến cho thị trường đi xuống.
Với những yếu tố trên sẽ khó có dòng tiền mới đủ mạnh đổ vào TTCK để đẩy giá cổ phiếu lên mặt bằng cao mới. Theo đó, thị trường đã tạo đỉnh ngắn hạn và xu hướng điều chỉnh giảm và tích lũy.
Lê Thuận