Ghi nhận chuỗi tăng trần 23 phiên liên tiếp, cổ phiếu CFV đang dừng ở mức 91.300 đồng/cp. (Ảnh: Int) |
Trước diễn biến nêu trên, lãnh đạo Cà phê Thắng Lợi cho rằng đây là hiện tượng khá bất thường và công ty đã nhiều lần báo cáo với HNX về tình trạng giao dịch bất thường này theo quy định. Lãnh đạo công ty cũng khẳng định ban lãnh đạo, người nội bộ công ty không có bất kỳ tác động nào lên việc giao dịch cổ phiếu.
"Việc cổ phiếu công ty liên tục tăng trần và khối lượng như vậy là rất bất thường, tất cả các phiên tăng trần chỉ có một lệnh đặt mua và bán giá trần trong phiên. Công ty nghi ngờ có một số cá nhân lợi dụng lỗ hổng của thị trường chứng khoán, tác động đến giá cổ phiếu công ty vì động cơ cá nhân", văn bản của Cà phê Thắng Lợi chỉ rõ.
Trong văn bản giải trình gần nhất cho 5 phiên liên tiếp cổ phiếu tăng trần từ 30/8-7/9, Cà phê Thắng Lợi cho biết việc giá cổ phiếu tăng trần nhiều phiên liên tục là do diễn biến của thị trường chứng khoán và công ty chỉ thực hiện báo cáo trung thực thông tin các phiên cổ phiếu tăng trần liên tiếp theo yêu cầu. Ngoài ra, công ty và ban lãnh đạo không làm gì tác động đến giá cổ phiếu cũng như thực hiện giao dịch cổ phiếu CFV trên thị trường. Vì vậy, không có cơ sở để giải trình việc giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp như trên.
Trước đó, Cà phê Thắng Lợi cũng đã đưa ra 2 văn bản giải trình cho 5 phiên tăng trần từ 23-29/8 và từ 15-19/8. Theo đó, lý do công ty đưa ra gần như tương tự nhau: "Công ty không có bất kỳ thông tin có lợi liên quan làm ảnh hưởng đến biến động giá giao dịch trên thị trường chứng khoán tăng trần nhiều phiên liên tiếp. Mặt khác, công ty còn có thông tin bất lợi về BCTC bán niên".
Đồng thời, theo như 2 văn bản công bố của mình, công ty còn cho biết xét theo số liệu và tình hình thực tế thì công ty không có căn cứ giải trình liên quan đến việc giá cổ phiếu đã tăng trần 5 phiên liên tiếp.
Trái ngược với đà tăng đột biến của cổ phiếu CFV, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty lại khá buồn tẻ.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2022, Cà phê Thắng Lợi thu về 221,6 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 6% so với cùng kỳ. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế của công ty âm gần 3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước báo lãi 2,5 tỷ đồng.
Theo giải trình của công ty, nguyên nhân chủ yếu là mặc dù sản lượng bán tăng nhưng giá cả thị trường cà phê biến động liên tục, giá cà phê nội địa tăng cao trong khi đó giá cà phê thế giới giảm mạnh gây khó khăn cho công ty trong việc kinh doanh cà phê nhân phục vụ xuất khẩu.
Được biết, CTCP Cà phê Thắng Lợi tiền thân là Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi, được cổ phần hoá vào đầu năm 2019. Đơn vị hoạt động chính trong lĩnh vực trồng, khai thác và chế biến kinh doanh cà phê.
Về cơ cấu cổ đông, bà Phạm Thị Linh là cổ đông lớn nhất. Bà là phu nhân của Chủ tịch HĐQT CFV - ông Đỗ Hoàng Phúc, người từng có thời gian dài công tác tại các cơ quan Nhà nước. Ông Phúc cùng vợ cũng sở hữu cổ phần tại nhiều doanh nghiệp.
Tại tỉnh Đắk Lắk, không chỉ Cà phê Thắng Lợi, vợ chồng doanh nhân Đỗ Hoàng Phúc vẫn tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng. Vào đầu năm nay, ông Đỗ Hoàng Phúc đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT CTCP Cấp nước Đắk Lăk (DWC), ngoài ra con trai ông - ông Đỗ Hoàng Phương làm Phó Chủ tịch HĐQT còn bà Phạm Thị Linh làm Thành viên HĐQT. Gia đình ông Phúc hiện đang sở hữu 59,17% DWC, trong khi UBND tỉnh Đắk Lắk sở hữu 36%.
Hiện nay, ngoài hoạt động liên quan cà phê, Cà phê Thắng Lợi có đầu tư nhà máy điện gió cũng như các hoạt động khác ở Đắk Lắk… Đây cũng có thể là lý do khiến giá cổ phiếu CFV hấp dẫn vượt trội. Tuy nhiên, với những giao dịch bất thường nêu trên, câu hỏi đặt ra là có hay không việc làm "giá" cổ phiếu, phải chăng doanh nghiệp đang bị "thâu tóm" ngầm?
Châu Giang