Trước đó, trên thị trường lan truyền thông tin CTCP Sữa Hà Nội (HanoiMilk, mã: HNM) sắp bị đối tác đến từ Indonesia “thâu tóm”. Một tạp chí về nông nghiệp đã đăng tin Công ty thực phẩm Tiga Pilar đang tính toán mua cổ phần của Hanoimilk và tiết lộ “cuộc đàm phán sắp kết thúc”.
“Tôi chưa kí thỏa thuận nào”
Chia sẻ với cổ đông, Chủ tịch Hà Quang Tuấn cho hay, Hanoimilk đang thực hiện gia công sữa cho TH Truemilk để tạo thêm doanh thu, lợi nhuận... Bên cạnh đó, hai hãng sữa nước ngoài là Nestlé, Ô- shi (Nhật Bản) cũng đang xem xét đặt gia công sản phẩm tại Hanoimilk. Do hiện tại, Hanoimilk cũng đang bị thiếu công suất rót hộp Brik nên nếu ký được hợp đồng gia công dài hạn, công ty sẽ đầu tư dây chuyền máy rót (chi phí từ 2,6- 2,7 triệu USD) để nâng công suất.
Ông Tuấn cũng cho biết, một số công ty lớn đang khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Hanoimilk, nhưng chưa đi đến thỏa thuận nào. “Tôi chưa đặt bút ký thỏa thuận nào. Các tin đồn nếu có trên thị trường đều là tin đồn nhảm”- Chủ tịch Hanoimilk bác tin đồn.
![]() |
Hanoimilk dự kiến năm 2015 sẽ đạt tối thiểu 322 tỷ đồng doanh thu
Thời gian qua, hoạt động kinh doanh của Hanoimilk có dấu hiệu đi xuống, đầu tư kém hiệu quả, bị thiệt hại nặng… Năm 2014, tổng sản lượng sữa sản xuất chỉ đạt 8,1 triệu lít (gồm sữa tiệt trùng UHT, sữa chua ăn), đem lại doanh thu thuần 222 tỷ đồng (giảm 5%). Lợi nhuận sau thuế giảm từ 3 tỷ đồng xuống còn vỏn vẹn… 155 triệu đồng. Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) chỉ đạt 12 đồng/CP và không chia cổ tức.
Năm 2015, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn, cụ thể: sản xuất 10,2 triệu lít, doanh thu đạt 316,8 tỷ đồng (tăng 24%), lợi nhuận trước thuế sẽ tăng lên mức 3,16 tỷ đồng. Với kế hoạch này, rõ ràng Hanoimilk đang bị “lép vế” hơn hẳn so với các “ông lớn” trong ngành sữa như Vinamilk, TH Milk.
Trong hoạt động đầu tư, lãnh đạo Hanomilk đã thừa nhận sai lầm khi đầu tư xây dựng nhà máy, lựa chọn thiết bị máy rót hộp Wed không phù hợp, để lại hậu quả nghiêm trọng… Chiến lược đầu tư vào vỏ hộp Wed (hình nêm, tam giác) được kỳ vọng đem lại “sự khác biệt” cho sản phẩm của Hanoimilk. Song thực tế, lại gây bất tiện cho việc kinh doanh, sử dụng… Đầu năm 2015, công ty đã ngừng hoạt động 7 dây chuyền máy rót hộp Wed.
Tháng 11/2014, công ty đã lắp đặt và đưa vào sử dụng dây chuyền Brik 110ml nhằm “cứu nguy” cho doanh số bán hàng sụt giảm từ sản phẩm hộp Wed, nhưng vẫn không thể bù đắp thiếu hụt công suất rót hộp.
Trong khi đó, hoạt động bán hàng cũng bị ảnh hưởng, như: không đạt chỉ tiêu, doanh số sụt giảm, nhân sự chạy sang công ty khác… Đặc biệt, sự cố sữa “Melanin” năm 2008 và những khoản lỗ trước đây vẫn còn để lại hậu quả nặng nề cho Hanoimilk.
Huy động 100 tỷ từ trái phiếu
Để cải thiện tình hình kinh doanh, Hội đồng quản trị đã trình cổ đông thông qua phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi, thay cho kế hoạch phát hành từ ĐHĐCĐ năm 2013 vẫn dở dang.
Theo đó, Hanoimilk sẽ phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ với tổng giá trị từ 50 – 100 tỷ đồng (kỳ hạn 1- 3 năm). Trái phiếu được phép chuyển đổi thành cổ phần có mệnh giá là 10,000 đồng. Việc phát hành được thực hiện trong thời gian năm 2015- 2017. Sau khi biểu quyết, ĐHCĐ đã thông qua phương án huy động vốn này.
Trong năm 2014, Hanomilk cũng huy động vốn thành công thông qua phát hành riêng lẻ 7,5 triệu cổ phiếu, thu về gần 80 tỷ đồng và tăng vốn điều lệ lên 200 tỷ đồng.
Về kế hoạch đầu tư nguồn nguyên liệu, HĐQT Hanoimilk đã trình cổ đông dự án thuê đất trồng cỏ nuôi bò sữa tự nhiên với tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng. Dự án này nhằm cung cấp nguồn cỏ cho dự án 288 tỷ đồng đầu tư đàn bò sữa 1.000 con trong giai đoạn 2014- 2017 và tăng lên 2,000 con (đến năm 2020). Hiện, công ty dự kiến tăng vốn đầu tư đàn bò lên gần 361 tỷ đồng, tăng số lượng ban đầu lên 2.000 con bò và đạt 4.000 con vào năm 2014 - 2017.
Một số cổ đông cũng chất vấn về nguồn nguyên liệu đầu vào, kế hoạch phát triển kênh phân phối vì sản phẩm của Hanoimilk đang bị cạnh tranh gay gắt trên thị trường.
Về nguồn nguyên liệu sữa, ông Tuấn cho biết, đã ký được hợp đồng mua nguyên liệu nhập khẩu với giá rất tốt đến hết năm 2015. Nguồn sữa tươi được mua từ VnFutrure Milk và trang trại của Hanoimilk sẽ sớm cung cấp được sữa tươi cho sản xuất vào năm 2016.
Còn về kênh phân phối, ông Phan Mạnh Hòa, Phó TGĐ cho hay, trong quý 2/105, công ty đã ký được nhiều hợp đồng trên tất cả các kênh phân phối gồm: hệ thống siêu thị nội địa và quốc tế, trường học, bếp ăn công nghiệp, các khách hàng công nghiệp lớn với sức tiêu thụ 500 – 1.000 thùng sữa chua/ngày… Kênh phân phối truyền thống cũng được mở rộng ra nhiều tỉnh thành. Do đó, dự kiến năm nay doanh thu sẽ đạt 322 tỷ đồng là mức tối thiểu.
Hải Hà