Mặc dù năm 2014 có nhiều khó khăn, nhưng Habeco vẫn hoàn thành vượt các chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, tổng doanh thu đạt hơn 7.873,8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.132 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 968 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến ở mức 18%.
Cạnh tranh thị phần khốc liệt
Theo báo cáo của Ban kiểm soát, riêng tổng công ty đạt doanh thu 9.874 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.100 tỷ đồng, tăng tới 32% so với năm trước. Tuy nhiên, do trong năm 2014, có 2/16 công ty bị thua lỗ nên ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh hợp nhất toàn tổng công ty. Song, vốn đầu tư của Habeco vào các công ty thành viên vẫn có hiệu quả, bảo toàn vốn đầu tư.
Đánh giá tình hình vẫn còn khó khăn nên năm 2015, Habeco đặt mục tiêu kinh doanh giảm nhẹ, gồm: doanh thu 7.489 tỷ đồng (giảm 4,9%), lợi nhuận trước thuế 1.066,5 tỷ đồng và lãi sau thuế 911,4 tỷ đồng (giảm 5,88%). Cổ tức dự kiến sẽ tăng lên mức 20%.
![]() |
Năm 2015 Habeco đặt mục tiêu doanh thu 7.489 tỷ đồng, giảm nhẹ 4,9%
Theo Phó tổng giám đốc Nguyễn Hải Hồ, năm qua, hoạt động kinh doanh sản phẩm bia của Habeco và các đơn vị thành viên đã bị cạnh tranh khốc liệt về thị phần tiêu thụ. Nhất là tại thị trường Quảng Ninh và các tỉnh miền Trung. Ngay tại Hà Nội, các đối thủ đã thực hiện nhiều chính sách cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm bia, rượu của công ty để giành thị phần.
Do đó, Habeco đã triển khai các chương trình tài trợ, sự kiện, khuyến mại, thay đổi mô hình quản lý… để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, triển khai xuất khẩu bia trong khu vực, chủ yếu đi Đài Loan, Nga, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc và mở rộng xuất đi Châu Âu…
Về hoạt động đầu tư, ông Hồ cho biết, Habeco đã tích cực tập trung đầu tư dự án trọng điểm tại 183 Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) – là trụ sở tổng công ty. Trong đó, 2 dự án đầu tư sản xuất nước tinh lọc và dự án máy dãn nhãn Sticker đã hoàn thành và đi vào hoạt động.
Ngoài ra, hoàn thành dự án Nhà máy Bia Hà Nội- Quảng Trị, dự án di dời cơ sở sản xuất của Công ty CP Bia Hà Nội – Hải Phòng… Các dự án đã và đang triển khai đều đảm bảo đúng tiến độ, có hiệu quả.
Chia sẻ về công tác đầu tư, ông Nguyễn Hồng Linh, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Habeco nhấn mạnh: “Năm nay, tổng công ty sẽ thực hiện đầu tư các dự án đã được phê duyệt, không mở rộng năng lực sản xuất. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và đầu tư tập trung vào các trung tâm sản xuất lớn”.
Hiện, Habeco đang thực hiện chuyển dần sản xuất sang nhà máy tại Mê Linh. Nhà máy này đã có công suất đáp ứng 280 triệu lít/năm, và có định hướng tới tăng công suất lên 400 triệu lít/năm. Đến năm 2020, công suất toàn nhà máy sẽ đạt 1 tỷ lít/năm
Nhùng nhằng tăng sở hữu
Với kết quả lợi nhuận khả quan, Hội đồng quản trị cho biết, sau khi điều chỉnh tăng-giảm một số khoản (lãi suất, lợi nhuận của năm 2013), Habeco còn lại 977,9 tỷ đồng lợi nhuận được phân phối. Do đó, đề xuất sẽ trích 5,27 tỷ đồng vào các quỹ tại Công ty TNHH MTV Thương mại Habeco, trích hơn 555 tỷ đồng vào các quỹ của công ty mẹ. Số tiền 417 tỷ đồng còn lại sẽ dùng chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 18%.
Một vấn đề được cổ đông chất vấn là kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu cho cổ đông chiến lược Tập đoàn Carlsberg lên trên 30% vốn điều lệ vẫn còn bỏ ngỏ, chưa thực hiện?
Được biết, từ năm 2012, Habeco đã họp ĐHCĐ bất thường xin ý kiến bán thêm 13% cổ phần cho Tập đoàn Carlsberg để nâng sở hữu lên 30,32%. Tuy nhiên, cuộc họp bất ngờ bị hoãn với lý do “chưa chuẩn bị đầy đủ”. Sau đó, vấn đề tăng sở hữu cho cổ đông chiến lược đã không được đề cập tới trong 2 kỳ ĐHCĐ gần đây (2013-2014).
Ông Nguyễn Hồng Linh chỉ trả lời ngắn gọn: “Đối tác chiến lược Carlsberg sẽ vẫn duy trì như mức sở hữu như hiện nay tại Habeco. Hiện nay, chưa thực hiện bán 13% vốn cho cổ đông chiến lược. Chúng tôi vẫn đang xem xét, rà soát lại theo chỉ đạo của Bộ Công thương”.
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, một lãnh đạo của Habeco tiết lộ, việc bán cổ phần, giảm sở hữu hữu nhà nước hiện đang được xây dựng. Song, vấn đề vướng mắc đang nằm ở các điều khoản ràng buộc của bản Hợp đồng thỏa thuận hợp tác chiến lược và Hợp đồng bán cổ phần chiến lược mà Habeco đã kí với đối tác Carlsberg. “Đối tác muốn những lợi ích còn lớn hơn cả các cổ đông và không phù hợp với luật pháp Việt Nam”- lãnh đạo tiết lộ.
Về phía Bộ Công Thương, cơ quan này đã có văn bản chỉ đạo Habeco thực hiện lên kế hoạch bán cổ phần nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ với giá bán đề xuất là 50.015 đồng/CP (bằng giá đấu thành công khi IPO lần đầu). Song, bán cho đối tác nào lại chưa cụ thể.
Hiện nay, Habeco có vốn điều lệ 2.318 tỷ đồng, tương ứng 231,8 triệu cổ phần lưu hành. Tính đến ngày chốt danh sách cổ đông (15/4/2015), Bộ Công Thương đang là đại diện vốn của cổ đông nhà nước – sở hữu 189,59 triệu cổ phần (tỷ lệ 81,79% vốn); Tập đoàn Carlsberg nắm 40,54 triệu CP (chiếm 17,49%, gồm Công ty TNHH TM Carlsberg Việt Nam chiếm 0,15% và Carlsberd Breweries A/S nắm 17,34%) và 671 cổ đông khác nắm 0,72% còn lại.
Thu Hằng