Mới đây, trong văn bản giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE), CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) nhận định giá cổ phiếu BCG tăng trần là do cung cầu trên thị trường. Yếu tố tác động này do thị trường quyết định và nằm ngoài kiểm soát của công ty. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường và không có biến động đặc biệt nào.
Điệp khúc “bài văn mẫu”
Trong phiên giao dịch chiều cuối tuần qua (2/12), 4 doanh nghiệp cũng phải công bố giải trình về cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp. Đó là CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC) công bố thông tin cho biết, cổ phiếu TDC được niêm yết và giao dịch công khai minh bạch trên HoSE, thị giá tăng trần 5 phiên liên tiếp là do thị trường chứng khoán (TTCK) có tín hiệu phục hồi và niềm tin của các nhà đầu tư vào chính sách điều hành của Chính phủ.
![]() |
Câu chuyện giải trình nguyên nhân cổ phiếu tăng trần hay giảm sàn 5 phiên liên tiếp của doanh nghiệp đang khiến nhà đầu tư lắc đầu “ngao ngán” bởi sự giống nhau đến lạ, như một “bài văn mẫu”. (Ảnh: Int) |
Với lý do tương tự, CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS) cũng có văn bản giải trình về việc cổ phiếu tăng trần liên tục là nhờ sự phục hồi của TTCK chung trong và ngoài nước cũng như yếu tố cung - cầu của TTCK. Đồng thời khẳng định công ty không có sự tác động đến giá cổ phiếu và hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn đang diễn ra hoàn toàn bình thường.
Hay như CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (HQC) khẳng định hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty đang ổn định theo đúng chủ trương kế hoạch năm 2022, không có biến động bất thường tới giá cổ phiếu. Việc thị giá HQC tăng mạnh do nhà đầu tư và cổ đông quyết định đầu tư khi đánh giá tích cực vào hoạt động doanh nghiệp và thị trường tài chính diễn biến thuận lợi theo từng thời kỳ của thị trường. Đồng thời, sự can thiệp quyết liệt, điều hành linh hoạt, thích ứng về chính sách kinh tế vĩ mô và chính sách tín dụng tiền tệ của Chính phủ.
Trong khi đó, CTCP DRH Holdings (DRH) đưa ra giải trình cổ phiếu tăng trần liên tiếp do TTCK nói chung có nhiều khởi sắc sau chuỗi giảm giá kéo dài, lượng giao dịch tăng cao, nhất là nhiều cổ phiếu bất động sản nhận lại được sự quan tâm của nhà đầu tư. Cùng với đó khẳng định công ty đang tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật.
Trước đó, ngay trong sáng 2/12, CTCP Tập đoàn C.E.O (CEO) và Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (PET) cũng có công văn giải trình về việc giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp. Trùng hợp, lý do đưa ra đều xuất phát từ cung – cầu của TTCK và thị hiếu, nhu cầu và quyết định mua bán của nhà đầu tư, và công ty không có tác động nào giá cổ phiếu, còn hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường, không có sự kiện biến động đặc biệt nào.
Chiều ngược lại, Novaland (NVL) và CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) đều phải giải trình đến 3 lần liên tiếp trong vòng chưa đầy một tháng do cổ phiếu của 2 doanh nghiệp này lũ lượt giảm sàn hơn chục phiên liên tiếp. Hao hao như nhau, cả 3 lần giải trình của 2 doanh nghiệp này đều giải trình cổ phiếu giảm sàn là do yếu tố tâm lý trên TTCK và bị tác động bởi nhiều điều kiện kinh tế vĩ mô.
Có thể thấy, câu chuyện giải trình nguyên nhân cổ phiếu tăng trần hay giảm sàn 5 phiên liên tiếp của doanh nghiệp đang khiến nhà đầu tư lắc đầu “ngao ngán” bởi sự giống nhau đến lạ, như một “bài văn mẫu”.
“Giải trình như văn mẫu, chẳng có thông tin nào hữu dụng”, một nhà đầu tư chia sẻ trên một diễn đàn chứng khoán.
Nên có quy định rõ ràng kèm tiêu chí
Ngược thời gian, từ ngày 16/5/2022, theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), doanh nghiệp có cổ phiếu tăng trần, giảm sàn 5 phiên liên tiếp trở lên phải công bố thông tin liên quan đến biến động giá.
Yêu cầu giải trình này là một trong những giải pháp mang tính đồng bộ mà Bộ Tài chính, UBCKNN đưa ra nhằm ổn định TTCK, tăng cường giám sát, đảm bảo TTCK hoạt động công khai, minh bạch, đặc biệt sau nhiều vụ thao túng giá “vỡ lở” trước đó. Tuy nhiên, nhiều văn bản giải trình từ phía doanh nghiệp đa số không thật sự làm nhà đầu tư vừa lòng, thậm chí nhiều người còn cho rằng nội dung các văn bản giải trình thật vô bổ. Bởi đa số các văn bản đều nêu lý do muôn thủa, đó là giá cổ phiếu biến động theo cung cầu thị trường và khẳng định doanh nghiệp không tác động gì cả.
Nhiều chuyên gia cũng như nhà đầu tư đánh giá, yêu cầu này đang nặng về thủ tục hành chính, tốn kém thời gian, chưa rõ hiệu quả.
“UBCKNN nên tập trung kiểm tra tại sao giá cổ phiếu tăng, do tài khoản nào giao dịch, khối lượng mua bao nhiêu, và có tuân thủ đúng pháp luật hay không, thay vì yêu cầu doanh nghiệp giải trình. Đến lúc lãnh đạo doanh nghiệp rơi vào vòng pháp lý mới lộ rõ lãnh đạo làm giá. Lúc đó, người thiệt hại nhất vẫn là các nhà đầu tư”, anh Thanh Giang, một nhà đầu tư lâu năm chia sẻ với VnBusiness.
Luật sư Bùi Quang Hưng, văn phòng luật sư BQH và cộng sự từng cho biết, với khả năng của trung tâm lưu ký chứng khoán hoàn toàn có thể kiểm soát những giao dịch đặt mua, đặt bán trên TTCK từ đâu. Cùng với UBCKNN có thể tự mình đưa ra cảnh báo về những giao dịch bất thường cho nhà đầu tư.
“Việc yêu cầu lãnh đạo doanh nghiệp báo cáo trong trường hợp như này sẽ rất khó vì họ không nắm được thông tin tại sao cổ phiếu tăng giảm”, ông Hưng nhìn nhận.
Tương tự, TS Lê Đạt Chí, Phó khoa Tài chính (ĐH Kinh tế TPHCM) nhận xét, cổ phiếu tăng trần, giảm sàn 5 phiên liên tiếp là chuyện của người mua, người bán, cung cầu của thị trường, doanh nghiệp không thể nắm được để giải trình.
“UBCKNN đưa ra yêu cầu với doanh nghiệp, thì nên có quy định rõ ràng đi kèm, về giải trình đạt yêu cầu phải có những tiêu chí nào”, vị TS này nói.
Cũng đưa ra giải pháp, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (Vafi) cho rằng, yêu cầu doanh nghiệp giải trình biến động cổ phiếu vẫn cần duy trì, nhưng UBCKNN nên có quy định chặt chẽ hơn.
“Yêu cầu giải trình sẽ hiệu quả hơn nếu có tiêu chí rõ ràng. Biến động 5 phiên chưa nói lên được điều gì, nếu như đặt trong bối cảnh thị trường chung lao dốc như vừa qua. Theo luật, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm với thông tin mình công bố. UBCKNN có nhiệm vụ giám sát”, ông Hải nêu ý kiến.
Hải Giang