Mức giá chào mua cụ thể do Tổng giám đốc quyết định tại thời điểm đăng ký chào mua công khai với cơ quan có thẩm quyền nhưng không thấp hơn mức tham chiếu trong 60 ngày.
Hiện tại, Gelex cùng công ty thành viên đang nắm giữ gần 112 triệu cổ phiếu VGC, tương đương 24,96% vốn Viglacera. Nếu giao dịch thành công, nhóm Gelex sẽ nắm giữ tổng cộng 260,93 triệu cổ phiếu VGC, tương đương 46,15% vốn điều lệ công ty.
Không ngại chi tiền
Thị giá của VGC trên sàn chứng khoán hiện đang dao động quanh ngưỡng 21.000 đồng/cp. Tính theo mức giá này, Gelex sẽ chi ra gần 2.000 tỷ đồng để mua số cổ phần đã đăng ký của Viglacera.
Thực tế, mối liên quan giữa Viglacera và Gelex “mật thiết” hơn kể từ sau phiên đấu giá thoái vốn hơn 80,5 triệu cổ phiếu VGC, tương đương 17,9% vốn điều lệ của Viglacera với giá khởi điểm 23.000 đồng/cp của Bộ Xây dựng vào ngày 29/3/2019.
M&A là mục tiêu cốt lõi của Gelex trong năm 2020 (Ảnh: Internet) |
Tại phiên đấu giá có 3 nhà đầu tư tổ chức tham dự, đăng ký mua 69 triệu cổ phần, bằng 85% khối lượng cổ phần chào bán. Các nhà đầu tư đã đặt mua cổ phần với một mức giá duy nhất là 23.000 đồng/cp.
Kết quả là cả 3 nhà đầu tư này đều mua được hết số cổ phần đăng ký với giá đấu thành công là 23.000 đồng/cp, cao hơn nhiều mức giá thị trường của cổ phiếu VGC lúc đó (20.500 đồng/cp), tổng giá trị số cổ phần thoái vốn bán được đạt 1.587 tỷ đồng.
Ngay sau đó, vào ngày 19/4/2019, Gelex ra thông báo mua vào thành công 37 triệu cổ phiếu VGC, tăng tỷ lệ sở hữu lên 54,8 triệu đơn vị, tương đương 12,23% vốn của Viglacera. Cùng ngày, Công ty TNHH Thiết bị điện Gelex (công ty con do Gelex sở hữu 100% vốn) cũng thông báo đã mua 27 triệu cổ phiếu VGC, qua đó tăng lượng nắm giữ lên 57,1 triệu đơn vị, chiếm 12,74% vốn công ty.
Nhiều ý kiến cho rằng, nhóm Gelex là 2 trong 3 tổ chức đã thắng đấu giá ngày 29/3/2019 và giao dịch ngày 19/4/2019 là hoàn tất thủ tục nhận chuyển nhượng cổ phần từ đợt đấu giá trên. Theo đó, số tiền mà nhóm Gelex bỏ ra để sở hữu gần 25% cổ phần của Viglacera như hiện nay rơi vào khoảng gần 1.500 tỷ đồng.
Động thái mua thêm cổ phiếu VGC có thể nằm trong lộ trình mà Gelex công bố tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, mục tiêu trọng tâm năm 2020 không phải là tăng trưởng lợi nhuận mà là hoàn tất các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) chiến lược.
Trong khi đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục các bước thoái vốn nhà nước còn lại tại Viglacera trong năm 2020.
Hiện, phần vốn chủ sở hữu nhà nước tại Viglacera sau các đợt thoái vốn chỉ còn 38,85%. Điều này đã đưa Viglacera hoạt động, điều hành quản lý Tổng công ty theo mô hình công ty đại chúng thông qua các quy chế quản trị tiệm cận với các doanh nghiệp có trình độ công nghệ sản xuất và quản trị hàng đầu trong nước và quốc tế.
Hoàn thiện "mảnh ghép"
Mặc dù mới sở hữu gần 25% cổ phần nhưng kể từ khi trở thành cổ đông lớn vào tháng 4/2019 thì đến tháng 6/2019 tại ĐHĐCĐ thường niên của Viglacera, ông Nguyễn Văn Tuấn và một đại diện khác của Gelex (bà Đỗ Thị Phương Lan) đã được bầu vào HĐQT. Doanh nhân sinh năm 1984 ngay sau đó ngồi luôn ghế Chủ tịch HĐQT Viglacera.
Với viễn cảnh Bộ Xây dựng thoái vốn theo lộ trình của Thủ tướng yêu cầu, Gelex ngay trong năm 2019 đã đặt ra mục tiêu mua chi phối Viglacera. Việc "ông lớn" này không hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm ngoái một phần nguyên nhân được cho là bởi chưa hoàn tất được thương vụ Viglacera.
Do đó, ứng viên lớn nhất cho hơn 38% cổ phần còn lại mà Bộ Xây dựng dự kiến thoái trong năm 2020 là nhóm cổ đông Gelex. Và quyết định "nhường" ghế Chủ tịch từ năm ngoái của Bộ Xây dựng có thể được coi là động thái chuyển giao sớm.
Thực tế, nếu nắm trong tay Viglacera, Gelex sẽ không chỉ trở thành "ông lớn" trong ngành bất động sản khu công nghiệp và ngành vật liệu xây dựng, mà còn giúp hoàn thiện hệ sinh thái mà công ty này đang hướng tới là tập trung phát triển mảng bất động sản, nước sạch và xử lý nước - một trong những mảng đang là thế mạnh của Viglacera.
Đặc biệt, về mặt tài chính, Viglacera và Gelex có quy mô khá tương đồng, lần lượt là 20.303 tỷ đồng và 22.506 tỷ đồng tổng tài sản; 4.484 tỷ đồng và 4.882 tỷ đồng vốn cổ phần tính tới cuối quý I/2020.
Điểm đáng chú ý lớn nhất là Gelex đang có khoản nợ phải trả chiếm tới 62% tổng nguồn vốn, nợ vay thuê tài chính ngắn và dài hạn là 9.695 tỷ đồng, nếu cộng cả LC phải trả ngân hàng thì lên tới gần 11.200 tỷ đồng, bằng một nửa tổng tài sản của Gelex và gấp tới 21,5 lần số dư vay nợ tài chính so với cuối năm 2015. Sử dụng đòn bẩy tài chính dẫn tới chi phí lãi vay tăng mạnh và "ăn mòn" lợi nhuận của Gelex.
Trong khi đó, Viglacera lại có "sức khoẻ" tài chính ở trạng thái lành mạnh, với vay nợ tài chính tới cuối tháng 3/2020 là 2.250 tỷ đồng, chỉ tương đương 11% tổng tài sản. Nếu hợp nhất được Viglacera, Gelex sẽ trở thành một tập đoàn với quy mô tài sản khoảng 2 tỷ USD, và quan trọng hơn cả là tỷ lệ vay nợ lúc này sẽ giảm mạnh về chỉ còn khoảng 30%, đồng nghĩa với mở ra dư địa tiếp tục sử dụng đòn bẩy tài chính nếu cần thiết.
Nhìn về bề nổi có thể thấy M&A có thể giúp Gelex gia tăng quy mô "bành trướng" được thế lực, nhưng dưới góc nhìn của các chuyên gia, việc hoạt động trên nhiều lĩnh vực có thể khiến doanh nghiệp này phải đối mặt với những rủi ro đặc thù trong từng lĩnh vực kinh doanh.
Linh Đan