Tính đến phiên giao dịch ngày 21/5, chỉ số Vn-Index đang ở mức 1.283,93 điểm, trong khi đó chỉ số VN30 đang ở mức 1.425,04 điểm. Độ lệch giữa hai chỉ số này đang ngày càng lớn đạt 141,11 điểm.
Lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay, chỉ số Vn-Index đã tăng gần 190 điểm, tương đương hơn 16,4%. Trong khi đó, chỉ số VN30 đã tăng hơn 360 điểm, tương đương gần 33,8%. Như vậy, đà tăng của VN30 hiện tại đang gấp đôi so với mức tăng chung của thị trường.
Đáng mừng...
Trước đây, chỉ số Vn-Index thường cao hơn VN30-Index hoặc gần như đi song song nhau. Điển hình như kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2020, chỉ số Vn-Index đạt 1.103 điểm, trong khi VN30-Index vượt mức 1.071 điểm, vẫn còn một khoảng cách khá xa vời với 32 điểm.
Bước vào đầu năm 2021, khoảng cách giữa hai chỉ số này mới có sự thu hẹp, nhưng vẫn duy trì ở trạng thái Vn-Index "chạy trước" khoảng từ 20 điểm trở lên (thông thường là từ 30-50 điểm).
Khoảng cách giữa VN30 và Vn-Index ngày càng xa với lợi thế nghiêng về VN30. |
Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 3 đến nay, nhịp tăng của nhóm cổ phiếu VN30 diễn ra dày đặc hơn và lan toả tại hầu hết các nhóm cổ phiếu khiến cho chỉ số này có những phiên tăng điểm nhiều hơn mức tăng của chỉ số chung.
Lý giải về diễn biến này, bà Bùi Thị Kim- – Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam nói rằng, chỉ số chung Vn-Index gồm nhóm VN30 và nhiều nhóm cổ phiếu khác gộp lại, do đó, dù VN30-Index tăng mạnh nhưng các nhóm còn lại không tăng, thậm chí còn giảm điểm, thì tác động đến Vn-Index có thể chỉ tăng nhẹ, từ đó giúp cho chỉ số VN30-Index dần dần thu hẹp khoảng cách với chỉ số Vn-Index.
Đáng chú ý, theo báo cáo chiến lược tháng 5 của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, dòng vốn từ quỹ Fubon ETF và quỹ mới liên quan đến Dragon Capital đang là yếu tố dẫn dắt nhóm cổ phiếu VN30. Hàng nghìn tỷ đồng ước tính sẽ chảy vào thị trường, chủ yếu ở các cổ phiếu nhóm VN30 sẽ là tiền đề hỗ trợ nhóm này trong thời gian tới.
Theo ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch CTCP AzFin Việt Nam, việc VN30 "vượt mặt" Vn-Index là một tín hiệu đáng mừng bởi điều này thể hiện được chất lượng của nhóm này đang ngày càng đi lên.
Thực tế cho thấy, trong quý I/2021 vừa qua, lợi nhuận sau thuế nhóm VN30 đã tăng trưởng vượt con số 100% so với quý I/2021. Có rất nhiều doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận như Hoà Phát (mã: HPG), Tập đoàn Bảo Việt (mã: HPG), nhóm ngân hàng... Nhưng vẫn có những doanh nghiệp báo lãi giảm như Vinhomes (mã: VHM), Vinamilk (mã: VNM), PVGas (mã: GAS) nhưng không có bất kỳ doanh nghiệp nào báo lỗ.
"Cách đây vài năm VN30 thường bị kéo lùi là do có những cổ phiếu không được đánh giá, điển hình như ROS của CTCP FLC Faros. Tuy nhiên, đến nay những mã cổ phiếu này đã được loại ra khỏi rổ chỉ số khiến nó tăng trưởng mạnh mẽ hơn", ông Phục cho biết.
Hay đáng lo?
Theo thống kê của VnBusiness, kể từ phiên giao dịch ngày 25/3 đến nay (giai đoạn tăng mạnh nhất của VN30), có tới 20/30 mã cổ phiếu trong rổ VN30 ghi nhận tăng giá, trong đó có 11 mã tăng trên 20% như NVL tăng mạnh nhất nhóm này với 77,5%, VPB tăng 59,4%, STB tăng 52%, HPG tăng 47%...
Điều này đã lý giải cho việc nhóm cổ phiếu này luôn được giới đầu tư ưu ái gọi là "cổ phiếu quốc dân". Nếu mua và nắm giữ từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư đã nhận được mức sinh lời khá khủng.
Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý, dòng tiền đa phần đang tập trung vào một vài cổ phiếu trụ cột trong nhóm VN30 trong khi rất nhiều cổ phiếu lớn nhỏ khác chìm trong sắc đỏ. Điều này dẫn tới thị trường nhiều phiên giao dịch xảy ra tình trạng Vn-Index "xanh vỏ đỏ lòng".
Thanh khoản VN30-Index từ đầu phiên 25/3 đến nay tăng vọt với tổng khối lượng khớp lệnh bình quân ở mức 277,8 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 27% so với thời điểm từ cuối năm 2020 đến phiên 24/3, giá trị khớp lệnh bình quân tăng 38,3% lên mức 9.794 tỷ đồng/phiên. Trong khi khối lượng khớp lệnh bình quân của Vn-Index cùng thời điểm chỉ tăng 9,7% lên 670 triệu/phiên, giá trị khớp lệnh bình quân tăng 22% lên mức 17.263 tỷ đồng/phiên.
Nguyên nhân của việc phân hoá mạnh giữa các cổ phiếu trong nhóm VN30 được cho là đến từ việc một số cổ phiếu đã bứt phá hẳn so với mặt bằng chung đến từ những câu chuyện riêng của doanh nghiệp như Hòa Phát sắp đến ngày chốt quyền cổ tức, Sacombank liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu trong năm nay và câu chuyện này còn kéo dài. Hay như câu chuyện VPBank vừa bán vốn tại FE Credit...
Theo phân tích của ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, việc tăng giá của nhiều cổ phiếu trụ cột theo hướng có câu chuyện riêng như trên được cho là không bền vững khi dư địa tăng của các cổ phiếu trụ cột không còn nhiều.
Cũng theo ông Minh, một điểm đáng chú ý nữa là VN30-Index tăng bất chấp việc khối ngoại bán ròng liên tục với khối lượng rất lớn các cổ phiếu nằm trong rổ chỉ số này như HPG, VPB, CTG... Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chung đã giảm xuống dưới 20%, trong khi tỷ lệ nhà đầu tư trong nước chiếm tỷ lệ cao và chủ yếu là cá nhân. Điều này dẫn đến rủi ro biến động lớn của thị trường do tâm lý đầu tư thiên về "lướt sóng".
Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc lại, dù có mức tăng tốt hơn nhưng định giá hiện nay của VN30 vẫn ở mức thấp hơn VN-Index. Theo đó, P/E của VN30 đang ở mức khoảng 15,9 lần, trong khi P/E của Vn-Index đang là 17,5 lần. Ngoài ra, xu hướng của khối ngoại không phải là chỉ báo của thị trường.
Minh Khuê