Cuối tháng 9/2021, công ty WHA Utilities and Power Public Company Limited (WHAUP) đã gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET) thông tin: Công ty WHAUP (SG) 2DR, một công ty con của doanh nghiệp này, đã gửi đơn kiện CTCP Nước Aqua One do bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) làm Chủ tịch HĐQT và ông Đỗ Tất Thắng lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, liên quan đến vi phạm không hoàn thành các nghĩa vụ theo thỏa thuận mua bán cổ phần.
Theo đó, WHAUP (SG) 2DR được quyền bán toàn bộ cổ phần của mình tại CTCP Nước mặt Sông Đuống cho Aqua One (cổ đông lớn nhất nắm giữ 41% cổ phần), với giá mà WHAUP (SG) 2DR đã thanh toán cho 33,98 triệu cổ phần là 1.886,27 tỷ đồng cộng với giá vốn ghi sổ theo quy định trong hợp đồng.
Quyền bán chỉ thực hiện nếu CTCP Nước mặt Sông Đuống không chuyển cho WHAUP (SG) 2DR giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sửa đổi trước ngày 25/10/2020, bao gồm nội dung nâng công suất khai thác của công ty Sông Đuống từ 300.000 m3/ngày lên 600.000 m3/ngày.
Thế nhưng, Nước mặt Sông Đuống, Aqua One và ông Đỗ Tất Thắng đã không cung cấp được giấy chứng nhận đúng thời hạn và im lặng trước yêu cầu mua lại cổ phần từ WHATUP (SG) 2DR.
![]() |
Đối tác Thái Lan cho rằng Nhà máy nước mặt sông Đuống "lật kèo" trong thương vụ mua bán cổ phần. |
Sai ngay từ đầu?
Về cơ bản, việc thành bại trong một thương vụ mua bán cổ phần là không có gì mới lạ hay đặc biệt trong giới tài chính nhưng nếu xem xét kỹ hơn về các thỏa thuận trong thương vụ mua bán cổ phần Nước mặt Sông Đuống có thể thấy nhiều tín hiệu cho một sự “đổ bể” đã được phát đi.
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc Hà Nội đầu tư Nhà máy nước mặt sông Đuống phải căn cứ vào quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2013.
Theo phê duyệt này, Nhà máy nước sông Đuống được quy hoạch công suất đến năm 2020 là 240.000m3/ngày, đến năm 2030 là 475.000m3/ngày, đến 2050 là 650.000m3/ngày. Đến tháng 10/2016, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt Nhà máy nước mặt sông Đuống với công suất 300.000m3/ngày – 900.000m3/ngày.
Nổi lên từ Shark Tank mùa 3 năm 2019, bà Đỗ Thị Kim Liên (còn gọi là Shark Liên) Chủ tịch HĐQT CTCP Nước Xuân Mai - Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT CTCP nước mặt Sông Đuống, Chủ tịch Tập đoànAqua One… xuất hiện với vai trò là nhà đầu tư cho các start-up, là người truyền nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ về các định hướng phát triển kinh doanh trong tương lai.
Tuy nhiên, sau đó, hàng loạt lùm xùm đến đến với Shark Liên. Có thể kể đến như vụ giá nước sông Đuống cao gấp 2 lần so với giá nước thông thường (giá nước sông Đà là khoảng hơn 5.000 đồng/m3) ; bị tố “tranh thủ dịch bệnh kiếm lời” với sản phẩm bảo hiểm “Corona Care - Chung tay đẩy lùi Corona”;
Như vậy, để làm được đúng theo thỏa thuận với WHATUP (SG) 2DR thì quy hoạch cấp nước Thủ đô buộc phải được điều chỉnh, rồi mới điều chỉnh được Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sao cho phù hợp với thoả thuận hai bên trước ngày 25/10/2020.
Qua đối soát, có thể thấy việc duyệt tổng thể công suất Nhà máy nước mặt sông Đuống, và cả thỏa thuận nâng công suất Nhà máy nước mặt sông Đuống lên 600.000m3/ngày trước ngày 25/10/2020 giữa WHATUP (SG) 2DR và Nước mặt Sông Đuống đều không đúng so với quy hoạch cấp nước cho Thủ đô được ban hành năm 2013.
Nhưng thực tế, quy hoạch cấp nước Thủ đô đã không được phê duyệt điều chỉnh vào thời điểm trước năm 2020. Mãi đến ngày 6/4/2021, Quy hoạch cấp nước Thủ đô mới nhất đến năm 2030, tầm nhìn 2050 mới được Thủ tướng phê duyệt.
Tuy nhiên, theo quy hoạch này Nhà máy nước mặt Sông Đuống đến năm 2025 được xây dựng công suất 300.000m3/ngày, đến năm 2030 mới đạt 600.000m3/ngày và định hướng đến năm 2050 công suất 900.000m3/ngày.
Do vậy, có thể thấy, thoả thuận về việc giao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sửa đổi cho nhà đầu tư Thái Lan đã không phù hợp với tất cả các quy hoạch cung cấp nước cho Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt.
Nhìn chung, theo quy định, quy hoạch cấp nước Thủ đô cần được điều chỉnh, để từ đó làm cơ sở điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư của dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống. Tuy nhiên, những “rung lắc thượng tầng” tại UBND TP Hà Nội, với việc cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung- người quyết liệt nhất trong triển khai dự án này bị khởi tố, khai trừ Đảng đã khiến dự án “lỡ nhịp”.
Thông tin “chưa điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư” này cũng chỉ mới được công khai vài ngày gần đây khi cổ đông Thái Lan tiến hành khởi kiện để đòi tiền mua cổ phần tại Nhà máy nước mặt sông Đuống mà đáng lẽ ra phải được công bố sau 15 ngày nộp hồ sơ xin giấy chứng nhận.
Aqua One khó có thể thực hiện nghĩa vụ
Như đã nói ở trên, để hoàn thành nghĩa vụ với WHATUP (SG) 2DR, Aqua One phải chi ra ít nhất số tiền 1.886,27 tỷ đồng cùng với giá ghi sổ mà đơn vị này đã thanh toán cho số cổ phần đã mua tại Nước mặt Sông Đuống. Vậy, “sức khỏe” của Aqua One liệu có đảm đương nổi trọng trách này?
Tập đoàn Aqua One được biết tới với hàng loạt các dự án nhà máy nước mặt có tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng như: Nhà máy nước mặt Sông Hậu (tỉnh Hậu Giang); Nhà máy nước mặt Sông Đuống; Nhà máy nước mặt Xuân Mai (tỉnh Hòa Bình).
![]() |
Shark Liên giữ vai trò là người truyền nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ về các định hướng phát triển kinh doanh trong tương lai tại Shark Tank Việt Nam. |
Trong giai đoạn từ 2016-2018, doanh nghiệp liên tiếp báo lãi nhưng khá "mỏng" nếu so với quy mô vốn chủ sở hữu. Năm 2019, công ty này không phát sinh doanh thu, nhưng báo lãi 2 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp nhà máy nước của Aqua One lại trưng ra một bức tranh tài chính khá ảm đạm.
Có thể kể đến Dự án nước mặt sông Hậu, dù đã đi vào vận hành từ tháng 12/2017 nhưng Aqua One vẫn chưa có lãi. Không những thế các khoản lỗ còn có xu hướng gia tăng trong các năm gần đây.
Tính đến cuối năm 2019, CTCP nước Aqua Ones Hậu Giang chỉ ghi nhận 4,7 tỷ đồng doanh thu, báo lỗ 321,3 tỷ đồng, cao gấp 3,8 lần so với năm trước. Vốn chủ sở hữu của Aqua One Hậu Giang giảm sâu từ 422 tỷ đồng (năm 2018) xuống còn 22,3 tỷ đồng (cuối năm 2019).
Hay như chính tại Nhà máy nước mặt sông Đuống, năm 2019, công ty bắt đầu phát sinh doanh thu thuần với giá trị ghi nhận đạt 228 tỷ đồng, đồng thời báo lãi gộp 65,8 tỷ đồng, tương ứng với biên lãi gộp 28,86%. Tuy nhiên, khoản lãi này không đủ để bù đắp các chi phí nên sau cùng, Nhà máy nước mặt sông Đuống báo lỗ thuần 193,2 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với các năm trước đó.
Đáng chú ý, kể từ khi dự án được khởi công vào năm 2017 đến cuối năm 2019, khoản vay nợ dài hạn của Nhà máy nước Sông Đuống lên tới 2.483,1 tỷ đồng trong năm 2018, và sau khi đi vào vận hành giai đoạn 1, tính đến cuối 2019, khối nợ của công ty tiếp tục tăng thêm 1.000 tỷ đồng, lên mức 3.506,4 tỷ đồng. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lên tới 4,3 lần.
Thực tế, với tình hình kinh doanh như hiện tại, nếu không có nguồn nào khác thì khả năng Aqua One và Nước mặt sông Đuống sẽ không thể thực hiện được nghĩa vụ với WHAUP (SG) 2DR là rất cao. Có ý kiến cho rằng, có lẽ WHAUP cũng chờ các doanh nghiệp của Shark Liên vi phạm các thỏa thuận để tiện đường “tháo chạy”, trong bối cảnh dự án vướng nhiều lùm xùm, và dàn lãnh đạo TP. Hà Nội nhiệm kỳ trước đều không còn tại vị.
Linh Đan