Gần đây nhất, cổ đông nắm giữ cổ phiếu JVC của công ty Thiết bị Y tế Việt Nhật chẳng biết vì sao bị bán tháo mỗi phiên hàng chục triệu cổ phiếu chất giá sàn. Sau nhiều phiên giảm sàn liên tiếp, giá cổ phiếu rớt tới vài chục phần trăm, vẫn chẳng có thông tin gì được phát đi từ phía JVC. Nhưng rồi, cuối cùng sự thật phũ phàng cũng xuất hiện: ông Lê Văn Hướng – Thành viên Hội đồng quản trị, nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc của JVC, đang bị tạm giam để phục vụ điều tra, làm rõ một số sai phạm cá nhân.
Tụt dốc thê thảm
Trong vụ bắt bớ này, nhà đầu tư là người chịu thiệt hại nặng nề nhất khi giá cổ phiếu sụt giảm hơn 100% trong thời gian ngắn. Tài sản nghìn tỷ bị bốc hơi nhanh chóng và nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này vẫn đang ngồi trên đống lửa. Chẳng ai bảo vệ họ cả. Chẳng có một phép màu nào đó xảy ra với JVC, giá cổ phiếu này vẫn bị bán sàn hàng triệu, mà chẳng ai đủ khả năng cứu giá khi thanh khoản bắt đầu bế tắc hơn.
Với những cổ phiếu này, càng mua càng dính vào những điểm chết, nên nhiều nhà đầu tư chấp nhận buông. Đặc biệt là đối với những nhà đầu tư nhỏ lẻ thì không thể nào đua lệnh được với những tay to khi lượng hàng kẹt margin đang chết rất lớn.
Trước bài học của JVC thì tốt nhất nên tránh những cổ phiếu vướng vào vòng lao lý. Bởi càng mua thì càng chết. Thực tế chứng minh, rất nhiều cổ phiếu rớt không biết đâu là đáy cả. OGC từ mức cao trên mệnh giá, nhiều người muốn bắt đáy, thâu tóm công ty nhưng rồi lại phải ngậm đắng, nuốt cay rơi vào chu kỳ "mua rồi chết" (buy and die). Giờ giá cổ phiếu này đang ngụp lặn ở mốc hơn 2.000 đồng/cổ phiếu. Các điểm hỗ trợ mà nhà đầu tư mua vào rồi lại phải bán ra nhanh chóng trong thời gian ngắn để cắt lỗ. Hay như DVD khi Tổng giám đốc bị bắt, các quỹ ngoại bán đổ bán tháo thì nhà đầu tư trong nước hi vọng bắt đáy. Cuối cùng thì nhà đầu tư mất trắng.
![]() |
Cổ phiếu của JVC rớt giá thê thảm
Với JVC, việc giảm giá sàn liên tiếp chắc chắn sẽ còn kéo dài cho tới khi chẳng ai muốn bán hoặc có một nguồn tài chính cực mạnh nào đó đổ vào ngăn đà giảm giá. Tuy nhiên, tâm lý chẳng ai muốn nắm cổ phiếu xấu để hy vọng kiếm lời mà chỉ mong cắt lỗ mà thôi. Nhà đầu tư sẽ bán đến khi nào chán nản nhất thì họ sẽ dừng lại. Vì vậy, các điểm mua hỗ trợ vẫn bị xem là điểm mua là chết. Họ chấp nhận "đứng hình" nhìn tài khoản tuột dốc không phanh. Sự ra đi vào nhà giam của các ông chủ kéo theo sự sụp đổ thê thảm của giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của các công ty này.
Đừng mạo hiểm…
Mặc dù Ban lãnh đạo mới của công ty JVC cam kết sẽ đảm bảo mọi hoạt động kinh doanh diễn ra bình thường, để ổn định tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều "bất hạnh" nhất đối với nhà đầu tư là sự bội bạc, phũ phàng khiến giá sụt giảm mà họ phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Điều trớ trêu, chính ông Lê Văn Hướng là người ký văn bản gửi Uỷ ban Chứng khoán, Sở Tp. HCM và cổ đông cho biết doanh nghiệp này đang phải chịu tin đồn liên quan đến hoạt động và một dự án tại Bình Định của doanh nghiệp. Ông Hướng khẳng định công ty vẫn hoạt động bình thường và không nhận được khiếu nại liên quan đến dự án nêu trên. Một phiên giao dịch kỷ lục được xác lập, nhiều nhà đầu tư lớn thoát hàng triệu cổ phiếu, còn những ai nhạy cảm về tin đồn thì đó lại là sự thật quá phũ phàng?
Sau khi tin ông Hướng bị bắt được phát đi, công ty JVC đã có động thái công bố về việc đại diện cổ đông Nhật Bản được bổ nhiệm vào chức danh Chủ tịch HĐQT – ông Kyohei Hosono, là đại diện của quỹ DI Asian Industrial Fund sẽ thay thế ông Hướng nắm giữ chức danh Chủ tịch HĐQT của JVC kể từ 21/6/2015, nhưng giá cổ phiếu này vẫn lao dốc không phanh.
Trước vụ JVC, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc của KSS ông Nguyễn Văn Dĩnh cũng bị Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Bắc Kạn bắt giữ, khiến giá cổ phiếu này đã rớt lại càng thê thảm hơn. KSS liên tục giảm kịch sàn với dư bán hàng triệu cổ phiếu. Rất nhiều nhà đầu tư lọc lõi trên sàn chứng khoán đã thua lỗ nặng nề, thậm chí phá sản vì nắm giữ những cổ phiếu này. Và điều đáng sợ nhất là lệnh bán chồng chất cả chục triệu cổ phiếu trong khi có rất ít người mua, đó là khoảng trống khủng khiếp mà những ai nắm giữ cổ phiếu chết từng trải qua.
Kinh nghiệm cho thấy là nên bán nhanh và mạnh nhưng cổ phiếu mà chủ doanh nghiệp vướng vào lao lý. Vì càng nắm giữ, thì các điểm chết bất lợi càng xuất hiện mà chẳng ai có thể kiểm soát được. Nếu không thua lỗ ngày càng lớn và cái giá phải trả là rất đắt. Đừng quá mạo hiểm với đồng tiền của mình mà bị cuốn vào vòng xoáy thua lỗ chết người của thị trường.
Lê Thuận