Giao dịch được thực hiện từ 15/1 đến 20/1/2025. Tạm tính theo thị giá đóng cửa, vị Tổng Giám đốc này đã thu về khoảng 27 tỷ đồng.
Không riêng ông Vũ, trước đó, 2 Phó Tổng Giám đốc là ông Trương Ngọc Dũng và ông Nguyễn Khắc Sinh vừa đăng ký bán ra lần lượt 62.097 cổ phiếu và 61.670 cổ phiếu. Nếu giao dịch thành công, ông Dũng và ông Sinh mỗi người sẽ còn nắm giữ 100.000 cổ phiếu PDR, tương đương tỷ lệ sở hữu 0,11%.
Tổng Giám đốc Phát Đạt đã thoái sạch vốn tại doanh nghiệp. |
Động thái bán ra của lãnh đạo Phát Đạt ghi nhận trong bối cảnh cổ phiếu này đang có chuỗi giao dịch khá ảm đạm khi giảm về mức thấp nhất gần 5 tháng. So với vùng giá sát 30.000 đồng từng đạt được hồi tháng 4/2024 thì tới hiện tại, thị giá PDR đã mất gần 40% giá trị.
Đáng nói, việc dàn lãnh đạo cấp cao đua nhau thoái vốn tại Phát Đạt bất chấp "sức khỏe" doanh nghiệp lóe lên tia sáng khi dự án trọng điểm của Phát Đạt là Khu đô thị Bắc Hà Thanh kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Ngoài dự án Khu đô thị Bắc Hà Thanh, Phát Đạt đang triển khai loạt dự án lớn như Q1 Tower (Quy Nhơn, Bình Định); Khu Phức hợp Thương mại dịch vụ Như Nguyệt (Đà Nẵng); Khu nhà ở phức hợp Thuận An 1&2 (Bình Dương); Khu phức hợp nghỉ dưỡng Poulo Condo (Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu); Khu thương mại dịch vụ Serenity Phước Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu)…
Các dự án này ước tính mang về tổng doanh thu 50.000 tỷ đồng cho Bất động sản Phát Đạt từ nay đến năm 2027. Trước sự suy giảm của cổ phiếu, nhất là sau khi lãnh đạo Phát Đạt đồng loạt bán ra gây tác động tiêu cực, doanh nghiệp đã phải lên tiếng về động thái này.
Phát Đạt cho biết, các lãnh đạo đăng ký giao dịch bán cổ phiếu ESOP đã mua từ 3 năm trước để phục vụ các nhu cầu cá nhân dịp cuối năm.
"Các giao dịch bán cổ phiếu ESOP là hoạt động bình thường của các cá nhân, không liên quan hay ảnh hưởng đến nhiệm vụ, hay chức trách, vị trí trong cơ cấu nhân sự của các nhân sự này tại Phát Đạt. Đây cũng là các lãnh đạo chủ chốt, đã gắn bó lâu năm và hiện đang cùng tập thể công ty triển khai các dự án trong kế hoạch phát triển", Phát Đạt khẳng định.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý III/2024, Phát Đạt ghi nhận doanh thu thuần đạt 2,6 tỷ đồng, giảm đến 99% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, doanh thu tài chính 194 tỷ đồng, tăng mạnh so với 550 triệu đồng cùng kỳ, chủ yếu là lãi chuyển nhượng cổ phần công ty liên kết. Nhờ đó, Phát Đạt vẫn có lãi ròng 51 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng năm 2024, Phát Đạt ghi nhận doanh thu thuần đạt 173 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 154 tỷ đồng.
Năm 2024, Phát Đạt đặt mục tiêu doanh thu 2.982 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 880 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, công ty thực hiện được 6% chỉ tiêu doanh thu và gần 18% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tính đến ngày 30/09/2024, tổng tài sản của ghi nhận 22.663 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó, hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 12.854 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng tài sản. Hàng tồn kho gấp gần 3 lần giá trị tổng khoản nợ vay ngắn hạn và dài hạn 4.415 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn 1.366 tỷ đồng và nợ vay dài hạn 3.049 tỷ đồng. Nợ phải trả ghi nhận hơn 11.606 tỷ đồng, thay đổi không đáng kể so với cùng kỳ. Tại danh mục nợ ngắn hạn, trả trước người bán 2.777 tỷ đồng, tăng mạnh 313%.
Châu Anh