Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức thành công phiên đấu giá hơn 1,87 triệu cổ phần của CTCP Du lịch Kim Liên – đơn vị sở hữu khách sạn Kim Liên, tương ứng 26,9% do Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GPBank) sở hữu.
Với mức giá khởi điểm 305.053 đồng/cp, tổng số tiền ngân hàng dự kiến thu về từ đợt đấu giá này hơn 570 tỷ đồng.
Màn trả giá quyết liệt
Kết thúc phiên đấu giá, có ba nhà đầu tư gồm một tổ chức và hai cá nhân đặt mua số cổ phần này với giá bằng giá khởi điểm 305.053 đồng/cổ phiếu. Trong đó, nhà đầu tư tổ chức đăng ký mua 765.200 cổ phần và hai cá nhân đăng ký mua tổng cộng 1,1 triệu cổ phần.
Đây là mức giá cao hơn nhiều so với mức giá mà Thaigroup của ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) đưa ra để mua 52,4% cổ phần khách sạn này.
Còn nhớ, hồi cuối năm 2015, tại phiên đấu giá trọn lô hơn 3,6 triệu cổ phần khách sạn Kim Liên do SCIC sở hữu giá khởi điểm 30.600 đồng/cổ phần đã thu hút sự tham gia của 36 nhà đầu tư, lượng cổ phần đăng ký mua cũng gấp 36 lần lượng chào bán.
Nhiều tên tuổi lớn xuất hiện như REE, Hanoitourist, PTI, GP Invest…nhưng chiến thắng đã thuộc về ThaiGroup của ông Nguyễn Đức Thụy hay còn được biết đến với tên gọi khác là “bầu Thụy”.
Cụ thể, ThaiGroup đã đặt lệnh mua trọn lô cổ phần với giá cao nhất lên đến 274.200 đồng/cổ phần – gấp hơn 9 lần so với mức giá khởi điểm, tương đương tổng giá trị lô cổ phiếu lên tới 1.000 tỷ đồng.
Sau khi về tay bầu Thụy, khách sạn Kim Liên đã công bố có lãi trở lại với mức lãi 7,5 tỷ và 8,9 tỷ tương ứng trong năm 2016 và 2017.
Mặc dù đã có lãi nhưng tính đến cuối năm 2017, lỗ lũy kế của công ty vẫn còn 17,3 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp giảm xuống chỉ còn 14,5% từ mức 27% của năm 2015.
Hiện, danh tính của các nhà đầu tư đã mua số cổ phần khách sạn Kim Liên mà GPBank chào bán vẫn chưa được công bố. Nhưng có nhiều đồn đoán rằng khả năng ThaiGroup hoặc các cổ đông còn lại sẽ là đối tượng mua cổ phần trên, mà không phải là cổ đông bên ngoài. Bởi, với tình hình kinh doanh èo uột, giá khởi điểm lên đến 305.053 đồng một cổ phiếu là con số khó chấp nhận với nhà đầu tư.
Ngoài GPBank và ThaiGroup, cơ cấu cổ đông của CTCP Du lịch Kim Liên còn có công ty Tài chính Bưu điện và CTCP Đầu tư Dầu khí Toàn cầu với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 6,7% và 6,6% vốn của công ty này.
Đây được coi là một trong những mảnh đất vàng lớn còn sót lại của 4 quận nội thành Hà Nội và là sức hút lớn với rất nhiều nhà đầu tư |
Đất vàng, thủ tục vẫn …khoai
Sau hơn hai năm, phiên đấu giá cổ phần của Khách sạn Kim Liên tuy không gay cấn bằng lần trước, nhưng về mức độ “hot” thì vẫn còn nguyên thông qua việc gần như toàn bộ số cổ phần đã được bán hết, cho thấy sức hút của khu đất vàng mà khách sạn này sở hữu vẫn còn rất lớn.
Được biết, CTCP Du lịch Kim Liên hiện có vốn điều lệ là hơn 69,5 tỷ đồng, lợi thế của doanh nghiệp này là khách sạn Kim Liên tọa lạc trên khu đất rộng 3,5 ha tại vị trí đắc địa của thủ đô Hà Nội, với hai mặt tiền trên hai tuyến phố sầm uất là Đào Duy Anh và Phạm Ngọc Thạch.
Đây được coi là một trong những mảnh đất vàng lớn còn sót lại của 4 quận nội thành Hà Nội và là sức hút lớn với rất nhiều nhà đầu tư.
Khu đất này được UBND Tp. Hà Nội quyết định cho CTCP Du lịch Kim Liên thuê dài hạn, với thời hạn thuê đất là 50 năm kể từ năm 1993 đến năm 2043. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, thời hạn thuê đất hiện chỉ còn 25 năm.
Đáng chú ý, tiềm năng của khu đất vàng này không phải nằm tại 437 phòng nghỉ, trong đó có 324 phòng đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên của khách sạn Kim Liên, mà chỉ cần một phần trong 3,5ha đất này được chuyển đổi thành dự án bất động sản, sẽ mang lại nguồn thu “khủng” cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, về mặt pháp lý, khu đất này muốn sử dụng vào mục đích kinh doanh bất động sản thì cần chuyển đổi chức năng thành đất hỗn hợp bao gồm dịch vụ, thương mại, văn phòng, nhà ở.
Về vấn đề này, tại phiên đấu giá hồi cuối năm 2015, lãnh đạo của một doanh nghiệp tham gia đấu giá đã có chia sẻ rằng tài sản đáng giá nhất của khách sạn Kim Liên là quyền khai thác thương mại trên lô đất 3,5ha, trong trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở thành tổ hợp nhà ở thì quy mô vốn đầu tư cũng rất lớn, xác suất chịu lỗ của chủ đầu tư là cao.
Sau khi mua lại hơn 52% cổ phần từ SCIC, ThaiGroup đã định hướng phát triển khách sạn Kim Liên trở thành khu phức hợp cao cấp, là điểm nhấn của khu vực Nam Hà Nội, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, hai năm trôi qua, khách sạn Kim Liên chưa thực sự lột xác như kỳ vọng của nhà đầu tư. Hơn nữa, theo điều lệ được sửa đổi của công ty, vẫn còn nhiều chủ trương đòi hỏi phải được sự thông qua của 65%-75% số cổ phần được biểu quyết.
Do đó, nếu mua được số cổ phần từ GPBank, ThaiGroup sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 80% vốn, ThaiGroup sẽ có nhiều quyền chi phối và có thể quyết định được nhiều vấn đề quan trọng trong hoạt động của khách sạn Kim Liên.
Linh Đan