Trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng (1-5/3), thị trường chứng khoán Việt Nam rơi vào trạng thái lình xình không rõ xu hướng. Theo nhận định của Công ty chứng khoán Phú Hưng, nhịp giằng co này có thể chỉ nhằm củng cố cho xu hướng chính là hồi phục được bền vững hơn và chỉ số vẫn còn cơ hội tiến lên thử thách ngưỡng 1.200 điểm.
Nhiều yếu tố hỗ trợ
Thực tế, báo cáo chiến lược thị trường tháng 3/2021 của một số công ty chứng khoán khác đều nhận định, chỉ số Vn-Index sẽ có cơ hội vượt mốc 1.200 điểm ngay trong tháng 3. Cơ sở của nhận định này đến từ sự tích cực của các yếu tố vĩ mô đã và đang hỗ trợ thị trường chứng khoán kể từ đầu năm đến nay.
Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào tháng 3 với nền giá tương đối cao và dòng tiền khổng lồ. |
Theo đó, đầu tiên phải kể đến việc dòng tiền sẽ quay trở lại mạnh hơn. Trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 3, dù dòng tiền chưa phải là quá mạnh so với thời điểm 1-2 tháng trước Tết nhưng giá trị thanh khoản bình quân mỗi phiên trên sàn HoSE đã tăng 1,37% so với 5 phiên trước đó, còn trên HNX là 14,47%.
Đồng thời, việc kiểm soát dịch bệnh ở một số nơi đang dần đi vào ổn định. Các địa phương như TP.HCM, Gia Lai có số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng khá lớn nhưng trong hơn 10 ngày qua không phát sinh thêm ca bệnh mới. Cùng với đó là những thông tin tích cực liên quan đến vắc xin cũng được xem là yếu tố tác động mạnh đến diễn biến thị trường chứng khoán.
Ông Võ Văn Cường - Giám đốc đầu tư của Công ty chứng khoán Everest cho biết, yếu tố tăng trưởng kinh tế dự báo sẽ tích cực trong quý I/2021 là động lực chính giúp tâm lý nhà đầu tư lạc quan và thúc đẩy thị trường tăng điểm.
Đáng chú ý, trong tháng 3, có hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng đổ bộ lên sàn chứng khoán theo hạn chót quy định của Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025". Theo đó, toàn bộ các ngân hàng thương mại phải đưa cổ phiếu niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức.
Nhóm cổ phiếu này luôn được đánh giá là “cổ phiếu vua” góp phần quan trọng nâng đỡ chỉ số Vn-Index tiến sát mốc 1.200 điểm trong thời gian qua. Tại báo cáo mới đây, JP Morgan đánh giá cổ phiếu ngân hàng Việt Nam hấp dẫn, đáng để nắm giữ nhất trong khu vực ASEAN.
Các chuyên gia của JP Morgan dự báo tốc độ tăng trưởng EPS bình quân trong giai đoạn 2020-2023 của ngành ngân hàng Việt Nam đạt mức 16%. Điều này sẽ dẫn tới kỳ vọng giá cổ phiếu tăng từ 8-42% trong suốt năm và có thể là cao hơn trong 3 năm tới.
Vẫn còn những thách thức
Bên cạnh những nhận định tích cực, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vẫn cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang phải đối mặt với rủi ro ngắn hạn đến từ các yếu tố trong và ngoài nước.
Theo đó, rủi ro đầu tiên là sự biến động của thị trường chứng khoán toàn cầu (như sự trở lại của lạm phát, đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ, chỉ số tại một số thị trường chứng khoán lớn đi xuống) có thể ảnh hưởng tới thị trường trong nước.
Thống kê cho thấy, khá nhiều cổ phiếu vẫn tiếp tục tăng lên vùng cao mới kể từ khi Vn-Index chạm mốc 1.200 điểm. Trong đó, cổ phiếu ngân hàng trở thành trụ cột hỗ trợ thị trường, nhưng đã có mức giá không còn rẻ.
Trong bối cảnh như vậy, khối ngoại vẫn liên tiếp bán ròng với cường độ tương đối mạnh. Đây là một điều khá bất ngờ và trái với quy luật hàng năm. Thông thường giai đoạn đầu năm, dòng vốn ngoại luôn chảy mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu thông qua quỹ ETF.
Nếu thị trường chứng khoán toàn cầu điều chỉnh trở lại, lợi suất trái phiếu Mỹ tiếp tục tăng mạnh, thì thị trường chứng khoán Việt Nam khó duy trì đà tăng. Cần thấy rằng lạm phát 2 tháng đầu năm nay, đặc biệt tháng 2 tăng tương đối mạnh.
Rủi ro thứ hai được VDSC đánh giá là rào cản chính đối với sự đi lên của thị trường, là việc hệ thống giao dịch bị quá tải khi giá trị giao dịch đạt khoảng 14.000 tỷ đồng/phiên bất chấp đã có nhiều nỗ lực được thực hiện như nâng lô giao dịch chẵn tối thiểu từ 10 lên 100 cổ phiếu (bắt đầu từ tháng 1/2021).
VDSC cho rằng, đây là một rào cản không nhỏ và có thể hạn chế đà tăng của chỉ số Vn-Index khi các nhà đầu tư mới sẽ gặp khó khăn trong việc giao dịch.
Đồng quan điểm, ông Đào Tuấn Trung - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích, Công ty chứng khoán Vietinbank cho rằng, còn khá sớm để có thể đưa ra kết luận hay nhận định về diễn biến của thị trường trong giai đoạn tới khi hiện tượng nghẽn lệnh, sai lệnh vẫn đang đeo bám dai dẳng.
“Hiện tại, các nhà đầu tư đang kỳ vọng việc áp dụng hệ thống giao dịch KRX của Hàn Quốc sẽ giải quyết triệt để vấn đề quá tải về lệnh đặt. Tuy nhiên, việc áp dụng chính thức hệ thống mới cũng còn khá xa (cuối năm 2021)”, các chuyên gia VDSC đánh giá.
Minh Khuê