Tính đến cuối tháng 9/2022, số lượng cổ phiếu có thị giá dưới 5.000 đồng trên cả tam sàn đã tăng gần gấp đôi so với đầu năm.
Cổ phiếu rẻ hơn “trà đá, mớ rau” ngập tràn
Trước đó, tại thời điểm 31/12/2021, toàn thị trường có 117 cổ phiếu “trà đá” nhưng chủ yếu đang giao dịch trên UPCoM. Trên HNX có 2 cổ phiếu niêm yết là ACM và LCS, còn trên HoSE vắng bóng hoàn toàn “ba chữ cái” có thị giá dưới 5.000 đồng/cp.
Chuyên gia cho rằng, đã đến giai đoạn “xuống tiền”, nhưng cần chú ý những điều kiện đi kèm. (Ảnh minh họa) |
Sau 9 tháng biến động không ngừng, hiện số lượng cổ phiếu giá rẻ trên toàn thị trường đã tăng lên thành hơn 200 mã, trong đó có 50 cổ phiếu đang niêm yết, bao gồm một loạt cái tên từng gây “bão” với thị trường trong năm 2021 như: “họ” FLC (FLC, ROS, HAI, AMD, KLF), “họ” Louis (BII, TGG), cùng một số cổ phiếu gây “choáng váng” có thể kể đến: HQC, HAR, PVL, TNI, JVC, VKC, KMR,... Tất cả những mã này đều rơi về dưới 5.000 đồng/cp, “rẻ” hơn cả mớ rau, cốc trà đá.
Sự sụt giảm mạnh trong thời gian qua còn khiến 540 cổ phiếu về dưới mệnh giá, tăng thêm hơn 200 mã so với cuối năm ngoái. Điển hình như một loạt “siêu cổ”: FIT, TSC, HNG, ITA, SJF, TVB, POM, DAH, HBS, QCG, LDP, TLH, SCR,...
Không chỉ vậy, trong câu lạc bộ 100 (thị giá 3 chữ số), số lượng cổ phiếu đã ít này càng thêm hiếm. Những cái tên đình đám một thời như L14, THD, DGC, RAL, FRT, VCS, CTD, SSH, MCH,... lần lượt rụng khỏi nhóm cổ phiếu “đắt đỏ” nhất sàn. Cũng phải lưu ý một điều, nhiều cổ phiếu ảnh hưởng bởi thị trường chung sụt giảm và một phần bị điều chỉnh sâu do đến từ các đợt phát hành, chia thưởng,...
Có thể thấy, thị trường đang diễn biến trái ngược với tất cả dự đoán hồi đầu năm cho năm 2022. Bởi thực tế còn quá nhiều biến số không lường trước được. Với P/E thị trường hiện nay thì VN-Index ở vùng 1.200-1.300 điểm là phù hợp nhưng với lộ trình của Fed, nhiều chuyên gia cho rằng chứng khoán Việt sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Theo EVS Research, thị trường vẫn sẽ tiếp tục quay trở lại xu hướng giảm bởi VN-Index vẫn chưa đủ động lực để thoát khỏi vùng đáy khi lực cầu vẫn chưa xuất hiện.
Như vậy, nếu thị trường tiếp tục giảm, số lượng cổ phiếu “trà đá”, dưới mệnh giá chắc chắn sẽ không ngừng tăng. Nhưng ngược lại, chắc chắn sẽ có vài cổ phiếu ngược dòng thị trường, nhiều cái tên sẽ có thể rũ bỏ cái danh “trà đá”, thậm chí vượt mệnh giá nhờ câu chuyện riêng. Vấn đề là nhà đầu tư cần biết thẩm định và chắt lọc kỹ càng.
Tìm đúng “long mạch”
Giới phân tích nhìn nhận, Việt Nam đang được đánh giá “khéo” trong điều hành chính sách, nhưng nhìn chung xu hướng TTCK trong thời gian tới sẽ tiếp tục khó lường trong bối cảnh điều kiện vĩ mô chưa thuận lợi, không rõ ràng. Nền kinh tế cùng một lúc chịu nhiều yếu tố bất định. Theo đó, thị trường sẽ xảy ra hiện tượng thanh lọc. Trong nguy có cơ, TTCK suy giảm sẽ mang tới cơ hội đầu tư dài hạn, nhưng cũng cần định giá kỹ.
“TTCK vẫn sẽ có những nhịp tăng - giảm, có sự phân hoá giữa các nhóm ngành và chính các cổ phiếu trong từng nhóm ngành. Nhà đầu tư cần chắt lọc, thẩm định kỹ hơn. Các doanh nghiệp đầu ngành sẽ được lưu ý hơn do có sức khoẻ tài chính tốt”, ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc phân tích cổ phiếu SSI Research đánh giá.
Với cương vị là người đầu tư và quản lý tài sản cũng như phân bổ tài sản cho khách hàng, ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập CTCP FIDT dự báo, VN-Index có thể hồi phục lên tầm 1.300 điểm vào cuối quý IV/2022. Do đó, ông đặc biệt ưa thích giai đoạn này. Bởi theo ông đây là giai đoạn lựa chọn hàng tốt, lợi thế thuộc về người mua, là giai đoạn có thể giúp nhà đầu tư đổi đời nếu tìm đúng “long mạch”.
Tương tự, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK Đông Á cho rằng, hiện tại là giai đoạn nhà đầu tư có thể chọn nhóm cổ phiếu phù hợp để đầu tư dài hạn, trong khi nhiều cổ phiếu đã giảm về vùng hỗ trợ.
Trong khi đó, ông Petri Deryng, người đứng đầu Pyn Elite Fund nhận định, nền kinh tế ổn định và triển vọng thu nhập bền vững của Việt Nam sẽ thúc đẩy TTCK nhanh chóng tăng trở lại, một khi bất ổn lắng xuống. Vì vậy ông khuyến nghị nhà đầu tư nên lựa chọn danh mục một cách thận trọng với đầy đủ các cổ phiếu được mua ở mức định giá thấp.
Một số nguyên tắc hàng đầu để lựa chọn cổ phiếu mà các chuyên gia đưa ra, đó là cổ phiếu đó phải có tiềm năng lớn. Nếu nhà đầu tư thấy được tiềm năng thực sự có khả năng xảy ra trong 5 năm tới thì nên tích tụ cổ phiếu một cách yên lặng và chờ đợi.
Bên cạnh đó, cần lưu ý giá nào, thời điểm nào cần mua - bán, đặc biệt là nguyên tắc quản trị rủi ro nên được đặt lên ưu tiên hàng đầu. Nếu nhà đầu tư mua vì lý do nào thì cũng nên bán vì lý do đó.
Ngoài ra các chuyên gia cũng đưa ra một số nhóm ngành mà nhà đầu tư nên lưu ý trong giai đoạn tới. Đó là cổ phiếu của các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt, chính sách chia cổ tức bằng tiền hấp dẫn…
Bên cạnh đó là các nhóm ngành phòng thủ trong chu kỳ đầu tư, có thể nhắc đến một số ngành như tiện ích điện nước, bán lẻ, y tế, hạ tầng bất động sản - khu công nghiệp…
Ngoài ra, nhà đầu tư nên lưu ý nhất tới nhóm kỳ vọng hưởng lợi từ chính sách. Hiện tại, Việt Nam có lợi thế là tỷ lệ nợ công/GDP đang giảm nhiều, hiện chỉ 43% trong khi trần nợ công là 65%. Do đó, giai đoạn này, đầu tư công sẽ là động lực chính cho nền kinh tế trong nước. Bởi đầu tư công được ví là một bánh xe quan trọng trong “cỗ xe tam mã” kéo kinh tế đi lên.
Hải Giang