Việc Trung Quốc phá giá đồng nhân nhân tệ rất mạnh sẽ khiến cho hoạt động xuất nhập khẩu trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu tỷ giá tăng sẽ tác động tiêu cực đến lạm phát và gia tăng nợ công.
Ts. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nhận định đây là quyết định kịp thời để đáp lại việc phá giá đồng nhân dân tệ 3,5% của Trung Quốc. Việc nới rộng biên độ lần này đã đáp ứng mọi sức ép của thị trường xuất hiện gần đây, thúc đẩy xuất khẩu đặc biệt là xuất khẩu nông sản.
Nhập siêu sẽ tăng?
"Động thái của NHNN là quyết định hợp lý, để đảm bảo cạnh tranh và đảm bảo không bị nhập siêu hơn nữa. NHNN vẫn cần tiếp tục theo dõi để điều chỉnh phù hợp với biến động của tỷ giá trên thế giới", ông Doanh nhận xét.
Theo Ts. Nguyễn Trí Hiếu, quyết định của NHNN lần này sẽ tác động tích cực đối với các doanh nghiệp xuất khẩu và gây bất lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu có thể giữ nguyên giá bán USD và khi nhận được tiền thanh toán từ người mua từ nước ngoài, họ đổi ra tiền đồng thì nhận tiền đồng với lượng tiền lớn hơn. Hoặc thay vì bán giá USD như cũ với động thái tăng biên độ lần này, họ sẵn sàng hạ giá bán USD xuống, tăng khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu.
NHNN đã quyết định tăng biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-2%
"Tuy nhiên, với các doanh nghiệp nhập khẩu, họ phải mua lượng USD lớn hơn để thanh toán cho nhà xuất khẩu nước ngoài nên sẽ gặp khó khăn. Hàng hóa nhập khẩu tính ra tiền đồng giá sẽ cao hơn, đi vào giỏ hàng hóa của cả nước có thể làm tăng lạm phát", ông Hiếu dự báo.
Theo Ts. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), khi đồng nhân dân tệ bị phá giá, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc có thể sẽ giảm mạnh. Trước tiên là do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tại Trung Quốc giảm, dẫn đến nguyên vật liệu thô mà Việt Nam đang xuất khẩu sang quốc gia này có thể bị ảnh hưởng theo.
Thứ hai, hàng hóa Trung Quốc sẽ rẻ hơn khi đồng nhân dân tệ mất giá sẽ khiến nhập siêu từ Trung Quốc của Việt Nam thậm chí sẽ càng thêm trầm trọng. Hiện tại, theo số liệu mà Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) công bố, thâm hụt thương mại với Trung Quốc là 16,7 tỷ USD.
Biến động phức tạp hơn
Trung Quốc là đối tác chiếm tỷ trọng thương mại lớn của Việt Nam, việc điều chỉnh tỷ giá đồng CNY sẽ có tác động bất lợi tới nền kinh tế trong nước, nên NHNN đã đưa ra quyết định nới biên độ tỷ giá để tạo sự chủ động, linh hoạt cho tỷ giá trước các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế nêu trên, đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Trước đó, NHNN luôn tuyên bố sẽ duy trì tỷ giá biến động không quá 2% trong năm nay, và thực tế đã sử dụng hết "room" này trong nửa đầu năm. Sau quyết định của NHNN, sáng nay, các ngân hàng đồng loạt nâng tỷ giá, trong đó giá bán ra đều lên trên 22.000 đồng, sát với mức trần cho phép.
Trên thị trường chứng khoán, nhiều chuyên gia cảnh báo thị trường sẽ chịu nhiều yếu tố tác động rất phức tạp từ rủi ro tỷ giá đối với các NĐT nước ngoài tăng, tác động trực tiếp đến dòng vốn đổ vào thị trường. Tuy nhiên, mức tác động cũng không quá tiêu cực khi mọi thứ vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
CTCK MB (MBS) đã nghiên cứu, đánh giá nhanh tác động giảm giá của đồng nhân dân tệ. Theo đó, sự ổn định của đồng CNY trước đây giúp thị trường tiền tệ khu vực giảm bớt trước lo ngại mạnh lên của đồng USD. Tuy nhiên, nguy cơ đồng NDT tiếp tục yếu hơn sẽ là áp lực giảm giá cho các đồng tiền châu Á khác. Thị trường tiền tệ giảm giá tác động xấu đến thị trường chứng khoán trong nước.
Theo các chuyên gia, việc phá giá gần 3,5% (2 ngày liên tiếp) là rất mạnh. Hàng hóa của Trung Quốc đã rất rẻ, nay sẽ rẻ hơn, nên khả năng họ đẩy mạnh xuất khẩu là rất cao để xâm nhập và cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam.
Các doanh nghiệp niêm yết trên sàn có các khoản nợ nước ngoài bằng USD khi phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tỷ giá cuối năm. Các doanh nghiệp phải nhập khẩu phần lớn nguyên vật liệu từ nước ngoài và chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước cũng chịu tác động từ việc thay đổi tỷ giá khi chi phí đầu vào gia tăng.
"Nhóm ngành ảnh hưởng bất lợi trong hoạt động thương mại là nhóm sản phẩm tiêu dùng, sắt thép, phân bón (cạnh tranh với hàng nhập từ TQ) và nhóm nông lâm thủy sản, khoáng sản, cao su xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngược lại, một số ngành gia công xuất khẩu có thể được hưởng lợi do giá nguyên vật liệu đầu vào giảm như dệt may, da giầy hoặc giá nhập giảm như kinh doanh xe tải" – nhóm nghiên cứu của MB nhận định.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ trực tiếp và có kết hợp sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước sẽ được hưởng lợi từ việc điều chỉnh tỷ giá. Việc điều chỉnh VND giảm giá so với USD cũng sẽ khiến VND giảm giá so với các ngoại tệ khác như Euro và Yen. Do đó các công ty có các khoản vay bằng Yen và Euro cũng có khả năng chịu tác động tiêu cực.
Lê Thuận