Công ty 584 chính thức bị huỷ niêm yết vì không thể kiểm toán được báo cáo tài chính cũng như kết quả hoạt động kinh doanh năm 2012. Đồng thời đơn vị kiểm toán cũng đưa ra hàng loạt hạn chế về vi phạm kiểm toán và xử lý kế toán. Trong năm 2012, NTB đã lỗ 67 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận sau thuế âm 42.5 tỷ đồng.
Vạch sẵn kịch bản thua lỗ?
Vào năm 2007, NTB vẫn thua lỗ hơn 3 tỷ đồng, nhưng 2 năm sau lại có lãi đột phá lớn lên tới 75 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, bảo đảm quy định niêm yết trước khi lên sàn. Ngay sau khi đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HoSE, vào giữa năm 2010, kết quả kinh doanh sụt giảm gần phân nửa, xuống còn 39 tỷ đồng. Và 2 năm sau đó là đi vào kịch bản thua lỗ, nặng nhất là vào năm ngoái là 67 tỷ đồng, khiến kiểm toán đành bó tay.
Dư luận nghi ngờ đây là kịch bản mà NTB tính toán sẵn trước khi lên sàn để cổ đông lớn nhanh tay thoái vốn, bỏ của chạy lấy người. Bởi thời kỳ "huy hoàng" với lợi nhuận cao trước khi niêm yết là nhờ NTB hạch toán một phần lợi nhuận thu khoảng hơn 100 tỷ đồng do chuyển nhượng quyền góp vốn 2 dự án là Khu dân cư - Căn hộ cao cấp 584 Lilama SHB Plaza và 584 Lilama SHB Building.
Sau 3 năm niêm yết, NTB đã tạo được nhiều "tiếng vang" lớn từ kết quả kinh doanh ngày càng bết bát, đồng thời "chơi trội" khi tuyên bố ra tay cứu Thủy sản Bình An (BAF) với khoản tiền vượt cả vốn điều lệ (500 tỷ đồng) hồi tháng 5/2012. Trong khi đó, vay và nợ ngắn, dài hạn đến cuối năm 2012 của NTB là 1,280 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương cũng chỉ còn hơn 1 tỷ đồng, hàng tồn kho lên tới 1.176 tỷ đồng.
![]() |
Công ty 584 từng được biết đến là DNNN làm ăn thua lỗ triền miên
Trước đó, ngay sau khi lên sàn, SHS tiến hành thoái vốn của mình khi bán ròng 934.775 cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu từ hơn 9% xuống còn 1,4%. Cùng thời điểm, Công ty CP Tập đoàn T&T, là cổ đông chiến lược của SHB (ngân hàng mẹ của SHS), cũng bán 2,5 triệu cổ phiếu, nhiều cổ đông khác cũng nhanh chân thoái vốn. Kể cả bà Trần Thị Hường, giảm một nửa số lượng cổ phần nắm giữ và từ nhiệm HĐQT NTB. Còn ông Trần Kim Minh, Chủ tịch HĐQT, sau nhiều lần đăng ký bán, mua, có khi không nắm giữ 1 cổ phiếu NTB, có khi lại sở hữu gần 9 triệu cổ phiếu (22,38%). Và đến tháng 2/2013, chỉ còn nắm vỏn vẹn 24.753 cổ phiếu.
Đây gần như là kịch bản được vạch sẵn là công bố lợi nhuận cao, đột biến để lên sàn với mức giá hấp dẫn rồi bằng mọi giá thoái vốn để thu về lợi nhuận. Chỉ tội nghiệp cổ đông nhỏ, cứ tưởng ngon ăn nhảy vào ôm cổ phiếu NTB để rồi phải ôm trái đắng. Giá cổ phiếu NTB đã lao dốc từ 37.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 2.500 đồng/cổ phiếu.
Công ty 584 từng được biết đến là doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ triền miên, nên khi cổ phần hóa, tài sản đất đai còn rất nhiều, nhưng được định giá rẻ như bèo. NTB từng tự hào là đơn vị thi công dự án lớn và hoành tráng mang tên Diamond Bay (Nha Trang) của Công ty Hoàn Cầu, do gia đình bà Tư Hường làm chủ đầu tư, mà theo ông Trần Kim Minh, dự án này có giá trị gần 7 triệu USD. NTB cũng thường xuyên có những khoản vay với NamABank mà gia đình bà Tư Hường nắm giữ tới 25% cổ phần. Tính đến cuối năm 2012, NTB vẫn đang còn dư nợ vay ngắn hạn tại NamABank 87 tỷ đồng.
"Xẻ thịt" thành công NTB
Trước khi lên sàn, NTB nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư khi nắm trong tay hàng loạt dự án bất động sản công ty đang hoặc phối hợp thực hiện tiêu biểu như: Khu căn hộ cao tầng Sacomreal-584; Khu dân cư và căn hộ cao tầng 584 Tân Kiên; Khu căn hộ cao cấp Điện Biên Phủ; Khu căn hộ cao tầng Lê Đức Thọ-584; Khu căn hộ cao cấp Thảo Điền; Dự án cao ốc khách sạn kết hợp Trung tâm Thương mại và Văn phòng cho thuê, Dự án Khu căn hộ cao tầng Anpha…
Thực tế, NTB nắm rất nhiều đất, nhiều dự án, nhưng không đủ khả năng triển khai xây dựng hoặc làm ăn ẩu dẫn đến nhiều bất ổn. Năm 2012, Công ty ký hợp đồng xây dựng cao ốc thương mại - văn phòng tại 158 Võ Văn Tần, với tổng trị giá 648 tỷ đồng. Mặc dù chưa triển khai, nhưng Công ty đã thanh toán cho nhà thầu phụ 674,5 tỷ đồng, vượt giá trị đã ký với chủ đầu tư. Trong khi đó, một số khoản phải thu, phải trả và tiền gửi ngân hàng không được đối chiếu, nên kiểm toán cũng đành bó tay.
Các khoản tiền gửi ngân hàng, tạm ứng, phải thu từ vài trăm triệu cho tới hàng trăm tỷ như phải thu khác 100% tương ứng 530 tỷ đồng; phải thu khách hàng 99,74% tương ứng 51 tỷ đồng; người mua trả tiền trước 100% tương ứng 343 tỷ đồng… cũng không được hạch toán rõ ràng.
Nhiều dự án mang thế chấp tại ngân hàng nhưng Công ty đang không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi theo cam kết tại hợp đồng tín dụng. Đến thời điểm khóa sổ các món vay thuộc dự án này đã quá hạn 246 tỷ đồng. Việc các dự án này có bị giải chấp hay không sẽ phụ thuộc vào các tổ chức tín dụng.
Như vậy, lịch sử kinh doanh, niêm yết trên sàn của NTB chẳng có gì sáng sủa. Là một doanh nghiệp nắm rất nhiều dự án đất đai được cổ phần hóa rẻ như cho, nhưng NTB không thể khai thác hiệu quả đành phải chấp nhận "xẻ thịt" từng dự án cho đối tác khác.
Cổ đông lớn đã cao chạy xa bay, chỉ còn lại kết cục buồn cho những cổ đông nhỏ ôm cổ phiếu với giá chỉ còn vài nghìn đồng, giờ bị hủy niêm yết có thể chúng sẽ thành giấy vụn.
Sơn Long