VN-Index đang giao dịch quanh 11.000 - 13.000 tỷ đồng/phiên, chưa bằng một nửa so với mức 30.000 - 40.000 tỷ hồi cuối năm 2021. Ngay cả trong những phiên VN-Index ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ, mức thanh khoản vẫn không tương ứng. Đáng chú ý, mức khớp lệnh của VN- Index rơi về vùng hơn 11.000 tỷ đồng trong phiên 23/5 cũng chính là mức thấp nhất trong vòng một năm qua.
Mất hút "phiên giao dịch trong mơ"
Theo chia sẻ mới đây của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán SSI, những phiên giao dịch cuối năm 2021 là những "phiên giao dịch trong mơ" của những người làm chứng khoán.
Mặc dù mức 14.000-17.000 tỷ đồng/phiên hiện nay đã giảm so với trước nhưng vẫn là con số lý tưởng, dù rằng nhiều người so với cuối năm 2021 thấy có gì đó rất “ghê gớm”.
“Thanh khoản giảm như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến các công ty chứng khoán, nhưng không thể lấy các điều kiện trong mơ như trên để áp vào đời thực mãi được. Con số 14.000 - 17.000 tỷ đồng/phiên vẫn là con số trong mơ”, ông Hưng nói.
Hiện tại, mức thanh khoản tỷ USD như cuối năm 2021 và đầu năm 2022 dường như mất hút. (Ảnh: Int) |
Trong khi đó, ông Vicente Nguyen, CIO AFC Vietnam Fund cho rằng, việc thanh khoản quay lại mốc trên dưới 1 tỷ USD/ngày là gần như không thể trong thời gian ngắn hoặc nếu có cũng chỉ là đột biến một vài phiên chứ không thể là xu hướng.
Ông lý giải, vào thời điểm thanh khoản bùng nổ trên dưới 1 tỷ USD/ngày thì việc đóng góp của dòng tiền đầu cơ là rất đáng kể. Đồng thời, việc giá trị danh mục gia tăng cũng làm cho giá trị thanh khoản phi mã.
Tuy nhiên, khi dòng tiền đầu cơ bị siết dẫn tới việc bán tháo trên thị trường chứng khoán (TTCK) để hoàn trả các khoản trái phiếu thì một lượng lớn dòng tiền đã bị rút ra khỏi TTCK, khiến thanh khoản giảm sút một cách đáng kể.
Hơn nữa, sau hàng loạt vụ bắt giữ liên quan đến thao túng TTCK, các "đội lái" hầu như không còn dám manh động như trước. Các giao dịch qua lại cũng giảm đi rõ rệt để trả lại bản chất của giao dịch.
"Thanh khoản hiện tại có vẻ mang tính bản chất hơn nhiều sau khi loại trừ đi hai yếu tố là dòng tiền đầu cơ và giao dịch qua lại lẫn nhau. Do đó, để thấy được một phiên thanh khoản tỷ USD, chúng ta cần phải có thời gian và những yếu tố nội tại tăng trưởng, như: số lượng nhà đầu tư tiếp tục tăng lên và lợi nhuận doanh nghiệp tăng cao giúp giá trị danh mục cải thiện, từ đó gia tăng giá trị thanh khoản", ông Vicente Nguyen đánh giá.
Trông chờ vào dòng tiền rẻ
Mặc dù thị trường được nhận định là khó có thể sớm trở lại mức giao dịch tỷ USD như trước, song nhìn theo hướng tích cực, một số chuyên gia vẫn cho rằng thanh khoản thị trường vẫn có những tia hi vọng.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết, thị trường đầu cơ giá lên trong suốt thời gian qua được xây dựng trên nền tảng lớn của nợ vay. Vì vậy, khi chính sách siết chặt thị trường trái phiếu và thanh tra, xử lý các sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán, cùng với đó là những bất ổn từ thị trường thế giới đã khiến TTCK Việt Nam rơi mạnh, vượt khỏi các tư duy thông thường của TTCK do làn sóng giảm quy mô nợ của các doanh nghiệp, nhà đầu tư tổ chức và cá nhân.
"Để thị trường ngừng rơi và thanh khoản cải thiện, quá trình giảm quy mô nợ của các doanh nghiệp, nhà đầu tư tổ chức và cá nhân trên cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu cần hoàn tất", ông Huy nhận định.
Mặt khác, ngày 20/5 vừa qua, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 31 về hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh vay vốn.
Cụ thể, khoảng 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước được dùng để hỗ trợ, tương ứng với khoảng 1 triệu tỷ đồng tín dụng nằm trong diện ưu đãi này (theo tính toán của Bộ Tài chính trước đó). Như vậy, từ năm 2009 đến nay, một lần nữa nền kinh tế Việt Nam lại đón chương trình kích cầu qua hỗ trợ lãi suất.
Còn nhớ, năm 2009 lịch sử, do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra năm 2008, nền kinh tế suy giảm, Chính phủ đã tung gói kích cầu cấp bù lãi suất 4%/năm với quy mô khoảng 1 tỷ USD.
Trước khi có gói kích cầu, TTCK Việt Nam đã có quãng lao dốc thảm khốc trong năm khủng hoảng 2008: chỉ số VN-Index mất tới 605,45 điểm, ứng với mức giảm tới 65,33%, chuyển sang năm 2009 ở mức 315,62 điểm. Sau 2 tháng đầu năm, VN-Index tiếp đà rơi xuống chỉ còn 235,5 điểm vào phiên 24/2/2009.
Tuy nhiên, sau một tháng triển khai gói cấp bù lãi suất, VN-Index bắt đầu quãng thời gian bùng nổ thực sự với mức tăng gần 50%. Từ mức 235,5 điểm ngày 24/2/2009, chỉ số này liên tiếp tăng vọt lên 347,81 điểm vào 15/4/2009.
Hai tháng sau đó, TTCK Việt Nam tiếp tục vượt các mốc 400 rồi 500 điểm. Sau nhịp điều chỉnh diễn ra trong quý III, đến tháng 10/2009, VN-Index tiếp tục bùng nổ và chạm mốc 600 điểm.
Nếu so sánh thì các yếu tố nội tại của nền kinh tế cũng như TTCK hiện nay khác với năm 2009, song có một điểm chung lớn nhất đó là có nguồn tiền rẻ kích thích quy mô lớn và đều có ảnh hưởng tới nền kinh tế, trong đó có TTCK.
Thực tế, năm 2020 và 2021, mùa tiền rẻ đầu tiên đến bởi đại dịch COVID-19 xảy ra, lãi suất liên ngân hàng đồng loạt giảm đến mức gần 0% và được duy trì kéo dài; lãi suất huy động và cho vay cũng xuống các vùng thấp lịch sử.
Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2021, thanh khoản bình quân trên TTCK đã tăng gấp 3 lần so với năm 2020, ở mức gần 20.000 tỷ đồng/phiên. Kéo theo đó là những phiên giao dịch rất lớn liên tục xuất hiện trên thị trường, như phiên ngày 19/11 lập kỷ lục với tổng giá trị giao dịch toàn thị trường lên đến hơn 56.000 tỷ đồng. Có thể nói, làn sóng tiền rẻ ồ ạt đổ vào TTCK đã khiến VN-Index liên tục phá các đỉnh lịch sử (tăng gần 34% so với đầu năm 2021).
Các chuyên gia cho rằng, mức hỗ trợ lãi suất cho vay lần này vẫn thấp hơn năm 2009, nhưng có thể tin tưởng sẽ vẫn hỗ trợ tích cực cho TTCK. "Tiền rẻ trở lại, thanh khoản tỷ USD sẽ sớm xuất hiện", một chuyên gia kỳ vọng.
Hải Giang