Tuần giao dịch từ ngày 24-28/6 trên toàn thị trường, khối ngoại đã bán ròng 118,78 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 4.447,98 tỷ đồng, giảm 16,27% về lượng và 8,97% về giá trị so với tuần trước đó (từ ngày 17-21/6 bán ròng 4.886,15 tỷ đồng).
Tổng cộng cả tháng 6, khối ngoại đã bán ròng 436,69 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng đạt gần 16.820 tỷ đồng, chỉ thua tháng kỷ lục vừa được thiết lập vào tháng 5 khi bán ròng 19.040 tỷ đồng.
Tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại ba ngân hàng "Big4" ghi nhận sự biến động. |
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán liên tục biến động, việc theo dõi hoạt động của khối ngoại tại các ngân hàng TMCP lớn (Big4) luôn là điểm tựa quan trọng để các nhà đầu tư có thêm nhìn nhận chi tiết về tình hình cổ phiếu và thị trường.
Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, có hiệu lực đến ngày 1/7, khối ngoại đang sở hữu các tỷ lệ sau đây tại ba ngân hàng thuộc nhóm "Big4":
Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã: BID): Nhà đầu tư nước ngoài hiện đang nắm giữ 17,1% trên tỷ lệ 30% cổ phần được sở hữu tối đa. Như vậy, tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại với mã BID giảm 0,03% so với mức 17,13% của tuần trước đó.
Tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank, mã: CTG): Nhà đầu tư nước ngoài hiện đang nắm giữ 26,17% trên tỷ lệ 30% được sở hữu tối đa. Như vậy, tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại với mã CTG giảm 0,05% so với mức 26,22% của tuần giao dịch trước đó.
Còn tại “ông lớn” Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, mã: VCB): Nhà đầu tư nước ngoài hiện đang nắm giữ 23,25% trên tỷ lệ 30% được sở hữu tối đa. Như vậy, tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại với mã VCB giảm 0,03% so với mức 23,28% của 1 tuần giao dịch trước đó.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần (28/6), cổ phiếu của các ngân hàng trong "Big 4" đã có những biến động khác nhau. Cụ thể, cổ phiếu BID giảm 1,93% và đóng cửa ở mức 43.250 đồng/cp. Cổ phiếu CTG giảm 0,96% và đóng cửa ở mức 31.000 đồng/cp. Cổ phiếu VCB đi ngang và đóng cửa ở mức 85.200 đồng/cp.
Mới đây, MBS Research đã công bố dự báo kết quả kinh doanh của một số ngành và doanh nghiệp niêm yết. Trong đó, đơn vị này dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng quý II sẽ tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng sẽ giảm tốc so với quý I.
Theo MBS Research, trong bối cảnh lãi suất cho vay giảm, lãi suất huy động tăng nhẹ ở hầu hết các ngân hàng, NIM sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm. Nhóm phân tích tin rằng, tăng trưởng tín dụng trong quý II sẽ khả quan hơn đầu năm (tính đến 20/6 ước đạt 4,17% so với mức 0,26% vào cuối quý I) nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ. Do đó, nhìn chung thu nhập lãi thuần của các ngân hàng vẫn chưa thể tăng mạnh.
Trong khi đó, thu nhập ngoài lãi vẫn ảm đạm và chưa thể phục hồi khi chỉ dựa chủ yếu vào mảng thu phí và xử lý nợ. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối với chứng khoán dự báo sẽ không có mức tăng trưởng cao khi tình hình thị trường càng lúc càng khó khăn. Ngoài ra, chi phí trích lập dự phòng vẫn sẽ tiếp tục tăng khi nợ xấu có dấu hiệu tăng lại trong quý II.
Với các yếu tố đó, MBS Research dự báo, lợi nhuận các ngân hàng nhìn chung có mức tăng trưởng không cao, nổi bật ở một số ngân hàng có tăng trưởng tín dụng tốt như LPBank, VPBank, HDBank; trong khi một số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận giảm do mức nền cao như Sacombank, BIDV.
Châu Giang