Từ ngày 1/7/2015, Nghị định 42/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chứng khoán (CK) phái sinh và thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh sẽ có hiệu lực. Hiện, các quan chủ trì soạn thảo đang lấy ý kiến và sớm hoàn thiện thông tư hướng dẫn thực thi đối với sản phẩm mới này.
Có đủ năng lực tài chính ?
Nghị định 42 tập trung vào nội dung: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, quy định điều kiện đối với tổ chức kinh doanh CK phái sinh, tổ chức giao dịch TTCK phái sinh, hoạt động bù trừ, thanh toán CK phái sinh… TTCK phái sinh ra đời sẽ hỗ trợ TTCK cơ sở phát triển bền vững khi sẽ có thêm các công cụ bảo vệ, phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư (NĐT)…
Ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) cho biết, “CK phái sinh chính là công cụ bảo vệ lợi nhuận, giúp nhà đầu tư (NĐT) yên tâm và gửi gắm đồng vốn lâu dài. Về lâu dài, những công cụ này còn giúp doanh nghiệp, nhà sản xuất phòng ngừa rủi ro đối với nhiều sản phẩm như: cà phê, cao cao, xuất nhập khẩu, lãi suất, tỷ giá… Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với TTCK”- Ông Long nhấn mạnh.
![]() |
Các tổ chức kinh doanh CK phái sinh phải có vốn điều lệ 600 tỷ đồng
Các tổ chức kinh doanh CK phái sinh như CTCK và ngân hàng thương mại phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe để được UBCKNN cấp phép kinh doanh, môi giới, bù trừ, thanh toán…. Đơn cử, đáp ứng đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh CK theo quy định của Luật Chứng khoán, các điều kiện tài chính, lợi nhuận, tỷ lệ vốn khả dụng…
Đáng chú ý, tổ chức có hoạt động tự doanh CK phái sinh phải có mức vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ 600 tỷ đồng trở lên. Với hoạt động môi giới và tự doanh CK phái sinh, mức vốn tối thiểu là 800 tỷ đồng. Riêng hoạt động tư vấn đầu tư CK phái sinh, mức vốn không thấp hơn vốn pháp định theo quy định về chứng khoán.
Với hoạt động bù trừ, thanh toán CK phái sinh, các CTCK phải đảm bảo mức vốn từ 900 tỷ đồng trở lên khi làm thành viên bù trừ trực tiếp, và tăng lên tới 1.200 tỷ đồng với thành viên bù trừ chung. Các ngân hàng thương mại cũng phải đảm bảo mức vốn tối thiểu 5.000 tỷ đồng (bù trừ trực tiếp) và 7.000 tỷ đồng (bù trừ chung).
Việc cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch CK phái sinh của CTCK, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài… phải được UBCKNN cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thực hiện các nghiệp vụ này.
Theo ông Long, do TTCK phái sinh có những đặc thù riêng như tính chất đòn bẩy của sản phẩm CK phái sinh, đặc thù giữa thành viên bù trừ là trung tâm lưu ký… Cho nên, cần phải đặt yêu cầu về tài chính cao hơn với thành viên bù trừ, thanh toán như vậy và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.
“Chúng tôi dự kiến, từ nay về sau sẽ thiết kế các quy định pháp lý theo định hướng hỗ trợ tái cấu trúc các CTCK. Phải làm sao sàng lọc, lựa chọn các công ty đáp ứng yêu cầu, có đủ năng lực tài chính tham gia thị trường. Dự tính, sẽ có khoảng 15-20 CTCK đủ điều kiện tham gia TTCK phái sinh”- Ông Long nói.
Tạo sức hấp dẫn NĐT
Hiện nay, Bộ Tài chính và UBCK đang triển khai lấy ý các thành viên thị trường để hoàn thiện thông tư hướng dẫn Nghị định 42. Việc soạn thảo nghị định và thông tư này được thự hiện song song để đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả khi thực hiện.
Theo đại diện Bộ Tài chính, Thông tư hướng dẫn gồm 2 nội dung đáng chú ý: một là quy định về sản phẩm cơ bản nhất cho NĐT cá nhân và tổ chức. Trong đó, Hợp đồng tương lai chỉ số sẽ là công cụ hữu hiệu nhất với NĐT giao dịch cổ phiếu, còn Hợp đồng tương lai trái phiếu dành tổ chức có giao dịch trái phiếu.
Thứ hai, thông tư quy định chi tiết về hoạt động thanh toán, bù trừ, môi giới và các chi tiết kỹ thuật dành cho các NĐT. Đặc biệt, ban soạn thảo cũng cân nhắc thiết kế sản phẩm có quy mô phù hợp với số đông NĐT cá nhân, hấp dẫn nhiều NĐT nước ngoài tham gia TTCK phái sinh. Vì mục đích ra đời TTCK phái sinh là nhằm thu hút nhiều NĐT bỏ vốn vào TTCK hiện nay. Tuy vậy, sự tích cực tham gia của NĐT còn phụ thuộc vào hiểu biết, kỹ năng sử dụng các sản phẩm của nó, đánh giá mức độ sinh lời, cũng như rủi ro…
“NĐT có thể mua CK phái sinh ở mọi thời điểm với mức giá xác định trước, tránh rủi ro, nhưng cũng có thể đầu tư, đầu cơ sinh lợi nhuận. Với công cụ đòn bẩy tài chính, NĐT có thể giao dịch tốt sản phẩm CK phái sinh, nhưng họ phải thực sự thông thái và gánh chịu rủi ro”- đại diện Bộ Tài chính đánh giá.
Sẽ có những công cụ hỗ trợ NĐT giao dịch, như: đưa ra mức cảnh báo thông qua tỷ lệ ký quỹ, xác định mức độ tổn thất, đo lường trước các rủi ro, yêu cầu NĐT chấm dứt đầu tư để chuyển sang trạng thái an toàn hơn… Các rủi ro chủ yếu từ từ CK phái sinh chưa niêm yết, còn CK phái sinh đã niêm yết là an toàn. Hiện, UBCKNN đang nghiên cứu vấn đề này để đảm bảo an toàn nhất cho NĐT.
Về chế tài xử lý, theo ông Nguyễn Thành Long, CK phái sinh cũng là CK được thực hiện giao dịch trên 2 sở HOSE và HNX. Theo Nghị định 108 vừa ban hành và các quy định hiện hành, các chế tài áp dụng với CK cơ sở cũng sẽ được áp dụng với CK phái sinh.
Thu Hằng