Sau cổ phần hóa, nhà nước còn sở hữu chi phối tới 97,7% vốn điều lệ của Vinamotor (VĐL: 876 tỷ đồng), tương ứng 85,58 triệu cổ phần. Do đợt đấu giá cổ phần bị “ế” nặng (tháng 4/2014) nên Chính Phủ đã chấp thuận cho thoái hết vốn nhà nước tại đây.
TMT có lợi thế “sân nhà”
Hiện tại, đang có 4 doanh nghiệp đề xuất với Bộ Giao thông-Vận tải mua lại toàn bộ cổ phần nhà nước tại Vinamotor, gồm: Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sacom (mã:SAM), Công ty CP ôtô TMT (mã:TMT), Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) và Công ty CP Thành Công Ninh Bình.
Đáng chú ý nhất là trường hợp Công ty ôtô TMT – nhà đầu tư này đã đi trước các đối thủ cạnh tranh khi lấy ý kiến cổ đông và được Đại hội cổ đông (ngày 28/2) chấp thuận chủ trương mua toàn bộ cổ phần thoái vốn của nhà nước tại Vinamotor. Đồng thời, chấp thuận chủ trương phát hành tối đa 1.500 tỷ đồng trái phiếu TMT, chủ yếu huy động tài chính để phục vụ kế hoạch “thâu tóm” này.
Giải thích với cổ đông, ông Bùi Văn Hữu - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TMT cho hay, lãnh đạo công ty tính toán kỹ lưỡng việc đàm phán, tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước mua trái phiếu. Nhất là phải cân đối với nhu cầu vốn thực tế cần cho việc mua cổ phần Vinamotor.
Đến nay, TMT đã tiếp xúc với nhiều đối tác quan tâm, có cả ngân hàng và tổ chức tài chính. Nếu tạm tính theo mức giá bán 10.000 đồng/CP, thì TMT sẽ phải huy động tối thiểu 855,8 tỷ đồng trái phiếu.
![]() |
Vinamotor có trụ sở tại mảnh đất “vàng” ở phố Hàng Trống (Hà Nội)
Được biết, Vinamotor và TMT đang có mối quan hệ rất “thân tình”, trong đó, Vinamotor đang là cổ đông lớn, sở hữu 19,84% cổ phần TMT, tương ứng 6,12 triệu cổ phiếu, trị giá trên sổ sách là 61,12 tỷ đồng. Đây cũng là khoản đầu tư dài hạn lớn nhất trong số 22 công ty liên kết của Vinamotor.
Ông Bùi Văn Hữu - Thành viên HĐQT Vinamotor hiện đang nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của TMT. Tại đây, cá nhân ông Hữu cũng sở hữu hơn 9 triệu cổ phiếu TMT, chiếm 29,38% vốn điều lệ. Đồng thời, ông Hữu là người đại vốn của cổ đông lớn Vinamotor với sở hữu 6,65 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 21,56%.
Bên cạnh đó, em trai ông Hữu – ông Bùi Quốc Công cũng sở hữu 3,28 triệu cổ phiếu TMT, tỷ lệ 10,64% vốn điều lệ. Riêng hai anh em ông Hữu đã sở hữu hơn 40% cổ phần TMT. Hiện, chưa rõ thay đổi sở hữu của các cổ đông này trong Quý 1/2015.
So với 3 doanh nghiệp còn lại, TMT đang có lợi thế “sân nhà” hơn hẳn về cả quan hệ sở hữu, lĩnh vực kinh doanh chính tương đồng, tiềm lực tài chính, hiểu rõ hoạt động doanh nghiệp…
Nhòm ngó tài sản “đất vàng”
Mặc dù có đề xuất sớm nhất với Bộ GT-VT về việc mua lại 97,7% cổ phần Vinamotor với giá 10.000 đồng/CP, nhưng đến nay, Sacom chưa có động thái gì mới thể hiện quyết tâm này. Được biết, Sacom có quy mô vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng, chuyên sản xuất dây cáp, cáp quang và không cùng lĩnh vực hoạt động kinh doanh như Vinamotor (sản xuất, lắp ráp xe tải, xe khách).
Không có tên tuổi trong ngành ôtô, nên có ý kiến cho rằng, mục tiêu nhắm đến của Sacom trong thương vụ mua Vinamotor là sở hữu các nhà xưởng, đất đai rộng lớn và có vị trí “vàng” tại nhiều địa phương. Đơn cử, tại Hà Nội có trụ sở Vinamotor tại phố Hàng Trống (Hà Nội), mảnh đất 20.000 mét vuông tại Minh Khai…
Trong xu thế các doanh nghiệp nhà nước lớn đang phải di dời trụ sở, nhà xưởng ra khởi nội đô Hà Nội, thì những “mảnh đất vàng” còn bỏ trống luôn được các nhà đầu tư nhòm ngó, tìm cơ hội “thâu tóm”. Bằng con đường mua cổ phần doanh nghiệp, không ít nhà đầu tư đã sở hữu được cả doanh nghiệp cùng toàn bộ tài sản đất đai, dự án, công trình rất giá trị… Có những tài sản còn chưa được tính đầy đủ vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, khiến giá bán cổ phần sẽ bị thấp hơn giá trị thực tế.
Cho đến giờ, mới chỉ có Công ty ôtô TMT có định hướng rõ ràng và lên kế hoạch sẽ tái cấu trúc Vinamotor nếu thương vụ mua bán thành công. Tuy nhiên, đang có không ít thách thức cho nhà đầu tư TMT, đó là, phải xử lý thua lỗ cho Vinamotor, nợ vay ngân hàng, các công nợ khác rất lớn của tổng công ty này.
Trong vòng 3 năm qua, Vinamotor làm ăn kém hiệu quả, đơn cử: năm 2010 bị lỗ, năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 chỉ lãi 11,5 tỷ đồng và 16,7 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến 30/6/2013 còn hơn 236 tỷ đồng. Do bị thua lỗ lớn nên vốn chủ sở hữu của Vinamotor cũng liên tục bị “bào mòn”, giảm mạnh từ 616 tỷ đồng (cuối năm 2012) xuống còn 526,7 tỷ đồng tại ngày báo cáo.
Chưa kể, Vinamotor chưa thực hiện hợp nhất kết quả kinh doanh của các công ty con, công ty liên doanh và một số công ty chưa kiểm toán báo cáo tài chính niên độ 6 tháng đầu năm 2013.
Hải Hà