Capital Place được CapitaLand Vietnam Commercial Value-Added Fund (CVCVF) mua lại vào năm 2018 từ VinGroup. Tọa lạc tại vị trí chiến lược thuộc quận Ba Đình, TP.Hà Nội, tòa cao ốc cao 37 tầng có diện tích cho thuê thực là 100.000 m2 với 2 toà tháp văn phòng hạng A.
Vì sao Capita Place được bán?
Theo dữ liệu tìm kiếm, CVCVF được thành lập vào năm 2017, trong đó CapitaLand Development (CLD) chiếm 50% cổ phần, phần còn lại do MEA Commercial Holdings nắm giữ. CVCVF có quy mô quỹ 177 triệu đô la Singapore (130 triệu USD), được quản lý bởi CapitaLand Investment Limited (CLI), thuộc Tập đoàn CapitaLand.
Việc thoái vốn tại Capital Place mang lại cho CLI khoản lãi xấp xỉ 17 triệu USD. Các nhà đầu tư nhận được tỷ lệ hoàn vốn nội bộ IRR xấp xỉ 34%. Được đánh giá là thuận mua vừa bán, tuy nhiên động thái này của CapitaLand khiến nhiều người đặt ra các giả thiết khác nhau.
Trong đó, không ít người cho rằng, CVCVF đang gặp khó khăn về tài chính do ảnh hưởng của dịch Covid-19, buộc phải thoái vốn. Cũng có người đánh giá Capital Place giảm sức hút và không còn là “gà đẻ trứng vàng”. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia phân tích, thương vụ này đến từ nhu cầu tái đầu tư của CVCVF.
![]() |
Capital Place vừa có chủ sở hữu mới là Viva Land, một đại gia mới nổi trong lĩnh vực bất động sản (Ảnh LM). |
Và thực tế, khi trao đổi với truyền thông, ông Ronald Tay, Giám đốc điều hành của CLD Việt Nam cũng cho hay: "Việc thoái vốn tại Capital Place là một phần trong chiến lược rút lui của CVCVF và phù hợp với nỗ lực quay vòng vốn của CLD nhằm đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. CLD sẽ phân bổ lại số tiền thu được từ việc thoái vốn vào các tài sản có hiệu suất sinh lời cao hơn".
Điều này là có cơ sở, bởi CLD đang đẩy mạnh tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào các phân khúc bất động sản văn phòng, khu dân cư và đô thị cũng như các tài sản như cơ sở hạ tầng logistics, trung tâm dữ liệu và khu công nghiệp tại Việt Nam trong thời gian tới.
Được biết, CLD hiện đang phát triển một dự án văn phòng tại Hà Nội có diện tích cho thuê 20.000 m2 dự kiến hoàn thành vào quý IV/2024. Sau khi thoái vốn tại Capital Place, danh mục của CLD sẽ bao gồm 2 dự án tích hợp, 12.000 căn hộ tại 16 dự án khu dân cư và trung tâm thương mại tại Hà Nội và TP HCM.
Vào tháng 12/2021, CLD cũng cho biết đã mua lại thành công một khu đất rộng 18,9 ha tại Bình Dương. Tổng giá trị phát triển dự án khoảng khoảng 18.330 tỷ đồng, dự kiến triển khai giai đoạn đầu tiên vào năm 2022 và hoàn thành vào năm 2023. Giai đoạn tiếp theo dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.
Trước đó một tháng, CLD cũng công bố thiết kế của 2 dự án chung cư cao cấp là Heritage West Lake (Hà Nội) và DEFINE (TP HCM). Dự án DEFINE được mở bán từ tháng 12/2021, tất cả các căn đều được bán với mức giá trên 23 tỷ đồng (bình quân 125 triệu đồng/m2). Dự án Heritage West Lake dự kiến được mở bán trong nửa đầu năm 2022.
Chủ sở hữu mới toan tính gì?
Nếu CLD thoái vốn với mục tiêu tái đầu tư vào các tài sản có hiệu suất sinh lời cao hơn, thì một câu hỏi được đặt ra: Bên thứ ba mua lại Capital Place là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Viva Land (Viva Land), một đại gia mới nổi trong ngành được thành lập từ năm 2020, có toan tính gì?
Cần nhấn mạnh, với một dự án có chủ cũ là CapitalLand, một ông lớn hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản, đã phải chấp nhận thoái vốn, thì hẳn đây là một dự án “khó nhằn”, ít nhất là về khả năng sinh lời, vì nếu lợi nhuận vẫn cao, không dễ để người cũ rời đi. Đây rõ ràng là một thách thức với “người mới” là Viva Land.
Ông Eddie Lim, Tổng giám đốc của Viva Land cho biết: "Chúng tôi rất vui mừng khi sở hữu và điều hành Capital Place, một trong những tòa nhà văn phòng tốt nhất châu Á với tiêu chuẩn quốc tế".
Chia sẻ về những toan tính trong tương lai, ông Eddie Lim nhận định, mặc dù có những ảnh hưởng nhất định từ dịch Covid-19, thị trường văn phòng tại Hà Nội còn nhiều cơ hội để phát triển.
Điển hình là tình trạng thiếu hụt nguồn cung văn phòng, đặc biệt là văn phòng hạng A tại Hà Nội vẫn đang tiếp diễn. Thị trường cũng ghi nhận sự gia tăng về nhu cầu không gian văn phòng cao cấp và xanh, nhưng nguồn cung hiện nay khó có thể thỏa mãn nhu cầu từ các doanh nghiệp.
![]() |
Viva Land đang liên tục gây tiếng vang với những dự án "sang tay" quy mô lớn, mới nhất là dự án cao ốc Saigon One Tower (Ảnh LM). |
Với Capital Place, nhờ địa thế chiến lược, dự án được đánh giá là có tiềm năng phát triển rất lớn. Hiện, Capital Place đang thu hút nhiều khách thuê hạng sang, các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu như HSBC Việt Nam, Porsche, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, TOTO Việt Nam…
Về tiềm năng thị trường, theo Savills, trước khi có dịch Covid-19, Hà Nội là thành phố dẫn đầu thế giới về lợi suất văn phòng hạng A khu vực trung tâm với mức lợi suất thị trường đạt 8,57%.
Các kết quả nghiên cứu thị trường cũng cho thấy trong năm 2021, tỷ lệ lấp đầy văn phòng tại Hà Nội trung bình chỉ đạt 87%, giảm 6 điểm phần trăm theo năm, nhưng giá chào thuê trung bình lại có xu hướng tăng, khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu do mức giá thuê cao hơn ở phân khúc hạng A.
Dựa trên những cơ sở về cung - cầu, nhiều chuyên gia nhận định, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục "hốt bạc" khi đầu tư vào phân khúc văn phòng, đặc biệt là văn phòng hạng A, tại những khu vực trung tâm.
Có thể, những phân tích về cung – cầu cũng như sức hút đặc biệt vốn có của Capital Place chính là điểm tựa để Viva Land quyết định mua lại dự án từ tay của CapitaLand. Chắc chắn sẽ không dễ để nâng cao hiệu suất sinh lời, tuy nhiên, với một “viên ngọc” như Capital Place, Viva Land rõ ràng có cơ sở để kỳ vọng vào những đột phá trong tương lai.
Viva Land có đủ lực?
Việc trở thành chủ sở hữu mới của Capital Place đang gây tiếng vang lớn cho Viva Land. Tuy nhiên, với tuổi đời còn khá trẻ, không ít người quan tâm đang đặt dấu hỏi về tầm vóc và tiềm lực của công ty này. Cần lưu ý, Capital Place là dự án văn phòng và thương mại đầu tiên của Viva Land tại khu vực phía Bắc.
Theo tìm hiểu, Viva Land được thành lập vào năm 2020, có tiền thân là CTCP Cirius Power, trụ sở đặt tại số 2 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.
Tuy mới thành lập nhưng đại gia mới nổi đến từ TP.HCM với tiềm lực và nền tảng tài chính ổn định đang liên tục có những động thái khuấy đảo thị trường bất động sản trong và ngoài nước.
Với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, Viva Land có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, do 3 cổ đông sáng lập là cá nhân đăng ký góp 75% vốn. Trong đó, bà Nguyễn Thị Kim Khánh sở hữu 30% vốn điều lệ là Tổng Giám đốc, đồng thời cũng là người đại diện pháp luật của Viva Land.
Đáng chú ý, bà Nguyễn Thị Kim Khánh và bà Dương Thị Hạnh (sở hữu 20% vốn điều lệ) đang là những cổ đông sáng lập của CTCP Đại Chấn Hưng (một doanh nghiệp có vốn điều lệ 350 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, cổ đông lớn sở hữu 25% vốn điều lệ của Viva Land cũng đang là một trong những cổ đông sáng lập của CTCP Hoa Phú Thịnh.
Thời gian qua, CTCP Hoa Phú Thịnh cùng CTCP Osaka Garden và CTCP Phú Hoàng Vương đã hút về 15.500 tỷ đồng từ kênh trái phiếu, mục đích nhằm đặt cọc để nhận chuyển nhượng một phần dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An.
Trên Website của mình, Viva Land cũng tự giới thiệu “đang sở hữu hơn 800ha đất sắp triển khai với hơn 17.000 căn hộ. Cùng với đội ngũ lãnh đạo có hơn 30 năm kinh nghiệm trên thị trường bất động sản trong nước và khu vực, quản lý giá trị tài sản hơn 5 tỷ USD”.
Hiện Viva Land đang sở hữu hơn 800ha đất sắp triển khai với hơn 17.000 căn hộ. Cùng với đội ngũ lãnh đạo có hơn 30 năm kinh nghiệm trên thị trường bất động sản trong nước và khu vực, quản lý giá trị tài sản hơn 5 tỷ USD.
Trong thời gian tới Viva Land dự kiến triển khai hàng loại dự án bất động sản văn phòng thương mại và nhà ở, khu đô thị cao cấp và hạng sang ở Việt Nam và Singapore.
Viva Land hiện đang quản lý 5 dự án Bất động sản gồm: dự án Robison Point ở Singapore; Dự án nâng cấp tài sản GP (quận 5, TP.HCM) – chủ đầu tư là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; Phát triển và quản lý dự án IFC One Saigon (quận 1, TP.HCM); Phát triển và quản lý dự án Saigon Peninsula (quận 7, TP.HCM) – chủ đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; quản lý dự án Waterfront Saigon (quận 1, TP.HCM) – chủ đầu tư MIK Group.
Nhật Minh