Ngày 1/9 và 9/9, Accor, tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế lớn nhất tại Việt Nam lần lượt khai trương ở Hà Nội và Huế khách sạn Mercure Hanoi La Gare và khách sạn Mercure Huế Gerbera. Cả hai khách sạn mang thương hiệu Mercure này được Accor phát triển tại Việt Nam nhằm đáp ứng các nhu cầu của phân khúc thị trường tầm trung. Nhân sự kiện này, ông Patrick Basset, Phó Chủ tịch Tập đoàn Accor tại Việt Nam, Philippines, Hàn Quốc và Nhật đã trả lời phỏng vấn Kinh doanh & Sản Phẩm
![]() |
ông Patrick Basset, Phó Chủ tịch Tập đoàn Accor tại Việt Nam, Philippines, Hàn Quốc và Nhật
Xin ông cho biết lý do Tập đoàn Accor chọn thời điểm này để đầu tư hai khách sạn mới?
Chúng tôi đã có kế hoạch giới thiệu thương hiệu khách sạn quốc tế 4 sao Mercure tại Việt Nam từ đầu năm 2008. Có thể nói đây cũng là một thành công của chúng tôi khi giới thiệu hai khách sạn thương hiệu Mercure theo đúng như kế hoạch ban đầu, cho dù ngành khách sạn đang bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Nguồn phòng khách sạn hiện nay đang được đánh giá khá dồi dào, ông có lo ngại tình trạng thừa cung khách sạn so với cầu du lịch hiện tại của Việt Nam?
Việc phát triển ngành công nghiệp khách sạn là một kế hoạch dài hạn. Mặc dù hiện tại Việt Nam vẫn đang chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tuy nhiên chúng tôi vẫn hy vọng có thế sớm nhìn thấy những tín hiệu phục hồi.
Tập đoàn Accor khai trương thương hiệu khách sạn mới mang tên Mercure tại Việt Nam với mong muốn sẽ cung cấp cho tất cả đối tượng du lịch thêm sự lựa chọn về phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi tin tưởng vào tiềm năng lâu dài của du lịch Việt Nam khi Việt Nam hội tụ đủ các yếu tố để thu hút thêm nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Đồng thời, các bên hưởng lợi trong ngành công nghiệp du lịch cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng hữu quan trong ngành du lịch để thu hút du khách quay trở lại với Việt Nam nhiều hơn.
Tập đoàn Accor nổi tiếng với phương thức kinh doanh chiều lòng mọi khách hàng từ thứ cấp tới cao cấp với hệ thống khách sạn 1-2 sao tới 4-5 sao. Phương thức này có được áp dụng tại Việt Nam hay không?
Có thể nói thị trường Việt Nam vẫn thiếu hụt các thương hiệu khách sạn tiêu chuẩn quốc tế, vì vậy Tập đoàn Accor vừa khai trương thêm thương hiệu MGallery vào cuối tháng 8. MGallery nằm trong chuỗi các thương hiệu khách sạn với những đặc điểm khác biệt riêng của tập đoàn chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi cũng dự kiến xây một khách sạn mang thương hiệu Pullman tại vị trí trung tâm của Vũng Tàu vào năm 2011. Đồng thời, Tập đoàn Accor cũng đang tìm kiếm cơ hội để giới thiệu thương hiệu khách sạn tầm trung "Ibis" tới thị trường Việt Nam.
Accor đang là tập đoàn dẫn đầu về khách sạn quốc tế tại Việt Nam. Tập đoàn sẽ có những dự định gì trong thời gian tới để giữ vững ngôi vị số 1 này?
Chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm những cơ hội để phát triển mạng lưới khách sạn có chất lượng tại các tỉnh, thành phố lớn của Việt Nam. Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các nhà điều hành quen thuộc là đối tượng cung cấp số lượng khách du lịch lớn xuyên suốt các tỉnh thành Việt Nam cũng như tận dụng mạng lưới kinh doanh, phân phối và tiếp thị toàn cầu của Tập đoàn. Hệ thống Accor Advantage Plus đảm bảo cho các thành viên của Accor được hưởng lợi tối đa tại các khách sạn lớn nằm tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này đã được ghi nhận từ các đối tác hưởng lợi của Accor và chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục duy trì được thành tích này.
Là tập đoàn có mặt tại Việt Nam khá lâu, ông đánh giá thế nào về những cải thiện của môi trường đầu tư Việt Nam gần đây?
Sau khi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới WTO, Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút lớn đầu tư nước ngoài. Sự kiện này không những đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng của nền kinh tế mà còn đem lại lợi ích lớn lao cho công cuộc chuyển giao công nghệ và phát triển nhân tài. Tập đoàn Accor chúng tôi cũng được hưởng lợi từ môi trường đầu tư được cải thiện của Việt Nam cho dù về nguyên tắc chúng tôi hoạt động và điều hành dưới sự quản lý của khu vực.
Theo ông, đâu là con đường để ngành kinh doanh khách sạn – du lịch của Việt Nam phát triển như nước láng giềng Thái Lan?
Tôi cho rằng trong thời gian ngắn, có thể triển khai một số biện pháp, ví dụ như miễn visa cho khách du lịch sẽ thu hút được lượng khách đến với Việt Nam đông hơn. Tuy nhiên, việc duy trì tính bền vững ổn định của ngành du lịch cũng là một điều rất quan trọng. Sự nâng cấp của hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch khách sạn như phương tiện giao thông và dịch vụ cung cấp thông tin sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch rất nhiều.
Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực như đào tạo các kỹ năng ngành nghề cần thiết, tuyển dụng nhân sự phù hợp làm việc trong ngành cũng là một trong những nhân tố quan trọng cho sự phát triển ngành du lịch của Việt Nam khi số lượng khách du lịch đến Việt Nam gia tăng.
Mai Phương