Dự án đầu tư hạ tầng cơ sở khu đô thị mới An Phú-An Khánh (Dự án An Phú-An Khánh) được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1042/QĐ-TTg ngày 16/11/1998 giao cho công ty Phát triển và Kinh doanh nhà (sau cổ phần hóa đổi tên thành công ty HDTC) thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư.
Liên tục không thực hiện cam kết
Bắt tay thực hiện dự án, trong thời gian từ năm 1999 đến năm 2005, công ty Cổ phần Phát triển và Kinh doanh Nhà và công ty TNHH Tân Long đã ký với nhau ba hợp đồng. Trong đó, đầu tiên là Hợp đồng kinh tế góp vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở và kinh doanh đất đã có hạ tầng cơ sở tại khu đô thị An Phú – An Khánh (Tp.HCM) số 999/HĐ-APAK ký ngày 10/9/1999.
Theo phụ lục hợp đồng, công ty Tân Long cam kết tham gia góp vốn 10,675 tỷ đồng, chiếm 8,75% tổng vốn góp. Tuy nhiên, thực góp của Tân Long chỉ là 2,135 tỷ đồng (đạt 20% giá trị cam kết). Đến năm 2006, Tân
Long được công ty HDTC tiến hành phân chia lợi nhuận từ dự án An Phú-An Khánh với số tiền 3,365 tỷ đồng.
Hợp đồng thứ 2 là chuyển nhượng lô đất đất E5 dự án An Phú-An Khánh theo Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 1753/2003/HĐAPE/KD ngày 01/10/2005 .
Tại hợp đồng này, công ty Tân Long mới thanh toán hơn 4,37 tỷ đồng, đạt 31,8% số tiền phải trả cho công ty HDTC.
Cuối cùng là Hợp đồng số 1866/2006/HĐCNĐCC ký ngày 8/9/2006 có nội dung chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất D7 Dự án An Phú-An Khánh, công ty TNHH Tân Long mới thanh toán hơn 1 tỷ đồng, đạt 20% số tiền phải trả cho công ty HDTC.
Đáng chú ý, ngoài việc góp vốn xây dựng hạ tầng, hay nhận chuyển nhượng đất đã có hạ tầng trong Dự án An Phú-An Khánh, cả ba hợp đồng đều có điều khoản quy định một bên tham gia có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu bên còn lại vi phạm các điều khoản chính.
Thực tế thực hiện cho thấy, công ty Tân Long chưa hoàn thành nghĩa vụ thanh toán tiền góp vốn hoặc mua hạ tầng trong cả ba hợp đồng đã ký với công ty HĐTC.
Tân Long có thể có nhiều cách giải thích về thực tế này, chẳng hạn như việc HDTC có thể cũng chưa hoàn thành nghĩa vụ bàn giao tài sản cho Tân Long.
Tuy nhiên, theo HDTC, doanh nghiệp này đã nhiều lần gửi công văn đề nghị Tân Long nộp tiền, hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng hợp tác tới Tân Long vì doanh nghiệp này vi phạm nghĩa vụ thanh toán.
![]() |
Đã có ba bản thỏa thuận thanh lý hợp đồng đề số 184, 185, 186 được ký giữa hai doanh nghiệp này vào tháng 5/2017. Sau 16 lần chuyển tiền đủ 100 tỷ đồng, HDTC còn lập vi bằng ghi nhận thực trạng các lô đất và thư từ trao đổi qua email với Tân Long.
“Bội tín trắng trợn”
Năm 2007, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà (công ty HDTC khi vẫn là DNNN) dừng hợp đồng liên kết, dừng phân chia thêm lợi nhuận cho các doanh nghiệp tư nhân đã góp vốn thực hiện hiện Dự án An Phú-An Khánh.
Sau đó, HDTC đã thực hiện các thủ tục thanh lý hợp đồng với các doanh nghiệp đã góp vốn vào dự án này. Riêng chỉ có Tân Long từ chối, không thanh lý hợp đồng.
Đầu năm 2016, theo chủ trương cổ phần hóa của Nhà nước, công ty Nhà đã tiến hành cổ phần hóa và đổi tên.
Sau khi cổ phần hóa, HDTC đã tiến hành rà soát lại toàn bộ các hợp đồng vi phạm theo nghị quyết ĐHĐCĐ xác định, nếu hợp đồng nào bị vi phạm sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng theo quy định; hợp đồng không vi phạm sẽ đàm phán, thỏa thuận chấm dứt trên tinh thần có tình và lý, hài hòa lợi ích giữa hai bên.
Quay trở lại với ba hợp đồng mà HDTC đã ký với Tân Long, do liên tục vi phạm điều khoản về góp vốn HDTC hoàn toàn có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng với Tân Long.
Tuy nhiên, để hài hòa lợi ích giữa hai bên, HDTC đã tiến hành đàm phán, thỏa thuận dừng hợp tác với Tân Long trên phương án thanh toán cho Tân Long 100 tỷ đồng để thanh lý ba bản hợp đồng trên.
Đã có ba bản thỏa thuận thanh lý hợp đồng đề số 184, 185, 186 được ký giữa hai doanh nghiệp này vào tháng 5/2017.
Sau 16 lần chuyển tiền đủ 100 tỷ đồng, HDTC còn lập vi bằng ghi nhận thực trạng các lô đất và thư từ trao đổi qua email với công ty Tân Long.
Thế nhưng, ngay sau khi nhận đủ 100 tỷ đồng, Tân Long lại nói rằng số tiền 100 tỷ đồng này chỉ là để thanh lý hợp đồng số 999/HĐ-APAK ký ngày 10/9/1999 và Phụ lục hợp đồng số 905/PLHĐ-APAK. Tân Long yêu cầu HDTC trả thêm tiền thì mới trả ba biên bản thanh lý bản gốc của cả ba hợp đồng.
Thậm chí, ông Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc công ty Tân Long còn cho rằng việc HDTC đưa ra email về thỏa thuận thanh lý cả ba hợp đồng cũng không loại trừ khả năng giả mạo. HDTC trả 80 tỷ thì Tân Long giao cho HDTC một hợp đồng góp vốn, còn hai lô đất thương lượng sau. Việc HDTC hai lần chuyển mỗi lần 10 tỷ là để thực hiện việc trả lãi với khoản trả trước 5 tỷ của Tân Long.
Tuy nhiên, công ty HDTC khẳng định và công bố các bằng chứng như 16 giấy chuyển tiền với tổng số 100 tỷ đồng, email trao đổi… để khẳng định số tiền trên chi ra để thanh lý cả ba hợp đồng mà hai bên đã ký kết.
Theo lãnh đạo HDTC, sự việc của công ty Tân Long kéo dài đến cả sau khi công ty cổ phần hóa đã ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của cổ đông đầu tư vào HDTC, ảnh hưởng đến nguồn vốn nhà nước (Nhà nước vẫn nắm 30% cổ phần tại doanh nghiệp này).
Đáng lưu ý, sau gần 20 năm, Tân Long mới chỉ thanh toán cả ba hợp đồng tại dự án An Phú-An Khánh không quá 10 tỷ đồng, nhưng đã thực nhận lại 100 tỷ đồng. Đây có thể coi là một món hời lớn đối với Tân Long.
Trên thực tế, nếu không có bất cứ phát sinh nợ, hay thiệt hại có nguyên nhân từ giao dịch với HDTC thì Tân Long khó có thể đàm phán đòi được số tiền 100 tỷ để thanh lý hợp đồng.
Trong biên bản thỏa thuận thanh lý hợp đồng giữa 2 công ty không hề nhắc tới nguyên nhân tại sao công ty HDTC đồng ý trả 100 tỷ đồng cho Tân Long. Việc “hài hòa lợi ích giữa hai bên” thực chất là gì có lẽ là bí mật mà cả hai bên đồng thuận giữ kín.
Thùy Linh