Trên đây là nội dung trong đơn tố cáo của ông Nguyễn Văn Láng gửi đến cơ quan báo chí khiếu nại về việc áp giá đền bù thấp hơn thực tế. Cụ thể, tại Quyết định số 5127/QĐ-UBND của UBND quận Thủ Đức ngày 19/9/2012 ban hành quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với ông Nguyễn Văn Láng và các hộ dân khác để thu hồi đất cho công ty Vạn Phúc thực hiện dự án Vạn Phúc Riverside.
Khu đô thị thành chốn thương mại
Theo hồ sơ vụ việc người dân cung cấp, năm 2004, UBND Tp.HCM ban hành Quyết định số 256/QĐ-UB giao đất cho công ty Xây dựng và Phát triển kinh tế quận 6 để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính Khu đô thị Hiệp Bình Phước tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức.
Nội dung Quyết định số 256 nêu rõ:_“Sau khi xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính Khu đô thị Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, công ty Xây dựng và Phát triển kinh tế quận 6 phải bàn giao toàn bộ diện tích đất trên cho UBND thành phố để quyết định việc giao đất, cho thuê đất đối với các dự án thành phần theo quy hoạch được duyệt và theo quy định của pháp luật đất đai”.
Để có mặt bằng thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính Khu đô thị Hiệp Bình Phước, ngày 9/11/2004, UBND quận Thủ Đức đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Hiệp Bình Phước.
Thời điểm này, nhiều hộ dân vẫn chưa đồng ý với phương án bồi thường và về cơ bản, hạ tầng chưa được công ty Xây dựng và Phát triển kinh tế quận 6 thực hiện đúng như Quyết định số 256.
Tuy nhiên, đến tháng 11/2006, công ty TNHH Vạn Phúc lại được thay thế công ty Xây dựng và Phát triển kinh tế quận 6 thực hiện dự án với mục đích xây dựng nhà để kinh doanh.
Năm 2006, Luật Đất đai 2003 đã có hiệu lực nên khi dự án về mục đích sử dụng đất, chủ đầu tư phải xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư mới để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân bị thu hồi đất tại Khu đô thị Hiệp Bình Phước.
Ngoài ra, để bảo đảm không thất thu cho ngân sách, toàn bộ diện tích đất này phải đấu giá công khai hoặc phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Tất cả những nội dung này đều không được thực hiện, thay vào đó, chủ đầu tư mới là công ty TNHH Vạn Phúc, doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Đại Phúc đã sử dụng phương án bồi thường cũ để tiến hành thu hồi, đền bù nhà đất cho người dân với mức giá không phù hợp.
Hệ quả là Nhà nước thất thu, công dân khiếu nại, chỉ có chủ đầu tư nghiễm nhiên thu lợi nhuận từ kinh doanh bất động sản trên diện tích gần 198ha ven sông Sài Gòn với tên gọi Vạn Phúc Riverside.
Theo tìm hiểu, công ty Vạn Phúc là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh địa ốc, có địa chỉ tại số 621 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, do ông Phạm Văn Đường là đại diện pháp luật. Hiện, công ty này đang thực hiện nhiều dự án bất động sản thương mại tại Tp.HCM.
![]() |
Luật Đất đai 2003 đã có hiệu lực nên khi dự án có sự thay đổi về mục đích sử dụng đất, chủ đầu tư phải xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư mới để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân bị thu hồi đất.
Áp giá đền bù rẻ
Qua tìm hiểu người dân, được biết dự án Vạn Phúc Riverside là dự án kinh doanh thương mại. Theo quy định, chủ đầu tư là công ty Vạn Phúc phải thương lượng đền bù cho người bị thu hồi đất theo giá thỏa thuận. Trên thực tế, người dân không chấp nhận giá đền bù mà UBND quận Thủ Đức đưa ra.
Vì vậy, ông Láng cùng các hộ dân đã làm đơn khiếu nại gửi đi khắp nơi đề nghị chủ đầu tư là công ty Vạn Phúc phải thương lượng giá đền bù. Tuy nhiên, quyền lợi chính đáng của người dân đã không được UBND quận Thủ Đức xem xét.
Trao đổi với phóng viên, ông Láng cho biết: “Giá đền bù của quận áp cho gia đình tôi chưa đến 1,5 triệu đồng/m2, chỉ bằng 1/15 giá đất thị trường. Trong khi đó, từ năm 2006 đến nay, suốt thời gian dài, công ty Vạn Phúc không tổ chức thỏa thuận, thương lượng đền bù cho gia đình chúng tôi theo luật định. Vậy mà ngày 03/07/2012, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức lại ký Quyết định số 3536/QĐ-UBND về việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ bổ sung và thu hồi mặt bằng. Tại sao chính quyền lại đi áp giá cho một doanh nghiệp thực hiện dự án thương mại. Điều này có đúng với luật không”?
Cho đến nay, ông Láng và hàng chục hộ dân vẫn tiếp tục gửi đơn khiếu nại yêu cầu hủy bỏ các quyết định trái quy định pháp luật của chính quyền quận Thủ Đức trong quá trình giải quyết khiếu nại và áp giá đền bù của ông tại dự án kinh doanh Vạn Phúc Riverside.
Tuy nhiên, hàng chục hộ dân bị thu hồi đất tại dự án đang đặt ra vấn đề ai là chủ đầu tư Vạn Phúc, tại sao được hưởng lợi từ dự án song lại đẩy trách nhiệm bồi thường sang cho cơ quan chức năng nhà nước, như vậy là có dấu hiệu thoái thác trách nhiệm. Rõ ràng, chủ đầu tư Vạn Phúc đang nhận được sự ưu ái nào đó tại dự án “vàng” với quỹ đất rộng mênh mông này.
Thiết nghĩ, để sự việc không kéo dài, chủ đầu tư, cơ quan nhà nước và người dân cần ngồi lại với nhau cùng tìm phương án phù hợp nhất để người dân không phải khổ sở đi kêu cứu khắp nơi, trong khi chủ đầu tư cũng thực hiện được dự án “trôi chảy” nhất.
Đăng Thanh