Còn nhớ, trong mối lương duyên tại dự án nhà ở cao cấp 69 Vũ Trọng Phụng, Long Giang Land được coi là “đạo diễn” từ A tới Z với việc lên kế hoạch thực hiện, dự toán mức đầu tư (ngót 1.300 tỷ đồng), kinh doanh bán hàng hay thậm chí cả việc… chạy giấy tờ (!) Lý do, với kinh nghiệm thi công xây lắp thực tế, cùng với hồ sơ DN “đẹp”, Long Giang Land đã được Vinaremon (góp vốn bằng quyền sử dụng đất) ủy quyền làm đại diện chủ đầu tư.
Lấy gì bù lỗ?
Tháng 4, tháng 5 là thời gian sóng gió trong nội bộ Long Giang Land khi lãnh đạo DN phải thuyết phục một số cổ đông nghi ngại tính hiệu quả của dự án 69 Vũ Trọng Phụng – một dấu ấn khẳng định thương hiệu Rivera của DN. Ngay sau đó, Long Giang Land cấp tập tổ chức thi công, quảng bá qua các kênh và mở bán rầm rộ. Tuy nhiên, khi một số điểm mờ về khả năng tài chính lẫn hoàn thành nghĩa vụ pháp lý sử dụng đất chưa minh định, Long Giang Land mới đây đã tự cho thấy sức khỏe “trồi sụt” của mình.
Cụ thể, theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2016, Long Giang Land ghi nhận doanh thu thuần 9 tháng đầu năm giảm đến 63% xuống 75 tỷ đồng. Điều này kéo lợi nhuận sau thuế của DN lỗ hơn 3,5 tỷ đồng. Bất chấp kết quả quý III khá ổn nhưng tính chung 9 tháng đầu năm, DN của chủ tịch Lê Hà Giang chỉ đạt 75.3 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm đến 63% so với cùng kỳ. Từ đây, lãi gộp chỉ còn 15,734 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm 2015 đạt trên 58 tỷ đồng). Bên cạnh chi phí quản lý DN chỉ giảm thêm từ 14,5 tỷ còn 6.3 tỷ đồng, chi phí tài chính vẫn giữ ở mức cao gần 11 tỷ đồng. Hệ quả, Long Giang Land phải chịu mức lỗ ròng hơn 3.5 tỷ đồng sau 9 tháng hoạt động (cùng kỳ năm trước lãi 22,6 tỷ đồng).
![]() |
Ôm rơm thì rặm bụng, Long Giang Land đang đối diện với thời gian khó khăn nhất?
Cuối tháng 8, Long Giang đưa ra báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm soát xét ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 1,7 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí quản lý tăng. Kết quả, 6 tháng đầu năm LGL lỗ hơn 7,5 tỷ đồng. Thậm chí, dấu hiệu “đi xuống” của Long Giang đã xuất hiện ngay quý I đầu năm. Cụ thể, theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2016, Long Giang Land dù hưởng lợi từ giá vốn hàng giảm giúp lãi gộp tăng mạnh 94%, song chi phí tài chính tăng cùng với việc mất đi khoản lãi khác đã khiến lãi ròng sau thuế giảm tới 31%, chỉ đạt 903 triệu đồng.
Hiện tại, trên sàn giao dịch chứng khoán HoSE, cổ phiếu LGL của DN đang thuộc diện không được giao dịch ký quỹ theo Thông báo số 1034/TB-SGDHCM ngày 5/10/2016.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III (tại ngày 30/9/2016) cho thấy Đô thị Long Giang đã phải đôn đáo khắp nơi để huy động bổ sung nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh lẫn đầu tư rót vào một loạt dự án, đơn vị liên kết khác.
Trùng điệp những khoản vay
So thời điểm đầu năm, tới cuối quý III, Đô thị Long Giang đã đầu tư tổng cộng hơn 74 tỷ đồng vào 3 công ty liên doanh, liên kết. Trong khi đó, hạng mục góp vốn vào các đơn vị khác (bao gồm cả hợp tác kinh doanh dự án 69 Vũ Trọng Phụng với Vinaremon chỉ chừng 1,27 tỷ đồng) gần như không biến động sau 9 tháng.
Đặc biệt, chi tiết về vay và nợ ngắn hạn của Đô thị Long Giang ở mốc thời điểm 30/9 đã tăng hơn 5 lần so đầu năm 2016 (từ khoảng 108 tỷ đồng lên ngót 541 tỷ đồng). Trong số các chủ nợ lớn phát sinh, có thể điểm một vài nhà băng mà Đô thị Long Giang “giật nóng” – vay ngắn hạn như: Agribank chi nhánh Đông Hà Nội (xấp xỉ 33,27 tỷ đồng theo hợp đồng ngày 24/6/2016, hạn mức cấp tín dụng 55 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn lưu động phục vụ SXKD, thời hạn vay, lãi suất vay theo từng lần nhận nợ). Khoản vay theo hợp đồng hạn mức tín dụng ngày 9/3/2016 với SHB, hạn mức tới 352,5 tỷ đồng nhằm vay tài trợ cho chi phí đầu tư dự án khu chung cư Thành Thái. Đáng chú ý, với chủ nợ SHB, Long Giang chỉ có thời hạn vay trong khế ước nhận nợ tối đa không quá 12 tháng. Tài sản đảm bảo cho khoản vay là toàn bộ dự án Thành Thái do chính Đô thị Long Giang làm chủ đầu tư.
Đặc biệt, còn phải nhắc tới BIDV chi nhánh Sở giao dịch 1 cũng được Đô thị Long Giang gõ cửa vay tiền. Theo đó, Long Giang vay ngót 192,6 tỷ đồng nhằm rót trực tiếp vào dự án siêu đắc địa 69 Vũ Trọng Phụng. Khoản vay này phát sinh trong 9 tháng đầu năm. Đầu tháng 10, do không nộp 184,514 tỷ đồng tiền sử dụng đất đúng thời hạn đã khiến Rivera Park Hà Nội phát sinh thêm 12,803 tỷ đồng tiền chậm nộp. Cơ quan Thuế cho biết, “Theo Quyết định của UBND Thành phố, công ty CP tu bổ di tích trung ương Vinaremon hợp tác liên danh với công ty CP Đầu tư & Phát triển đô thị Long Giang để thực hiện dự án. Đến thời điểm hiện tại (đầu tháng 10 – PV) thì số tiền theo Thông báo của Chi cục Thuế Thanh Xuân ngày 18/1/2016 là 184,514 tỷ đồng tiền sử dụng đất đã được chủ đầu tư hoàn thành. Tuy nhiên, tính đến 31/8/2016 thì số tiền chậm nộp của dự án là 12,803 tỷ đồng vẫn chưa được đơn vị đầu tư thực hiện nộp”.
Đến cuối tháng 9, Long Giang Land đã huy động hàng trăm tỷ đồng từ các nguồn (chủ yếu là nhà băng). Vậy, vì sao một dự án (trong định hướng tạo dựng thương hiệu riêng) như Rivera Park Hà Nội mới đây vẫn chưa được thanh toán nghĩa vụ thuế với cơ quan quản lý? Phải chăng, do phát triển đồng thời các dự án ở Tp.HCM lẫn Hà Nội (mới nhất, logo Long Giang xuất hiện tại tổ hợp Golden Land Nguyễn Trãi với tư cách nhà thầu) nên chủ đầu tư… tạm gác việc chấp hành pháp luật sử dụng đất?
Đông Hưng