Thường trực HĐND Tp Hà Nội đã tổ chức phiên giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn Tp Hà Nội. Những quận, huyện có số dự án chậm triển khai, vi phạm nhiều, như: Hoài Đức 51 dự án, Mê Linh 50 dự án, Nam Từ Liêm 48 dự án, Hoàng Mai 25 dự án, Bắc Từ Liêm 23 dự án…
Có quyết định...
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND Tp Hà Nội, cho biết Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo chỉ có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm (chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai) nhưng trong khi tổng hợp từ các quận, huyện, đoàn giám sát phát hiện thêm 172 dự án vi phạm, nâng tổng số lên 383 trường hợp.
Nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm triển khai là do thay đổi chính sách đất đai; điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; thị trường bất động sản trầm lắng; chủ đầu tư không quyết liệt; quy định không xây dựng nhà cao tầng trong nội đô,…
Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội, tính đến ngày 31/3/2018, Hà Nội đã ra quyết định thu hồi đất với 22 đơn vị.
Mới đây nhất, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội công khai danh sách 16 dự án bất động sản bị thu hồi, chấm dứt hoạt động do chậm triển khai trên địa bàn. Số dự án này được lập từ việc rà soát 39 dự án dừng triển khai, chậm triển khai trước đó.
16 dự án bị thu hồi nằm rải rác tại 12 quận huyện khác nhau. Bao gồm các dự án như: dự án nhà làm việc và văn phòng cho thuê tại 335 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) do công ty cổ phần xây lắp công nghiệp thực phẩm làm chủ đầu tư; Dự án khu hỗn hợp văn phòng – thương mại, dịch vụ – nhà hàng và giải trí tại số 153 phố Yên Phụ (quận Tây Hồ) do Tổng công ty Du lịch Hà Nội làm chủ đầu tư.
Dự án xây dựng trụ sở văn phòng làm việc và cho thuê tại số 19 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng) do công ty cổ phần đầu tư phát triển và xây dựng Ba Đình làm chủ đầu tư…
Đặc biệt, có những dự án chậm triển khai đến 17 năm hay như dự án Sông Hồng City tại địa bàn phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội, treo 23 năm vẫn chưa bị thu hồi.
Quyết định thu hồi 16 dự án bỏ hoang đó chỉ là con số nhỏ trong tổng số 383 dự án trên địa bàn chậm tiến độ mà vẫn chưa thực hiện việc thu hồi.
Dự án xây dựng trụ sở văn phòng làm việc và cho thuê tại số 19 Lê Thanh Nghị trong danh sách bị thu hồi |
Vẫn khó thu hồi
Theo Điều 64 Luật Đất đai 2013, đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng. Trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng. Hết thời gian gia hạn chưa đưa vào sử dụng thì Nhà thu hồi.
Như vậy, Luật quy định rất rõ, thế nhưng rất nhiều dự án để hoang hoá 10 năm, cá biệt có dự án 23 năm không triển khai mà vẫn “trơ cùng tuế nguyệt”…
Theo Gs. Đặng Hùng Võ có nhiều nguyên nhân dẫn đến khó thu hồi các dự án chậm tiến độ. Có thể do ý chí của nhà kinh doanh không bắt nhịp được ý chí của nhà quản lý nên dẫn đến việc nhà đầu tư chần chừ. Hơn nữa, việc này còn vướng mắc ở chỗ, khi nhận giao đất, doanh nghiệp đã thực hiện việc đầu tư cơ bản trên khu đất đó, đến nay thu hồi tài sản gắn liền với đất gặp rất nhiều khó khăn.
“Khó thu hồi có thể giải thích bằng lý do nữa, đó là có lợi ích chung gì ở đây mà lợi ích đã được trao đổi rồi nên bây giờ mới khó như vậy”, Gs. Võ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, việc thu hồi chậm trễ ngày nào thì Nhà nước sẽ chậm thu được ngân sách từ tiền sử dụng đất ngày đó. Chính vì vậy, cần sớm thu hồi các dự án không triển khai trong 48 tháng. Hơn nữa, chúng ta cương quyết thu hồi lúc này mới có thể phát hiện được tham nhũng nằm ở đâu trong quá trình giao đất trước đây.
Ngoài ra, một giải pháp để tránh tình trạng dự án treo như hiện nay cũng được Gs. Đặng Hùng Võ đưa ra đó là Nhà nước cũng nên xem xét việc đánh thuế với mức thuế suất cao nhất có thể đối với các dự án chậm đưa vào sử dụng. Làm như vậy, Nhà nước vừa không phải lo việc dự án bị bỏ hoang mà cũng không phải bận tâm tính toán hiệu quả trong việc sử dụng khu đất vừa thu hồi từ doanh nghiệp.
Trước đó, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, cũng chia sẻ về những khó khăn trong việc thu hồi dự án do vướng luật. Theo quy định của Luật Đất đai 2013, muốn gia hạn cho một dự án, chủ đầu tư phải có đơn và UBND thành phố thông qua, ra văn bản thông báo.
“Luật quy định chủ đầu tư phải có đơn xin gia hạn, mà nếu gia hạn khoảng 24 tháng thì phải nộp khoản tiền rất lớn. Chủ đầu tư thấy thế không làm đơn gia hạn nữa. Nếu không làm đơn gia hạn thì sau 15 ngày, UBND ra thông báo thu hồi, nhưng thu hồi như thế nào, cơ chế xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung của chỗ này hay trình tự thu hồi thế nào đến nay Bộ TN&MT vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể”, ông Nghĩa nói.
Minh Sơn