Theo danh sách 92 dự án bất động sản thế chấp quyền sử dụng đất, trong đó có nhiều "ông lớn" được nhắc tên nhiều nhất như công ty CP Đầu tư Hải Phát, Tập đoàn Geleximco (tên cũ công ty Cổ phần XNK Tổng hợp Hà Nội)…
Dự án thế chấp là đủ điều kiện
Công ty CP Đầu tư Hải Phát thế chấp quyền sử dụng đất 59 căn nhà ở thấp tầng và công trình hỗn hợp cao tầng tại dự án Hải Phát Plaza (Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm). Chủ đầu tư này cũng đang thế chấp tài sản với quyền sử dụng đất dự án tại Phú Lãm, quận Hà Đông; dự án tại đoạn Cầu Chui – Cầu Đông Trù, Long Biên.
Công ty CP tập đoàn đầu tư Thăng Long đã thế chấp quyền sử dụng 35 thửa đất tại Dự án xây dựng khu nhà ở thấp tầng thuộc địa bàn phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm.
Công ty CP XNK Tổng hợp Hà Nội thế chấp quyền sử dụng đất 45 thửa tại KĐT hai bên đường Lê Trọng Tấn, phường Dương Nội, quận Hà Đông.
Công ty CP đầu tư Văn Phú – Invest thế chấp quyền sử dụng đất tại phường Phú Thượng. Tập đoàn FLC đang thế chấp dự án công trình hỗn hợp 265 Cầu Giấy; Tập đoàn Nam Cường thế chấp quyền sử dụng đất một loạt thửa đất tại Khu đô thị mới Dương Nội…
Một loạt dự án khác đã đi vào bàn giao cũng nằm trong danh sách này như công ty TNHH Đầu tư toàn cầu Tràng An thế chấp một phần dự án Tràng An Complex tại Phùng Chí Kiên (Cầu Giấy); công ty CP Đầu tư và xây dựng Xuân Mai thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở hình thành trong tương lai…
Thông tin về 92 dự án có thế chấp quyền sử dụng đất khiến nhiều khách hàng lo lắng và gây sức ép rất lớn lên các chủ đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của họ trên thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, khi trao đổi với một số chuyên gia bất động sản được biết, việc doanh nghiệp thế chấp dự án, nhà ở, công trình nhằm vay vốn ngân hàng để phát triển dự án và hoàn thành công trình nhà ở, sau đó thực hiện việc giải chấp là chuyện bình thường.
Để giải thích cho sự "bình thường", một số chuyên gia cho rằng theo Điều 147 – Luật Nhà ở có hiệu lực từ 1/7/2015, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó.
Cùng với đó, theo quy định của Điều 56 Luật Kinh doanh Bất động sản, chủ đầu tư muốn bán nhà hình thành trong tương lai phải có ngân hàng bảo lãnh. Mà muốn ngân hàng bảo lãnh thì đương nhiên phải có tài sản thế chấp. Và như thế, dự án được thế chấp là những dự án có tiềm năng chứ không phải dự án xấu.
Theo thống kê, có đến hơn 90% dự án tại Việt Nam được thế chấp. Chỉ cần nhìn vào danh sách dự án thế chấp sẽ thấy những chủ đầu tư uy tín hàng đầu hiện nay đều có mặt.
Chủ đầu tư muốn bán nhà hình thành trong tương lai phải có ngân hàng bảo lãnh |
Công bố đầy đủ chủ đầu tư thế chấp
Đơn cử như chủ đầu tư của Nam Cường, dù có tên nhiều lô đất thế chấp ngân hàng nhưng dự án của Tập đoàn Nam Cường vẫn cam kết trao sổ đỏ khi khách nhận nhà, trong đó có dự án Anland Predium thuộc Khu đô thị Dương Nội.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cũng cho rằng hầu hết các doanh nghiệp bất động sản hiện nay đều vay vốn ngân hàng. Việc các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng vay tiền ngân hàng và thế chấp bằng chính tài sản hình thành bằng vốn vay là việc bình thường, đúng luật pháp.
Các doanh nghiệp bất động sản cần nguồn vốn rất lớn và dài hạn để thực hiện dự án. Trong khi đó, theo pháp luật, các chủ đầu tư này cần đảm bảo 15 – 20% vốn tự có, còn lại là huy động của khách hàng, ngân hàng hoặc qua thị trường chứng khoán…
Theo ông Nam, khi công bố danh sách này, các cơ quan quản lý cần nói rõ mục đích công khai để làm gì. "Không thể chỉ công bố một cách "khơi khơi" như thực tế vừa qua gây hoang mang cho dư luận", ông Nam nói.
Cũng theo ông Nam, thế chấp dự án hình thành trong tương lai là việc làm không trái pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật cũng có những ràng buộc khá chặt chẽ để bảo vệ người mua nhà.
Nếu chủ đầu tư đã thế chấp dự án mà có nhu cầu bán, cho thuê thì phải giải chấp dự án trước khi ký hợp đồng huy động vốn, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở, trừ trường hợp được khách hàng thuê, mua nhà ở và ngân hàng đồng ý.
Tuy nhiên, vấn đề là nếu các cơ quan quản lý không công bố dự án thế chấp thì chủ đầu tư rất dễ "ém" thông tin, không giải chấp mà vẫn bán nhà cho khách hàng.
Ông Nam thẳng thắn nói nếu đã công bố phải công bố đủ tất cả các doanh nghiệp, chủ đầu tư bất động sản thế chấp tại ngân hàng, bởi trên thực tế, hầu hết các chủ đầu tư đều vay vốn, không thể công bố một danh sách dự án thế chấp mà "người có người không".
Đưa ra lời khuyên cho người mua nhà, ông Nam cho rằng trước khi xuống tiền mua nhà, khách hàng cần yêu cầu chủ đầu tư làm rõ việc hiện dự án này có đang thế chấp ngân hàng hay không, nếu có thì chủ đầu tư phải có điều khoản thoả thuận với ngân hàng và cam kết giải chấp theo đúng quy định của pháp luật.
Phạm Minh