Theo kết quả giám sát của HĐND Tp.Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất, chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố, còn 8 quận, huyện có 211 dự án chậm đưa đất vào sử dụng, để hoang hó, chậm triển khai và chưa có biện pháp khắc phục. Nhiều dự án quận, huyện đề nghị thành phố thanh tra, lập hồ sơ thu hồi theo quy định, trong đó có cả những dự án đã được thành phố kiểm tra, phát hiện, được HĐND thành phố kiến nghị từ năm 2012.
Đất dự án hoang đã có chủ
Kết quả giám sát cũng cho thấy riêng trên địa bàn huyện Mê Linh hiện có khoảng 50 dự án BĐS lớn với quy mô 10 - 100 ha nhưng sau nhiều năm giao đất, hầu hết đều đang bị bỏ hoang.
Trước khi chính thức sáp nhập về Hà Nội năm 2008, huyện Mê Linh đã có hàng chục dự án được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy phép đầu tư. Đã có hàng nghìn nhà đầu tư bỏ vốn cho chủ đầu tư với hình thức góp vốn nhằm “đón sóng” về Thủ đô.
Mê Linh có lợi thế về mặt giao thông với nhiều tuyến đường lớn như cao tốc Thăng Long, Nội Bài, Quốc lộ 23, Quốc lộ 5 kéo dài… giúp rút ngắn khoảng cách, thời gian khi di chuyển từ các quận lân cận đến. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư BĐS nhắm đến Mê Linh như một khu vực đầy tiềm năng.
Theo thống kê, gần 50 dự án tại Mê Linh là nhà ở, khu nhà vườn, KCN, chung cư, dịch vụ giải trí, du lịch… Tiêu biểu là các dự án như KĐT Cienco5 (68ha); khu nhà ở để bán và cho thuê Hà Phong; KĐT mới CEO (21ha); dự án Diamond Park (14ha), KĐT mới Tiền Phong, KĐT AIC (hơn 90 ha), KĐT mới Minh Giang - Đầm Và…
Trong số đó có đến 35 dự án chưa giải phóng xong mặt bằng. Đơn cử, KĐT mới Chi Đông, KĐT mới AIC, dự án Minh Giang Đầm Và giai đoạn 2, KĐT An Phát, khu nhà ở Minh Đức chưa giải phóng xong, hiện người dân đang tranh thủ trồng hoa màu, cây cối. Dự án Diamond Park New đã giải phóng xong nhưng chủ đầu tư chậm triển khai hạ tầng…
Bên cạnh đó, một số dự án Sở TN&MT xin ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố hướng xử lý như: KĐT Golf Vinashin (Văn Khê, Mê Linh, Tráng Việt); KCC biệt thự nhà vườn, dịch vụ du lịch giải trí Quang Minh; khu chức năng đô thị Rose Valley… Ngoài ra, còn có khu nhà ở sinh thái Viettracimex, xã Kim Hoa đã bị tạm dừng triển khai.
Đất trong các dự án ở Mê Linh hiện cỏ mọc lút đầu người. Nhiều dự án còn không được quây, che chắn cẩn thận, trâu, bò mặc sức vào gặm cỏ. Có những dự án đang triển khai dở dang để lâu mốc xanh, khiến các khu này như “KĐT ma”.
Trên thực tế, chủ đầu tư các dự án sau khi nhanh chân xí phần đất đã thực hiện việc huy động vốn thông qua hợp đồng vay vốn, góp vốn, liên doanh, hợp tác đầu tư… của rất nhiều khách hàng. Hầu hết đất trong dự án này đều đã có chủ.
Dự án Minh Giang – Đầm Và bỏ hoang nhiều năm nay |
Bán không ai mua
Tình trạng trở nên đìu hiu kể từ khi thị trường BĐS rơi sâu vào khủng hoảng năm 2011 - 2012. Ban đầu, các NĐT góp vốn cho các chủ đầu tư với giá bình quân 3 - 5 triệu đồng/m2, đến đầu năm 2011, qua mua đi bán lại chỉ bằng giấy viết tay, khách hàng phải trả 18 - 25 triệu đồng/m2 tùy từng khu vực.
Hiện nay, nhiều NĐT đang rao bán tràn lan đất tại dự án ở Mê Linh trên mạng với giá 15 triệu đồng/m2 nhưng vẫn không có người hỏi. Đơn cử như thông tin bán 179 m2 đất dự án Minh Giang - Đầm Và giá 15 triệu đồng/m2; bán lô đất 150 m2 KĐT Chi Đông, Mê Linh với giá 999 triệu đồng. Hoặc có thông tin rao bán lô đất hai mặt tiền có diện tích 197 m2 có giá 1,5 tỷ đồng không bao tên…
Một số chuyên gia BĐS cho rằng do tâm lý của giới đầu cơ đất “đón sóng” sáp nhập Thủ đô, họ đã nhanh chân ôm vài ba lô đất tại đây nhằm kiếm lời. Đặc biệt họ hy vọng sau khi sáp nhập vào Hà Nội, chắc chắn Mê Linh sẽ như huyện Đông Anh, Gia Lâm… vì còn nhiều quỹ đất, không gian để quy hoạch.
Tuy nhiên, “người tính không bằng trời tính”, sau gần chục năm sáp nhập, thị trường BĐS rơi vào khủng hoảng. Hơn nữa, Mê Linh là vùng đất thuần nông, nằm trong quy hoạch tầm nhìn của Hà Nội năm 2030, thậm chí 2050, do đó hạ tầng chưa đồng bộ thế nên sự phát triển của các đô thị chỉ mang tính hình thức.
Chủ đầu tư chỉ vào xí phần dự án để huy động vốn, còn NĐT chỉ lướt sóng rồi rút đi. Nhu cầu làm thật và ở thật là không có.
Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho rằng nguyên nhân của sự bất cập này còn là do công tác quản lý, quy hoạch. Đã đến lúc, các cơ quan phải xem xét lại các vấn đề, trong đó phải đưa ra chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể từng khu vực.
Theo ông Võ, cơ quan quản lý hoạch định các khu vực ưu tiên phát triển như từ vành đai 4 trở vào, chỉ cho làm dự án trong phạm vi này và có chế tài bắt buộc chủ đầu tư hoàn chỉnh dự án để đưa vào sử dụng. Các dự án chỉ nên thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, tức là khi nào dự án phủ kín, mới tiếp tục phát triển tới khu khác. Khu vực nào chưa cần thiết phải làm nên để đất cho dân cày cấy, nếu không rất lãng phí.
Minh Trang