Tuy nhiên, dù muốn khắc phục tình trạng khốn khổ ấy, người dân cũng không thể làm gì khác được ngoài việc chỉ biết “sống chung với lũ”. Bởi vì khu đất nơi họ đang sinh sống đang nằm trong dự án “treo”, “trùm mền” chưa biết lúc nào khởi động.
Dù được giao đất hàng chục năm nhưng không ít dự án vẫn chỉ ở hình thức “tô vẽ” trên giấy mà chưa được thực hiện. Những dự án như vậy tại Tp.HCM không hề hiếm có thể dễ dàng điểm tên như: dự án khu dân cư Phước Kiển, dự án khu đô thị (KĐT) Bình Quới – Thanh Đa, dự án Spirit Of Saigon (trước đây có tên The One), dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh…
Hàng loạt dự án “treo”
Có một thực trạng chung của nhiều dự án này là dù được phê duyệt quy hoạch, chủ đầu tư rầm rộ giới thiệu về một viễn cảnh tươi sáng của dự án nhưng trên thực tế, những dự án này đang trong tình trạng chưa biết lúc nào mới được triển khai.
Mới đây, thông tin nhà đầu tư – Tập đoàn Emaar Properties PJSC – thực hiện dự án KĐT Bình Quới – Thanh Đa đã rút khỏi dự án này khiến dư luận chấn động. Nguyên do là vì dự án này được hình thành từ năm 1992, đến năm 2004, Tp.HCM chính thức giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn làm chủ đầu tư.
Tiếp đến, năm 2015, Tp.HCM giao lại cho liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (Dubai) làm nhà đầu tư với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD). Song đã nhiều năm trôi qua, dự án vẫn chỉ nằm trên giấy.
Bên cạnh dự án trên phải nói tới dự án Phước Kiển của do công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (công ty Quốc Cường) làm chủ đầu tư. Dự án đã được giao đất gần chục năm nhưng cho đến nay, nhiều hộ dân sống trên khu đất vẫn khắc khoải mong chờ ngày được đền bù giải tỏa.
Thị trường bất động sản có lúc thăng lúc trầm, một dự án có thể “chết đi sống lại” nhiều lần, nhưng hầu như chỉ thấy những dự án quy mô vừa có thể hồi phục sau khó khăn, còn các dự án quy mô lớn rất khó vượt qua.
Hay như dự án KĐT Đại học Quốc tế tại KĐT Tây Bắc Tp.HCM, được giao đất từ năm 2008 do công ty Berjaya (Malaysia) làm chủ đầu tư. Song cho đến nay, dự án mới chỉ thực hiện được một phần việc rất nhỏ như: phê duyệt quy hoạch nhiệm vụ chi tiết 1/500 vào năm 2011, phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng vào năm 2013, đền bù giải phóng mặt bằng được trên 100ha…
Ngoài những dự án trên, còn hàng loạt dự án khác cũng rơi vào trường hợp tương tự. Điều đáng buồn là các hộ dân sinh sống trên những mảnh đất có dự án đi qua chẳng những không được đền bù mà còn phải sống trong cảnh thiếu thốn trăm bề.
Sống tạm cùng dự án
Tận mục sở thị tại dự án Phước Kiển cho thấy người dân nằm trong dự án này đang phải sống trong những căn nhà cấp bốn tạm bợ, bên các rạch nước đen ngòm, bốc mùi…
Cuộc sống của người dân rơi vào cảnh ở không được mà đi cũng chẳng xong, cuộc sống hết sức khó khăn, thiếu điện, nước, đường sá, nhà cửa xuống cấp trầm trọng không được sửa chữa…
Bà H., hộ dân ở ấp 5, cho biết, không chỉ gia đình bà mà còn nhiều hộ khác cũng rơi vào tình trạng thiếu thốn trăm bề do dự án đã có quyết định thu hồi đất nên các hộ không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, không được xây, sửa dù nhà đã xuống cấp. Cuộc sống của người dân trở nên tạm bợ, khốn khổ đủ đường.
Còn như dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh, dù được quy hoạch dự án và giao cho Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn triển khai từ năm 2000 nhưng đến năm 2006, khu đất lại được giao cho một tập đoàn khác xây dự án tổ hợp cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ kết hợp chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, sau nhiều năm dự án vẫn chưa được thực hiện.
Và chính vì nhiều năm dự án không được triển khai nên đã khiến cuộc sống của cư dân nơi đây thiếu thốn rất nhiều tiện ích. Trong đó, điều đáng chú ý nhất được người dân chia sẻ là việc nhiều ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng nhưng không thể sửa chữa.
Trao đổi về vấn đề này, ông M., một người dân ở khu tứ giác, cho biết: “Dù nhà cửa xuống cấp, xập xệ ông cũng không dám sửa chữa vì không biết khi nào sẽ bị giải tỏa. Hỏi chính quyền cũng không ai trả lời được bao giờ dự án triển khai”.
Với thực tế trước mắt, dư luận không khỏi thắc mắc về sự khả thi của các dự án. Bởi lẽ, suốt cả chục năm chưa triển khai, không biết đến bao giờ dự án mới được thực hiện.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng thị trường bất động sản có lúc thăng lúc trầm, một dự án có thể “chết đi sống lại” nhiều lần, nhưng hầu như chỉ thấy những dự án quy mô vừa có thể hồi phục sau khó khăn, còn các dự án quy mô lớn rất khó vượt qua.
Đăng Thanh