Theo đánh giá của các chuyên gia, việc điều chỉnh quy hoạch dự án nằm trong kế hoạch tái khởi động lại dự án Deawoo Cleve của chủ đầu tư giữa lúc thị trường căn hộ cao cấp không có nhiều thanh khoản. Khả năng sinh lời từ phân khúc này cũng không còn như trước do mặt bằng giá căn hộ trong khu vực đã giảm mạnh.
Deawoo Cleve “biến mất”
Theo Giấy chứng nhận đầu tư do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp lần đầu năm 2009, dự án Daewoo Cleve có chủ đầu tư là công ty TNHH Hibrand với vốn điều lệ ban đầu gần 514 tỷ đồng.
Hibrand thuộc công ty TNHH Inpyung (Hàn Quốc), Tổng Giám đốc là Park Chunseon, quốc tịch Hàn Quốc. Khu đất để triển khai dự án tại khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông) được Inpyung mua lại từ Văn Phú – Invest.
Theo giới thiệu ban đầu, đây là một trong những dự án do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư với nhiều cái “nhất” và được nhắc đến như một siêu dự án ở phía Tây thành phố.
Daewoo Cleve được xây dựng trên diện tích 6,5ha, quy mô gồm 15 tòa chung cư cao 36 – 40 tầng, tổng vốn đầu tư hơn 421 triệu USD. Khi hoàn thiện, dự án sẽ cho ra thị trường hơn 4.514 căn hộ cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế và là khu đô thị kiểu mẫu của châu Á với các căn hộ 94 –163m2, đa số đều có ba phòng ngủ. Giá bán dự án tại thời điểm đó trên 31 triệu đồng/m2.
Được khởi công xây dựng đầu năm 2010, theo kế hoạch ban đầu, tòa CT2 và CT2B của dự án với quy mô 36 tầng dự kiến sẽ hoàn thành và bàn giao căn hộ vào cuối tháng 3/2014. Tổng thể dự án sẽ hoàn thiện vào năm 2018. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, đến năm 2012 khi xây đến tầng 6, hoạt động thi công xây dựng được dừng lại.
Nguyên nhân là do thị trường bất động sản Việt Nam rơi vào khủng hoảng. Thanh khoản tụt dốc với giao dịch tại nhiều dự án “đóng băng”, ngân hàng thắt chặt vốn vay đối với bất động sản.
Lúc này, Hibrand chỉ bán được số ít căn hộ dưới hình thức góp vốn nhưng cũng không xoay xở vay được vốn ngân hàng nên không triển khai tiếp được dự án.
“Số phận” của Daewoo Cleve được hé lộ khi Sở Xây dựng Hà Nội công bố danh sách 191 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Cái tên Daewoo Cleve được thay vào đó là hai dự án mới mang tên Khu biệt thự liền kề La Casta và Khu căn hộ K-Park thuộc chủ đầu tư công ty TNHH Hibrand Việt Nam, được xây dựng trên khu đất của dự án Daewoo Cleve trước đây.
Dự án khu chung cư và dịch vụ K Park
Đã tìm ra lối thoát
Được biết, do không bán được hàng, chủ đầu tư đã xin điều chỉnh quy hoạch cục bộ bản quy hoạch chi tiết và được UBND Tp.Hà Nội chấp thuận vào năm 2014. Tiếp đó, Bộ Xây dựng đã chấp thuận thiết kế cơ sở của dự án vào năm 2015.
Tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu cấp năm 2009 và sau khi chứng nhận điều chỉnh lần thứ nhất do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp năm 2016 đã điều chỉnh tên dự án; điều chỉnh giảm vốn đầu tư dự án từ 6.744 tỷ đồng còn hơn 2.566 tỷ đồng; giảm vốn góp thực hiện từ 1.012 tỷ đồng còn gần 514 tỷ đồng.
Về điều chỉnh quy mô dự án, cụ thể: Ô đất CT1 có ký hiệu H-TT1; Ô đất CT3 có ký hiệu H-TT2; Ô đất CT5 có ký hiệu H-TT3; Ô đất CT5 có ký hiệu H-TT3; Ô đất CT6 có ký hiệu H-TT4; Ô đất CT8 có ký hiệu H-TT5 đều chuyển đổi thành khu nhà ở thấp tầng, có chiều cao công trình 4 – 5 tầng. Theo đó, khu nhà thấp tầng gồm 359 lô liền kề, với diện tích đất 72 – 159m2.
Dự án có tên thương mại là khu biệt thự liền kề La Casta vẫn do Hibrand Việt Nam tự xây dựng và kinh doanh. Dự án này đã được chào bán ra thị trường cách đây vài tháng với giá khoảng 50 triệu đồng/m2 và đã bán được hơn 200 căn. Thanh khoản của nhóm dự án này đã khả quan hơn.
Riêng ô đất CT2 có ký hiệu H-CT1 và ô đất CT4 có ký hiệu H-CT2 được giữ nguyên chức năng đất chung cư và dịch vụ, điều chỉnh độ cao 36 – 40 tầng xuống còn 23 – 27 tầng. Chủ đầu tư đã chấp nhận cắt bỏ 10 tòa tháp, tương đương với 3.000 căn hộ. Năm tòa chung cư còn lại cũng giảm quy mô và chiều cao, chỉ còn 1.500 căn hộ.
Đối với những tòa chung cư, chủ đầu tư đã thay các căn hộ lúc trước có diện tích lớn 94 – 163m2 thành những căn hộ có diện tích nhỏ, chỉ 54 – 93m2, đang được K-Park xây dựng. Đáng chú ý, sau khi điều chỉnh, quy mô dân số từ 6.070 người còn 4.858 người (giảm được 1.212 người).
Việc điều chỉnh chiều cao của khối nhà tại hàng loạt ô đất cũng khiến quy mô dự án này giảm đáng kể, tổng mức đầu tư theo đó giảm mạnh, gánh nặng tài chính để thực hiện dự án cũng giảm đáng kể.
Tuy nhiên, tại Quyết định số 6693 do UBND Tp.Hà Nội cấp năm 2016 về việc cho phép công ty Hibrand tiếp tục sử dụng đất tại khu đô thị Văn Phú đã yêu cầu công ty này trong vòng 12 tháng từ khi nhận bàn giao đất phải đưa đất vào sử dụng.
Nếu chậm đưa vào sử dụng so với tiến độ bàn giao, được gia hạn thêm 24 tháng. Nếu hết thời gian gia hạn vẫn không đưa vào sử dụng, thành phố sẽ quyết định thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất. Như vậy, số phận của Hibrand vẫn còn mong manh.
Minh Trang