Trong số những dự án đủ điều kiện bán hàng hiện tại, hầu hết các tổ hợp gắn “mác” cao cấp tại địa bàn Thủ đô đều có mặt với giấy thông hành đến từ Sở Xây dựng.
Điểm danh hàng “hot”
Điển hình, tổ hợp thương mại dịch vụ, văn phòng cho thuê và nhà ở chung cư ADG Garden (chủ đầu tư công ty CP Sao Ánh Dương) tại ô đất I1-HH1 thuộc Quy hoạch chi tiết Khu nhà ở Ao Mơ, phường Mai Động, phường Vĩnh Hưng quận Hoàng Mai và phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng.
Bằng văn bản cho phép ngày 28/6/2016, 1.263 sản phẩm của dự án đã đủ điều kiện giao dịch. Được biết, chủ quản của dự án là Sunshine Group – một tên tuổi mới nổi trong làng BĐS phía Bắc với nhiều khu đất vàng rộng lớn ở Hà Nội chờ khai thác.
Cuối năm vừa qua, cũng chính dự án này (tại Vĩnh Tuy) đặc biệt nhận được quan tâm của khách hàng, dư luận và giới truyền thông báo chí BĐS bởi tình trạng công trường ngừng thi công đột ngột nhiều tháng. Thông tin từ chủ đầu tư cho biết, dự án (tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng) dự kiến bàn giao vào quý I/2018.
Ở khu vực quận Thanh Xuân, khá nhiều tổ hợp chung cư cao cấp, liền kề biệt thự được cho phép bán hàng. Đơn cử, khu nhà ở tại 96-96B Nguyễn Huy Tưởng (do Him Lam Thủ đô làm chủ đầu tư) có 60 sản phẩm đủ điều kiện giao dịch. Tiếp đến, 460 căn chung cư Legend Tower (109 Nguyễn Tuân) của công ty CP Đại Việt Trí Tuệ đã đủ pháp lý bán hàng.
Đắc địa hơn, phải nhắc tới Dự án Tổ hợp dịch vụ thương mại, văn phòng và nhà ở tại lô đất NO 4.5 Lê Văn Lương (mặt đường). Cuối tháng 7/2016, văn bản chấp thuận của Sở Xây dựng Hà Nội chính thức cho phép dự án của chủ đầu tư công ty CP phát triển đầu tư Hà Nội – HDIS kinh doanh 402 căn chung cư.
Bên cạnh tổ hợp nhà ở “quấy đảo” dư luận người mua nhà mới đây như Riverside Garden 349 Vũ Tông Phan được phép bán hàng, hai trường hợp từng khiến khách hàng lấn cấn là Thanh Xuân Complex và Việt Đức Complex cũng xuất hiện trong danh sách chấp thuận của cơ quan quản lý xây dựng Hà Nội.
Tọa lạc tại khu đất số 6 Lê Văn Thiêm, Thanh Xuân Complex từng đứng trước nghi vấn trở thành một dự án “không khoảng xanh” giữa lòng Thủ đô. Đầu tháng 1/2016, dự án được cơ quan chức năng điều chỉnh chỉ tiêu đất với điểm đáng chú ý: phần diện tích đất xây nhà ở cao tầng “vọt” lên 6.233m2, trong khi diện tích đất phục vụ xây nhà thấp tầng (5.609m2) và đất làm đường nội bộ (2.902m2) không đổi. Từ đây, xuất hiện nghi vấn 3.633m2 đất cây xanh, cảnh quan của dự án đã được “chuyển hóa” thành xây nhà ở cao tầng (2.600 + 3.633 = 6.233m2)!?
![]() |
Hầu hết những tổ hợp gắn "mác" cao cấp tại địa bàn Thủ đô đã hoàn thành
thủ tục pháp lý cuối cùng để bán hàng
Tuy nhiên, cũng trong tháng 1/2017, UBND TP Hà Nội ra văn bản quyết định chủ đầu tư vẫn phải sử dụng 3.633m2 để trồng cây xanh tạo cảnh quan và đường nội bộ cho khu đô thị (KĐT). Đến đây, nhiều lo ngại về dự án “nói không với khoảng xanh” đã cơ bản không còn. Dẫu vậy, dự án vẫn chưa thể xóa đi nguy cơ ùn tắc giao thông cục bộ khi đưa vào vận hành (địa bàn tập trung hàng loạt chung cư, quần thể đông đúc xen lẫn nhiều cơ sở đào tạo tiểu học, trung học, đại học).
Từ vùng lõi, với các khu vực ngoại vi trung tâm đang đón nhận nguồn cung khổng lồ các sản phẩm “nét” (đủ điều kiện giao dịch); nhìn chung, phân khúc chủ đạo ra hàng vẫn là chung cư cao cấp và liền kề.
Ngập chợ nhà đất
Ngoài nguồn cung ở quận Thanh Xuân như Thanh Xuân Complex (378 căn), Việt Đức Complex – dự án “ôm trọn” nghĩa trang (704 căn), Thống Nhất Complex (48 căn liền kề và 552 căn chung cư), tổ hợp 47 Nguyễn Tuân (700 căn), những địa bàn phía Tây và Nam Thủ đô cũng lần lượt được bổ sung nguồn sản phẩm BĐS dạng “lúa non”.
Tại khu vực Từ Liêm, dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng và nhà ở tại 16 Phạm Hùng mới đây đã được cơ quan chức năng cho phép đưa vào kinh doanh 214 căn hộ vào đầu tháng 1 vừa qua. Được biết, chủ đầu tư của tổ hợp nằm không xa FLC 36 Phạm Hùng của ông chủ Trịnh Văn Quyết là Liên danh công ty TNHH MTV Mai Trang và công ty CP Xây dựng Sunshine Việt Nam.
Bên cạnh đó, phải kể tới ngót nghìn căn (984) của hai khối căn hộ thuộc Dự án tổ hợp Mỹ Đình Pearl (công ty CP BĐS Dầu Khí Việt Nam – SSG làm chủ đầu tư) được chuyển nhượng mua bán từ 30/12/2016. “Vô địch” về số lượng BĐS được chấp thuận kinh doanh, là Dự án Ngôi sao An Bình 2 (An Binh City) của Geleximco. Văn bản của Sở Xây dựng ngày 16/12/2016 chính thức rộng đường pháp lý bán hàng cho 2.732 căn hộ nơi đây.
Vùng lõi cũng ghi nhận hàng loạt trường hợp dự án khác gia nhập chợ nhà đất như Star City Center Trần Duy Hưng (898 căn, công ty CP đầu tư kinh doanh và phát triển đô thị Ngôi Sao Xanh thực hiện), Tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ cao cấp – Vinhomes Metropolis tại 29 Liễu Giai (1.576 căn) hay Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại, căn hộ và khu đỗ xe công cộng 69B Thụy Khuê (519 căn),…
Ở vùng ngoại vi, sự náo nhiệt cũng không kém với nhiều dự án quy mô chiếm đất khủng đã được cho phép bán BĐS hình thành trong tương lai. Rõ nhất: hơn 1.700 căn của Xuân Mai Spark Tower (Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai thực hiện), 680 căn từ dự án khu nhà ở CT1 Phúc Lợi (công ty CP Đầu tư và thương mại Thủ đô chủ quản).
Ở khu Hà Đông, đáng chú ý hơn cả là 408 căn hộ CT1 thuộc khu NƠXH Phú Lãm của Hải Phát được bán hàng. Cách đó không xa, công trình hỗn hợp nhà ở HH01- Dự án KĐT mới Dương Nội của Nam Cường cũng nhận được giấy thông hành bán hàng cho 544 căn hộ.
Đông Hưng