Nhiều doanh nghiệp, cửa hàng phải đóng cửa bởi ảnh hưởng dịch Covid-19 (Ảnh: Internet) |
Bộ Tài chính cho biết đã trình Chính phủ dự thảo nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Điểm mới nhất của dự thảo lần này Bộ Tài chính nâng gói hỗ trợ lên mức hơn 80.200 tỷ đồng so với hơn 30.000 tỷ đồng trước đó, đồng thời bổ sung giãn nợ cả thuế thu nhập doanh nghiệp.
Lo không đáp ứng quy định
Trao đổi với Thời báo Kinh doanh, lãnh đạo một số doanh nghiệp cho rằng tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh đều bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, một số ngành, lĩnh vực sản xuất bị thiếu hụt lao động tạm thời, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, gây đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, cần xem xét lại cách tiếp cận của các gói hỗ trợ mạnh mẽ hơn để doanh nghiệp chống đỡ được dịch Covid-19.
Lãnh đạo CTCP du lịch và vận tải L.V (TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), chia sẻ 2 tháng nay, doanh nghiệp không nộp đồng thuế nào vì không phát sinh doanh thu nhưng vẫn phải chi trả nhiều chi phí, lãi vay ngân hàng, trả lương nhân viên... “Không thể gắng gượng được nữa, từ đầu tháng 3, doanh nghiệp phải cho 23 lao động tạm nghỉ việc vì không lấy đâu ra nguồn để trả lương”, vị này cho hay.
Trước thông tin Bộ Tài chính xin ý kiến Chính phủ nới gói hỗ trợ từ mức hơn 30.000 tỷ đồng lên hơn 80.000 tỷ đồng và bổ sung giãn nợ cả thuế thu nhập doanh nghiệp, đại diện CTCP du lịch và vận tải L.V cho hay đã xem rất kỹ quy định của Bộ Tài chính về miễn giảm, gia hạn tiền thuế và công văn 897 để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 mà Tổng cục Thuế vừa ban hành. Trong đó, doanh nghiệp này băn khoăn quy định để được gia hạn tiền thuế thì doanh nghiệp phải bị thiệt hại, tổn thất về tài sản như máy móc, thiết bị, nhà xưởng và phải quy ra được bằng tiền, phải nộp biên bản kiểm kê...
"Với những điều kiện trên, doanh nghiệp chúng tôi không thể đáp ứng. Vì doanh thu không có đồng nào. Khi Sơn Lôi bị phong tỏa thì đối tác còn từ chối nhận chứng từ dù chuyển phát nhanh", đại diện này cho hay.
Do đó, lãnh đạo CTCP du lịch và vận tải L.V mong muốn Chính phủ cần có giải pháp mạnh tay hơn, như miễn giảm tiền thuê đất. "Việc gia hạn tiền đất mà đến cuối năm vẫn phải đóng thì doanh nghiệp chưa biết lấy nguồn ở đâu. Ngay việc gia hạn thời gian nộp thuế VAT, nhiều doanh nghiệp chả được lợi gì vì có bán được hàng hóa, dịch vụ đâu. Với lãi suất ngân hàng giảm 1% nhưng vẫn ở mức 7%/năm là áp lực rất lớn với doanh nghiệp", ông nói.
Cần giải pháp dài hơi
Các chuyên gia cho rằng tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam rất lớn và hệ quả không chỉ trong năm 2020 mà còn có khả năng kéo dài đến năm 2021. Do vậy, cần có những giải pháp dài hơn hơn nữa.
Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, kéo dài thời gian chậm nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp là giải pháp đúng nhưng chưa đủ, vì doanh nghiệp không thể bán được hàng hoá, không có thu nhập thì không có tiền để trả.
“Do vậy, bên cạnh việc gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, Bộ Tài chính cũng nên có chính sách xem xét miễn giảm tiền thuê đất đối với những doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Chẳng hạn với những doanh nghiệp bị đóng cửa trong vòng từ 3-5 tháng”, một chuyên gia cho hay
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng cần nới lỏng điều kiện được hưởng hỗ trợ gia hạn thời gian nộp thuế như quy định doanh nghiệp phải tổn hại về máy móc, nhà xưởng… Quy định này không hợp lý bởi dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp không có đầu vào và đầu ra nên ngừng sản xuất. Điều này không ảnh hưởng đến máy móc hay nhà xưởng được… Nếu yêu cầu như vậy trong lúc này, doanh nghiệp không thể nào đáp ứng được. Nếu không được hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phải đóng cửa, không còn khả năng trả nợ cũ. Thời gian hỗ trợ cũng lâu dài, từ 1 năm trở lên chứ không nên chỉ hỗ trợ trong thời gian quá ngắn.
Các doanh nghiệp cũng bắt đầu lo ngại khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất, xuất khẩu được phục hồi thì nguồn nguyên liệu hiện có cũng chỉ có thể đáp ứng được 50% - 70% nhu cầu sản xuất.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản(VASEP), bên cạnh các đề xuất miễn giảm các loại thuế đang được đưa ra, Chính phủ xem xét miễn nộp kinh phí công đoàn (2% quỹ lương) trong năm 2020; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020; giảm giá điện cho các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng và cho phép gia hạn thời gian thanh toán tiền điện; tạm ngưng thu phí BOT đến hết năm 2020 để giảm chi phí vận chuyển…
Trong khi đó, ông Trần Quang Chiểu - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cho rằng giải pháp hỗ trợ quan trọng nhất với nền kinh tế và doanh nghiệp lúc này là đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động. Chính phủ nên tính toán, cân nhắc có gói hỗ trợ người lao động ở khu vực doanh nghiệp khi họ bị giảm thu nhập do giảm giờ làm, doanh nghiệp đóng cửa.
Thanh Hoa