Ngày 5/10 vừa qua, công ty Idemitsu (IQ 8) đã tổ chức lễ khánh thành cửa hàng xăng dầu đầu tiên có 100% vốn FDI tại thị trường Việt Nam đánh dấu mốc công ty chính thức đặt chân vào thị trường kinh doanh bán lẻ xăng dầu, mang kinh nghiệm cùng công nghệ từ Nhật Bản và châu Âu tới Việt Nam.
Giá xăng sẽ rẻ hơn
Điều đặc biệt, IQ8 cho biết, sẽ áp dụng hệ thống phần mềm quản lý tự động tại trạm xăng dầu, cho phép thanh toán bằng thẻ với nhiều tính năng ưu việt, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng. Hệ thống quản lý số lượng nhiên liệu chính xác đến 0,01 lít và cung cấp báo cáo chi tiết các giao dịch cho khách hàng…
Ông Kiyoshi Homma, Giám đốc công ty TNHH Idemitsu Kosan, không giấu tham vọng DN này sẽ mở rộng hệ thống kinh doanh từ miền Bắc đến miền Nam Việt Nam.
Được biết, Việt Nam hiện có 29 DN đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, 120 thương nhân phân phối và hơn 14.000 cửa hàng trên cả nước.
Chính vì vậy, trước sự xuất hiện của “đại gia” xăng dầu tới từ Nhật Bản, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhìn nhận điều này sẽ thêm đối tượng mới tham gia thị trường, tạo sự cạnh tranh trong bán lẻ xăng dầu của Việt Nam.
Đánh giá về chính sách giá xăng dầu hiện nay, ông Long cho rằng trên thị trường vẫn có những DN kinh doanh xăng dầu giữ vị trí thống lĩnh như: Petrolimex hiện giữ 47% thị phần, cùng với PV Oil và Sài gòn Petro chiếm thị phần trên 65%. Về cơ chế điều hành giá theo Nghị định 83/CP vẫn chia làm ba bước: 0 – 3%; trên 3 – 7% và trên 7%; giá đầu vào tăng dưới 3% để cho DN tự quyết định, còn lại do Nhà nước quyết định.
Ông Long đánh giá, đây là cơ chế “lưỡng tính, nửa vời”.
Trên thực tế, theo ông Long, điều hành giá xăng dầu đều do Nhà nước quyết định sự tăng giảm giá cơ sở ở biên độ nào, không thực hiện như trong Nghị định 83/CP đã quy định. Nguyên nhân là vì xăng dầu chưa có cơ chế thị trường mà vẫn còn DN giữ vị trí thống lĩnh thị trường nên buộc Nhà nước phải giữ biện pháp can thiệp về giá.
“Trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước quy định giá cơ sở bán (giá trần), với giá đó, DN xăng dầu không được bán quá, nhưng DN có quyền bán thấp hơn. Song thực tế, không DN nào dại bán thấp hơn khi lợi ích của họ đang nằm ở chỗ giá đó”, ông Long nói.
Ngoài ra, theo ông Long, việc cửa hàng xăng dầu Nhật Bản sử dụng công nghệ hiện đại là “cú huých” cho thị trường Việt. Giao dịch bán bằng thẻ, công nghệ giúp quản lý hiệu quả, thông qua đó giúp thị trường xăng dầu minh bạch hơn.
Còn theo Ts. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, sở dĩ đại gia Nhật Bản đầu tư kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam được người dân đón nhận là vì thời gian qua, giá xăng dầu chưa đủ cạnh tranh.
“Về cá nhân, tôi cho rằng sự tham gia của liên doanh xăng dầu Nhật và Kuwat là tín hiệu bước đầu rất đáng mừng. Tuy nhiên, cần xem liên doanh này sẽ cạnh tranh thế nào đối với các DN trong nước”, Ts. Hồ nói.
Theo Ts. Hồ, trong thể chế kinh tế hiện nay, chỉ với 10 – 15 trạm bán xăng dầu của liên doanh liệu có cạnh tranh được không, trong khi các đại lý xăng dầu trong nước đều nằm ở vị trí đắc địa. Như Petrolimex nắm giữ khoảng 50% thị phần xăng dầu trong nước với 2.500 – 2.700 cửa hàng xăng dầu ở những vị trí “đắc địa”.
Việc xuất hiện DN xăng dầu ngoại trên thị trường xăng dầu khó gây cạnh tranh về giá bản lẻ vì giá cơ sở vẫn do Nhà nước quyết
Cơ chế phải sửa
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho biết, việc xuất hiện DN xăng dầu ngoại trên thị trường xăng dầu chưa thể dẫn tới cuộc cạnh tranh về giá bán lẻ xăng dầu vì giá cơ sở vẫn do Nhà nước quyết, các DN phải bán lẻ xăng dầu vẫn xoay quanh giá cơ sở.
Ông Ruệ lý giải thêm, Nhà nước còn quyết giá cơ sở xăng dầu nên các DN FDI có vào cũng không thể cạnh tranh ngang ngửa. Hiện nay, các DN nhập khẩu, phân phối, bán lẻ xăng dầu chỉ cạnh tranh về phí, nghĩa là giá xăng dầu về cơ bản không đổi, chỉ chênh lệch chút ít về chi phí kinh doanh.
Trong khi đó, đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện tại chưa có chính sách quản lý bán lẻ xăng dầu nào được ra đời thay thế Nghị định 83, các DN hiện nay vẫn bán theo cơ chế chung, đảm bảo không có phân biệt đối xử giữa các loại hình DN với nhau. Như vậy, hoạt động của liên doanh xăng dầu Nhật Bản vẫn thực hiện theo quy định của Chính phủ, được áp dụng giá trần bán ra.
Trước thực tế trên, Ts. Hồ đặt vấn đề, cơ chế bán xăng dầu hiện nay, khi có nhà đầu tư ngoại 100% vốn vào, liệu có phù hợp với cơ chế thị trường của thế giới không?
“Tôi chỉ quan tâm là thị trường thế giới vận hành theo cơ chế nào, chúng ta cũng cần học theo, làm theo cơ chế ấy để đảm bảo các DN có động lực phát triển. Không nên và không nhất thiết phải giữ quan điểm DN nhà nước nắm vai trò độc quyền, độc tôn ở thị trường hàng hóa như xăng dầu bởi nếu ngành này còn độc quyền về giá, cung ứng thì còn kìm hãm các ngành khác”, Ts. Hồ nói.
Trong khi đó, ông Long cho rằng vấn đề là cần xem lại cách đưa ra mức giá trần theo Nghị định 83 hiện nay có phù hợp không, có khuyến khích các DN xăng dầu bán giá thấp hơn, cải cách quy trình để bán tốt hơn không. “Giá Nhà nước định rồi, từ mức đó nếu anh nào làm ăn giỏi nên bán giá thấp hơn”, ông Long nói.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng kỳ vọng, với sự gia nhập kênh bán lẻ xăng dầu của liên doanh Nhật – Kuwait sẽ gây áp lực đối với hai ngành điện và nước sạch. Hiện tại, đây là hai ngành còn có tỷ lệ độc quyền trong phân phối chiếm đa số.
EVN hiện vẫn là DN độc quyền cung ứng điện, trong khi cơ chế phát điện và mua điện cạnh tranh của Việt Nam vẫn phấn đấu đạt tỷ lệ 50/50% (Nhà nước và tư nhân). Tuy nhiên, cơ chế bán điện cạnh tranh vẫn gặp khó do điện gió, điện mặt trời dù được Nhà nước hỗ trợ mua điện giá cao hơn so với điện than, thủy điện nhưng mặt bằng chung chưa khuyến khích được các nhà đầu tư tư nhân.
Cạnh tranh trong cung ứng nước sạch cũng là vấn đề cố hữu bởi hoạt động cấp nước vẫn thuộc quản lý của các DN nhà nước. Trong khi đó, các DN tham gia cung ứng nước sạch hiện không mặn mà với giá nước sạch do giá mua nước sạch thấp, lại phải chịu thêm giá cấp nước (chi phí cấp nước và thiết bị hao mòn).
Hiện tại, giá bán nước sạch vẫn chưa tách bạch với giá sản xuất nước sạch khiến các DN nản chí.
Ts. Hồ chia sẻ: “Bản thân gia đình tôi đang phải đi làm thủ tục xin cấp nước với quá nhiều thủ tục, nhiêu khê và mất thời gian. Tôi nghĩ, xăng dầu có sự tham gia của DN ngoại vào mới chỉ là tia sáng, chúng ta phải làm sao giữ cho tia sáng đó thành ánh sáng, thành quầng sáng để thức tỉnh các ngành còn độc quyền, còn tư duy “mình tôi một sân” muốn làm gì thì làm”.
Lê Thúy
Ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Việc đại gia xăng dầu Nhật Bản khai trương cửa hàng xăng dầu đầu tiên tại Hà Nội cho thấy đây là tín hiệu tốt cho người tiêu dùng, còn về phía Petrolimex, chúng tôi rất tự tin cho sự cạnh tranh này. Chúng tôi đã chuẩn bị điều này từ 10 năm trước. Nếu tất cả cùng tổ chức kinh doanh trên thị trường bình đẳng, minh bạch, chúng tôi sẵn sàng đương đầu cạnh tranh với DN ngoại. Việc phát triển mạng lưới phân phối, bán lẻ, tiền hay nguồn vốn không phải là cái quan trọng đầu tiên, mà là thời gian, vị trí và cơ hội. Ông Nguyễn Quang Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Petrolimex Nếu các DN FDI nắm giữ và chi phối thị trường xăng dầu trong tương lai sẽ xảy ra khả năng Nhà nước mất quyền kiểm soát thị trường. Bởi vì xăng dầu là mặt hàng chiến lược, động chạm đến tất cả mọi người, cho nên Nhà nước phải giữ thị trường thông qua các cơ chế, hàng rào kỹ thuật. Theo cam kết hội nhập, Việt Nam dần dần sẽ mở cửa thị trường trong nước, trong đó có xăng dầu. Các “đại gia” ngoại tham gia vào khâu phân phối bán lẻ xăng dầu sẽ làm giảm vị trí thống lĩnh của DN trong nước và nâng cao sức cạnh tranh. Đồng thời các DN ngoại có thể sẽ góp phần làm cho việc điều hành xăng dầu phải công khai, minh bạch và công bằng hơn. |