Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TPHCM báo cáo tổng kết 2 năm thí điểm tuyến xe buýt điện trên địa bàn.
Từ tháng 3/2022, TP chấp thuận chủ trương cho thí điểm 5 tuyến xe buýt điện. Thời gian thí điểm 24 tháng kể từ khi các tuyến đi vào hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có một tuyến được vận hành là tuyến D4 từ khu Vinhomes Grand Park đến Bến xe buýt Sài Gòn
Tuyến xe bus điện D4 có cự ly 29km, hoạt động từ 5h đến 22h hàng ngày với 11 phương tiện có sức chứa 76 chỗ. Tuyến đã thực hiện 45.973 chuyến xe trong 2 năm, đạt tỷ lệ 99,4% so với số chuyến kế hoạch. Các chuyến xe không hoàn thành chủ yếu do tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm dẫn đến xe không kịp về bến để thực hiện chuyến tiếp theo.
Giá vé xe bus là 3.000 đồng/lượt đối với học sinh, sinh viên và 7.000 đồng/lượt với nhóm khách còn lại. Vé tập bán trước có giá 157.500 đồng/tập 30 vé.
Tỷ lệ trợ giá/chi phí 44,1% đối với xe bus điện tại TPHCM được cho là quá thấp. |
Theo Sở GTVT TPHCM, bình quân của tuyến xe bus điện D4 năm 2022 đạt 22,5 hành khách/chuyến và năm 2023 bình quân đạt 29,5 hành khách/chuyến.
Khối lượng vận chuyển tuyến xe buýt D4 liên tục tăng từ khi đưa tuyến vào hoạt động (tháng 3/2022) từ bình quân 14,1 lượt hành khách/chuyến tăng lên bình quân 30,6 hành khách/chuyến (tháng 12.2023). Từ đó, doanh thu vé bình quân mỗi chuyến tăng từ 84.000 đồng/chuyến lên mức 164.000 đồng/chuyến.
Dù vậy, sau khi tổng kết 2 năm hoạt động, đơn vị vận hành tuyến bus này vẫn báo lỗ hơn 33 tỷ đồng, năm 2022 lỗ 16,1 tỉ đồng và năm 2023 lỗ 17,5 tỉ đồng. Nguyên nhân được đưa ra là do mức trợ giá cho xe quá thấp so với tổng chi phí hoạt động.
Được biết, hiện nay tuyến bus điện đầu tiên này của TPHCM đang được thực hiện đặt hàng với đơn giá xe CNG với tỷ lệ trợ giá/chi phí là 44,1%. Theo tỉ lệ trên, mỗi chuyến buýt được trợ giá 309.800 đồng, trên tổng chi phí vận hành là 702.496 đồng.
Để bù phần chênh lệch còn lại, mỗi chuyến xe phải đạt doanh thu 392.696 đồng/chuyến (tương ứng sản lượng phải đạt 71 hành khách/chuyến). Tuy nhiên, lượng khách bình quân của tuyến xe buýt điện D4 năm 2022 chỉ đạt 22,5 hành khách/chuyến và năm 2023 bình quân đạt 29,5 hành khách/chuyến, nên chỉ đạt 41,5% so với sản lượng tính trợ giá.
Công ty Vinbus (nhà đầu tư hệ thống xe bus điện) nhận định, tỷ lệ trợ giá cho tuyến xe buýt điện D4 hiện nay là quá thấp, chỉ bằng khoảng 2/3 so với tỉ lệ trợ giá của tuyến xe buýt sử dụng diesel và CNG.
Với tỷ lệ trợ giá như hiện nay, nếu không được xem xét điều chỉnh và sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật cho xe buýt điện thì Công ty không thể mở tiếp được các tuyến các tuyến còn lại và phải xin dừng hoạt động của tuyến D4 do thua lỗ.
Để tháo gỡ khó khăn cho đơn vị khai thác, hiện Sở GTVT TPHCM đề xuất UBND TPHCM chấp thuận chủ trương tiếp tục tổ chức thí điểm 5 tuyến xe buýt điện thêm một năm (từ ngày 9.3 đến 31.3.2025) và tăng tỉ lệ trợ giá cho buýt điện lên 64,8%.
Bích Tâm