Nhằm thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực CNHT, TP. Hà Nội ưu tiên, khuyến khích phát triển CNHT và nâng cao năng lực các doanh nghiệp CNHT phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Hà Nội, đặc biệt trong đại dịch Covid-19. Đồng thời thu hút, huy động nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực CNHT nhằm gia tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CNHT tại Hà Nội.
Nhằm hiện thực hóa chủ trương, đầu năm nay, UBND TP. Hà Nội đã có kế hoạch “Chương trình Phát triển CNHT thành phố Hà Nội năm 2022”, trong đó cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ của "Chương trình Phát triển CNHT thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025.
Thiếu các khu công nghiệp hỗ trợ lớn
KCN Hanssip tiền thân là Cụm công nghiệp Đại Xuyên - Phú Xuyên - tỉnh Hà Tây) là KCN được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập và chỉ đạo đầu tư phân kỳ hợp lý, gắn với Đô thị - Dịch vụ, nhà ở công nhân - chuyên gia… do UBND TP Hà Nội trình, được Bộ KH&ĐT thẩm định lấy ý kiến qua 8 bộ ban ngành.
TP. Hà Nội đang có nhiều chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. |
Được Tập đoàn Nikken Civil (Nhật Bản) thiết kế quy hoạch, Khu công nghiệp (KCN) Hanssip có diện tích 640ha, trong đó khoảng 500ha là KCN và 140ha là khu đô thị dịch vụ. Đặc biệt, Hanssip chính là KCN đầu tiên của ngành CNHT Việt Nam do Công ty CP Ðầu tư phát triển N&G - Corp, thành viên của Tập đoàn N&G (N&G Group), DN 100% vốn Việt Nam đầu tư, xây dựng.
Trải qua nhiều năm khảo sát, chuẩn bị cơ sở hạ tầng và thi công xây dựng, đến nay KCN Hanssip đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng đủ các điều kiện để thu hút DN ngành CNHT đi vào sản xuất, kinh doanh.
Nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo cú hích để KCN Hanssip thu hút DN đầu tư sản xuất, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành và UBND huyện Phú Xuyên tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Bằng sự vào cuộc quyết liệt của UBND TP Hà Nội và DN đầu tư, đến nay, KCN Hanssip đang trở thành địa chỉ đỏ cho nhiều tập đoàn quốc tế lựa chọn để đầu tư, phát triển sản xuất các sản phẩm ngành CNHT.
Nhưng cũng phải thẳng thắn, mặc dù Hà Nội có lợi thế rất lớn bởi hạ tầng giao thông và tiện ích hoàn chỉnh hiện đại bậc nhất so với cả nước, đội ngũ lao động trình độ cao đủ đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe của các tập đoàn sản xuất lớn trên thế giới, có các nhà quản lý trình độ ngang bằng các nước ASEAN. Tuy nhiên, 10 năm qua, ngoài KCN Hanssip, Hà Nội chưa có thêm khu công nghiệp hỗ trợ nào.
Hiện nay, Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện chủ yếu có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Một số doanh nghiệp trong nước đã nhận chuyển giao công nghệ và tham gia vào chuỗi sản xuất khi đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm chất lượng hàng hóa. Có doanh nghiệp đã phát triển, lớn mạnh hơn, song cũng có doanh nghiệp không thành công. Điều đó đặt ra vấn đề là phải hình thành tập đoàn, doanh nghiệp nội địa đầu đàn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Nhiều giải pháp để hiện thực hóa
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã kêu gọi đầu tư 43 cụm công nghiệp, nhưng do nhiều yếu tố, đặc biệt là tác động của dịch Covid-19, nên mới khởi công 4 cụm, với diện tích khoảng 70-80ha. Dự kiến trong năm 2022, Hà Nội sẽ khởi công hết 43 cụm công nghiệp và trong 1-2 năm tới sẽ có hàng nghìn héc ta mặt bằng phục vụ doanh nghiệp phát triển sản xuất. Nếu thực hiện tốt việc phát triển cụm công nghiệp theo quy hoạch, đến năm 2025, Hà Nội sẽ có khoảng 3.000ha đất công nghiệp, chưa kể diện tích đất khu công nghiệp khoảng 2.000-3.000ha nữa.
Ngay như khu công nghiệp Hanssip, mặc dù đã có kinh nghiệm trong thu hút đầu tư nhưng bản thân KCN này cũng đang đưa ra nhiều cơ chế thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo đó, không chỉ cân đối bù giá - giảm giá thuê đất Công nghiệp cho các DN từ giá thành Đô thị - Dịch vụ, kết nối đầu vào - đầu ra cho DN, hỗ trợ thủ tục đầu tư miễn phí… mà còn mạnh dạn đầu tư hàng trăm tỷ để hình thành Học viện hướng nghiệp ngành CNHT Việt Nam (Học viện đầu tiên của cả nước do Tập đoàn N&G - tư nhân đầu tư hoạt động phi lợi nhuận).
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, TP. Hà Nội đã có những giải pháp, đề xuất tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp có thể phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Để có được kế hoạch hình thành 920 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, thành phố đã xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ với kế hoạch cho giai đoạn 5 năm 2021-2025 và từng năm. Năm 2021, Hà Nội có khoảng 900 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào 3 lĩnh vực: Sản xuất linh kiện điện - điện tử, lắp ráp ô tô và cơ khí chế tạo; phục vụ ngành dệt may, da giày; phục vụ công nghiệp công nghệ cao. Trong đó, khoảng 300 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Giá trị sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 16% giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng cho rằng, một số cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, CNHT tại địa phương chưa được hoàn thiện, nhất là các chính sách tín dụng, quy chế thực hiện Chương trình,… đặc biệt là thiếu nhân lực quản lý nhà nước về công nghiệp.
Công tác tổ chức, quản lý, điều hành việc triển khai thực hiện quy hoạch và chính sách phát triển CNHT cho ngành công nghiệp ô tô còn thiếu; quy mô các doanh nghiệp còn nhỏ, công nghệ chưa tiên tiến, khả năng nghiên cứu thiết kế phát triển sản phẩm còn hạn chế,…
Gia Anh